Dòng sự kiện:

11 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua

21:04 25/11/2015
Một bé trai kháu khỉnh và đáng yêu sẽ đem đến nhiều niềm vui cho gia đình bạn nhưng những bất ổn về sức khỏe của bé có thể khiến mẹ đau đầu.

 

 

 

[mecloud]OoRMwqxT5X[/mecloud]

Nhất là vấn đề về cơ quan sinh dục của bé, đây là bộ phận quan trọng nhất.

Cũng giống như nhiều bộ phận khác của cơ thể, cơ quan sinh dục của trẻ sơ sinh thường gặp nguy hiểm, thậm chí là phải cắt bỏ nếu như không được mẹ quan tâm chăm sóc ngay từ đầu.

1. Hẹp bao quy đầu

Hẹp bao quy đầu chia ra làm 2 loại

- Hẹp bao quy đầu sinh lý: Hẹp bao quy đầu sinh lý là hiện tượng rất dễ gặp ở các bé trai khi chào đời. Đây là biểu hiện sinh lý không đáng ngại, vì thế bạn không cần lo lắng. Khi bé lớn lên, lớp da này sẽ tự rộng ra và không bó hẹp nữa.

- Hẹp bao quy đầu bệnh lý: Nếu khi con lớn lên đến 3 tuổi mà phần bao quy đầu ở bộ phận sinh dục bé không giãn rộng ra được, thì mẹ cần phát hiện sớm và đưa con đi cắt bao quy đầu.

Những dấu hiệu giúp mẹ nhận biết về bệnh của bé như: bé khó đi tiểu, nước tiểu làm phồng bao quy đầu, sưng tấy, tiểu đau rát, có mủ…

2. Bìu to bất thường

Ở một số bé trai khi sinh ra, bộ phận sinh dục của bé xuất hiện tình trạng bìu to hơn so với bình thường. Hiện tượng này sẽ không đáng ngại nếu con vẫn sinh hoạt bình thường, và bác sĩ phụ sản không có thông báo về sự bất thường.

Tuy nhiên, nếu tình trạng này không mất đi mà sau vài tuần tuổi, mà gây ra các khó khăn cho bé khi đi tiểu, khiến con quấy khóc hoặc có biểu hiện bất thường khác thì mẹ cần đưa bé tới bệnh viện để khám để đảm bảo sức khỏe cho bé.

3. Tinh hoàn xoắn

Tinh hoàn xoắn là tình trạng khá nguy hiểm, nếu không phát hiện kịp thời có thể dẫn đến hậu quả khôn lường, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của con sau này. Một số dấu hiệu để mẹ nhận biết tinh hoàn xoắn là: con thường quấy khóc, bìu sưng to, đỏ, rát, đau ở một bên tinh hoàn, đi tiểu buốt, gắt… Ngay khi có các dấu hiệu này, mẹ cần dưa con tới bệnh viện càng sớm càng tốt. Nếu cấp cứu kịp thời, bác sĩ sẽ mổ gấp để tháo xoắn, cứu được cả 2 tinh hoàn. Nếu quá trễ có thể khiến con mất một bên tinh hoàn hoặc cả 2 bên.

4. Tinh hoàn lệch vị trí

Tinh hoàn lệch vị trí thường xảy ra với bé dưới 6 tuổi và mẹ không cần quá lo lắng. Bởi sau một thời gian, tinh hoàn bị “lạc” sẽ tự lọt xuống bộ phận sinh dục và về đúng vị trí.

Ngoài ra, mẹ có thể giúp tinh hoàn của con nhanh về vị trí bằng cách: cho bé nằm lên giường, sau đó dùng tay ấn nhẹ ngang phần háng để tinh hoàn tụt xuống. Cách làm này có thể đạt hiệu quả nếu đây chỉ là hiện tượng sinh lý bình thường ở bé.

Trong trường hợp, mẹ đã thực hiện cách trên và theo dõi trên 6 tuổi, tinh hoàn bé vẫn không về vị trí thì cần cho bé đi làm phẫu thuật.

5. Viêm đường tiết niệu

Mặc dù bộ phận sinh dục bé trai có cấu tạo đơn giản hơn bé gái nhưng vẫn có thể xảy ra nguy cơ viêm đường tiết niệu. Triệu chứng của bệnh này là: bé bị đau bụng quằn quại, sốt, quấy khóc, bỏ ăn… Mẹ cần cho con đi khám để chụp X-quang phòng trường hợp con bị dị tật bộ phận sinh dục bẩm sinh.

