Dòng sự kiện:

11 việc mà bố mẹ những đứa trẻ thành công thường làm

21:00 22/08/2016
Có rất nhiều điểm chung thú vị ở những ông bố bà mẹ có con thông minh, học giỏi khiến bạn bất ngờ.

Mặc dù không có một công thức nuôi dạy con trở thành người thành công cụ thể nào, nhưng hầu hết những đứa trẻ giỏi giang đều có bố mẹ làm được 11 điều này.

Dưới đây là 11 việc mà bố mẹ những đứa trẻ thành công thường làm:

1. Để con làm việc nhà

Các bậc cha mẹ giờ đây có xu hướng bao bọc con cái quá mức, công việc duy nhất trong ngày của các bé là tập trung cho việc học tập. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm. Để cho trẻ làm việc nhà chính là giúp chúng thành người, bởi qua quá trình làm việc nhà, bọn trẻ không chỉ tích cóp được kỹ năng cho bản thân mà còn hiểu rõ hơn về cách cống hiến sức lực ngay từ khi còn nhỏ. 

Nữ tiến sỹ Julie Lythcott-Haims, từng làm việc tại Đại học Harvard cho biết, một khi đã có tinh thần trách nhiệm cùng kỹ năng sống cơ bản, đứa trẻ sẽ có xu hướng lớn lên thành một người tự lập tốt hơn, sẽ là một nhân viên mẫn cán biết phối hợp với đồng nghiệp và có lòng cảm thông sâu sắc với sự việc xung quanh. Phải nuôi được chính mình, sau này mới tính được đến chuyện làm việc lớn!

2. Dạy trẻ những kỹ năng xã hội

Các nhà nghiên cứu từ Đại học bang Pennsylvania và đại học Duke đã theo dõi hơn 700 trẻ em từ khắp nơi trên Hoa Kỳ từ khi học mẫu giáo tới 25 tuổi và tìm thấy một mối liên hệ mật thiết giữa các kỹ năng xã hội học được từ khi là trẻ mẫu giáo với thành công khi trưởng thành sau hai thập kỷ.

Nghiên cứu kéo dài 20 năm này cho thấy những đứa trẻ có kỹ năng xã hội tốt có thể dễ dàng hợp tác với đồng nghiệp, sống có ích hơn, khả năng cảm nhận cảm xúc tốt hơn, biết cách giải quyết các vấn đề cá nhân, dễ dàng hoàn thành được các cấp học cao và kiếm được công việc tốt so với những người có kỹ năng xã hội kém.

3. Có kỳ vọng cao

Sử dụng dữ liệu từ một cuộc khảo sát quy mô toàn quốc trên 6.600 trẻ em sinh ra trong năm 2001, giáo sư Neal Halfon và các đồng nghiệp của ông tại Đại học California đã phát hiện ra kỳ vọng của cha mẹ có ảnh hưởng lớn đến thành tựu sau này của con cái.

"Khi cha mẹ hình dung ra một trường đại học trong tương lai cho con, họ có xu hướng khuyến khích con phấn đấu cho mục tiêu đó" ông tuyên bố. Đây chính là hiệu ứng Pygmalion “những gì một người kỳ vọng vào người khác giống như một lời tiên tri có thể trở thành hiện thực”, và trong trường hợp trẻ em, chúng sống theo nguyện vọng của cha mẹ.

4. Bố mẹ không cãi nhau trước mặt con

Chẳng có đứa trẻ nào muốn sống trong một gia đình mà bố mẹ suốt ngày to tiếng với nhau. Từ những cuộc cãi vã của phụ huynh, chúng sẽ nhanh chóng học những thói xấu, chẳng hạn như không kiềm chế được cơn nóng giận, chửi thề cũng như sự thù hằn tiêu cực của người lớn.

Con cái chính là bản sao của những người sinh ra nó. Muốn con nên người mà cứ tỏ ra gay gắt và thiếu văn hoá trước mặt con thì thử hỏi, có đứa nào thành người tử tế được không?

Chưa kể đến những đứa trẻ có bố mẹ đã ly hôn thì sự mất mát, tiếc nuối này của chúng cũng ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống sau này. Lăng kính trong mắt trẻ thơ vốn dĩ nên được tô màu hồng, thay vì gặp giông tố từ khi còn quá nhỏ. 