Trong trường hợp bé được kết luận viêm đường tiết niệu, mẹ cần phải chăm sóc con cẩn thận, lâu dài vì nếu không cẩn thận có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng gây hoại tử ống thận, xơ teo thận, trào ngược bàng quang, bể thận mãn…

6. Dương vật bé

Chiều dài khi cương quan trọng hơn là ở "trạng thái nghỉ”. Kéo nhẹ dương vật và đo từ gốc đến ngọn, loại trừ đám mô mỡ vùng mu để có chiều dài tính từ gốc. Ở trẻ sơ sinh, dương vật dưới 1,9 cm thì coi là dương vật bé.

Dương vật bé xảy ra khi có vấn đề hoóc môn ở một thời điểm nào đó sau tuần lễ thứ 14 của thai nghén, khi nó đã hình thành rồi. Cần kiểm tra nồng độ hoóc môn, các nhiễm sắc thể để xem có hội chứng nào về gene không. Thử nghiệm dùng testosterone trong 3 tháng, nếu dương vật phát triển thì có nhiều triển vọng rằng khi trưởng thành, trẻ sẽ có kích thước và chức năng dương vật bình thường. Nếu dương vật không đáp ứng với kích thích testosterone thì có khó khăn về vấn đề giới.

7. Dương vật có vạt da hai bên thân

Kích thước bình thường nhưng mảnh da hai bên bìu phát triển và dính vào thân dương vật. Tình trạng này có thể bẩm sinh hoặc do cắt chít bao quy đầu quá rộng, gây dính da bìu vào da dương vật. Dương vật có vạt da thường không gây ra vấn đề gì, và có thể khắc phục bằng ngoại khoa.

8. Dương vật tụt

Tuy dương vật có kích thước bình thường nhưng bị che lấp bởi đám mô mỡ ở vùng mu. Tình trạng này còn được gọi là dương vật bị vùi hay bị giấu. Một số trẻ từ khi mới sinh ra đã "tụt" và số khác bị sau khi cắt bao quy đầu, hay gặp ở trẻ trai tuổi chập chững, đôi khi ở cả vị thành niên béo phì.

Nếu dương vật có thể lộ ra khi kéo nhẹ hay khi đẩy từ dưới lên quanh mô mỡ dày thì không cần can thiệp gì vì thường tình trạng này sẽ hết theo thời gian. Đôi khi, trẻ cần được can thiệp ngoại khoa. Cả hai cách chữa đều đem lại kết quả tốt về chức năng tiết niệu và cương dương sau này.

9. Dương vật bị kẹt

Dương vật có kích thước bình thường, một phần bị kẹt trong đám mô mỡ ở vùng mu, thường là do cắt bao quy đầu gây ra. Sự thành hình sẹo hay dính đã làm cho dương vật bị kẹt lại trong đám mô mỡ vùng mu. Tình trạng này dễ làm cho trẻ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu do bị ứ đọng nước tiểu, vì vậy cần can thiệp ngoại khoa.

10. Sưng tấy bộ phận sinh dục

Bất thường này rất dễ được phát hiện. Nếu mẹ thấy đầu dương vật của con hơi đỏ, bị sưng và đôi khi có mủ thì cần đưa con đi kiểm tra. Hiện tượng này thường xảy ra đối với những bé bị hẹp da quy đầu. Vì vậy, khi mẹ tắm cho con, hãy rửa ráy cẩn thận bộ phận sinh dục cho bé. Mẹ cũng chú ý giữ sao cho bộ phận sinh dục của bé không bị hấp hơi, ẩm ướt. Không nên cho con mặc quần áo chật, hoặc các loại quần áo khó thấm bằng vải tổng hợp hay cao su. Nếu cho con đi tắm biển mùa hè, hãy kiểm tra kỹ để đảm bảo cát không lọt vào bộ phận sinh dục và lưu lại ở đấy.

11. Lỗ tiểu thấp

Bất thường này mẹ cũng có thể nhận ra khi con trai có lỗ tiểu không ở giữa đầu dương vật mà lại ở phía dưới dương vật. Trường hợp này, con cần phải được phẫu thuật để tạo ra đường ống tiểu thẳng bình thường. Trường hợp lỗ tiểu đóng thấp ở nửa giữa thân dương vật và gốc bìu dương vật, thậm chí sát hậu môn, dễ gây ra vô sinh. Thành ra, bé cần được thực hiện phẫu thuật càng sớm càng tốt, tốt nhất là trước khi trẻ 2 tuổi.

Chi Chi (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

Video xem nhiều nhất: [mecloud]el9seKjmOs[/mecloud]