Biết rõ thực tiễn không hề mơ mộng là tốt, nhưng nhận thức được đời là bể khổ khi ở tuổi ngủ tuổi chơi là một bất hạnh. 


5. Cha mẹ có học thức cao

Một nghiên cứu tiến hành vào năm 2014 do nhà tâm lý học Sandra đến từ trường đại học Michigan đã chứng minh rằng tỷ lệ thành công của những đứa trẻ nuôi dạy bởi các bà mẹ tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đại học cao hơn nhiều so với con cái của những bà mẹ trình độ học thức hạn chế.

6. Họ dạy môn Toán cho con từ sớm

Cuộc khảo sát năm 2007 tiến hành với 35000 trẻ trước tuổi đến trường khắp các nước Mỹ, Canada và Anh đã chứng minh khả năng làm toán từ sớm là một lợi thế rất lớn.

“Việc nắm rõ các con số, thứ tự các chữ số và các định nghĩa toán học sơ đẳng ngay khi còn bé không chỉ đảm bảo một tương lai học giỏi toán cho trẻ mà còn sự thành công trong các lĩnh vực khác”.

7. Phát triển mối quan hệ tốt với con

Một nghiên cứu năm 2014 trên đối tượng 243 người phát hiện ra rằng: những đứa trẻ được chăm sóc kỹ lưỡng trong 3 năm đầu đời không những có thành tích học tập tốt hơn mà còn có lối sống tốt, cũng như học vấn cao hơn ở độ tuổi 30. Theo báo cáo trên PsyBlog, khi cha mẹ đáp ứng với các tín hiệu của con mình kịp thời và thích hợp cũng chính là họ đã cung cấp một nền tảng an toàn giúp trẻ khám phá thế giới.

8. Đánh giá cao những nỗ lực của con thay vì cố tránh né thất bại

Sau nhiều năm nghiên cứu, nhà tâm lý học Carol Dweck của Đại học Stanford phát hiện ra: trẻ em (và cả người lớn nữa) có hai cách suy nghĩ về thành công. Kiểu thứ nhất là “tư duy cố định”: với suy nghĩ này, tính cách, sự thông minh hay khả năng sáng tạo là không thể thay đổi, và thành công là do sự thông minh được di truyền.

Kiểu thứ hai là “tư duy phát triển”: những người có tư duy phát triển cho rằng vượt qua thử thách không phải do bạn thông minh hay không mà chủ yếu do bạn gắng sức và nỗ lực vận dụng hết khả năng của bạn. Cốt lõi của vấn đề chính là: ý chí có thể ảnh hưởng tới khả năng của bạn, và điều này càng có ý nghĩa với trẻ em. Nếu bạn nói với một đứa trẻ rằng chúng làm bài thi tốt là do chúng thông minh, bạn đã gắn cho chúng “tư duy cố định”. Ngược lại, nếu bạn nói đó là do chúng đã hết sức cố gắng, tức là bạn đang truyền cho chúng “tư duy phát triển”.

9. Các bà mẹ có công việc ngoài xã hội

Theo nghiên cứu từ trường Harvard Business, trẻ em có mẹ tham gia công việc ngoài xã hội có lợi thế hơn hẳn. Nghiên cứu cho thấy con gái của bà mẹ đi làm được học cao hơn và có nhiều khả năng tìm được công việc quản lý với mức lương cao hơn so với những đứa trẻ có mẹ làm nội trợ. Các con trai của bà mẹ đi làm cũng có xu hướng làm nhiều công việc nhà hơn.

10. Có tiềm lực kinh tế

Theo Sean Reardon, một nhà nghiên cứu của Đại học Stanford, khoảng cách thành tích giữa các gia đình có thu nhập cao và thấp tăng hơn khoảng 30% đến 40% trong vòng 25 năm. Trong cuốn “Drive”, tác giả Dan Pink đã nhận định, những phụ huynh có thu nhập cao thì điểm SAT của con cái họ cũng cao hơn so với con của những phụ huynh có thu nhập thấp hơn.

Minh Sang (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam