Dòng sự kiện:

12 vắc xin tiêm miễn phí cho trẻ em và phụ nữ tuổi sinh đẻ

08:02 04/08/2017
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2017 có 12 loại vắc xin được tiêm miễn phí cho trẻ em và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

12 vắc xin tiêm miễn phí cho trẻ em và phụ nữ tuổi sinh đẻ bao gồm:

Vắc xin BCG: Phòng bệnh lao và cần được tiêm càng sớm càng tốt sau khi trẻ được sinh ra;

Vắc xin viêm gan B liều sơ sinh: Phòng bệnh viêm gan B và cũng cần được tiêm cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh;

Vắc xin Quinvaxem (vắc xin 5 trong 1): Phòng được 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib.

 

Trẻ em cần được tiêm vắc xin đủ và đúng thời gian

Vắc xin Quinvaxem được tiêm 3 mũi gồm: Mũi 1 khi trẻ đủ 2 tháng tuổi, mũi 2 khi trẻ đủ 3 tháng tuổi, mũi 3 khi trẻ đủ 4 tháng tuổi;

Vắc xin phòng bại liệt (OPV): Giúp phòng bệnh bại liệt với 3 liều uống (liều 1 khi trẻ đủ 2 tháng tuổi, liều 2 khi trẻ đủ 3 tháng tuổi và liều thứ 3 khi trẻ đủ 4 tháng tuổi);

Từ đầu năm 2016, trẻ 4 tháng tuổi được tiêm thêm một liều vắc xin bại liệt bất hoạt để phòng bệnh;

Vắc xin phòng bệnh sởi gồm có 2 mũi tiêm: Mũi thứ 1 khi trẻ đủ 9 tháng tuổi và mũi thứ 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi; Hiện nay đã có vắc xin phối hợp sởi – rubella được tiêm thay thế cho vắc xin sởi đơn khi trẻ đủ 18 tháng tuổi;

Vắc xin tiêm DPT: Phòng bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà; được tiêm khi trẻ đủ 18 tháng;

Vắc xin viêm não Nhật Bản: Trẻ cần được tiêm đủ 3 mũi để phòng bệnh viêm não Nhật Bản (Mũi thứ 1 khi trẻ được 1 tuổi; mũi thứ 2 cách mũi thứ nhất 2 tuần và mũi thứ 3 cách mũi thứ hai 1 năm;

Vắc xin phòng bệnh tả: Tiêm phòng cho trẻ trong độ tuổi từ 2-5 tuổi tại các vùng có nguy cơ xảy ra dịch;

Vắc xin thương hàn: Tiêm cho trẻ từ 3-10 tuổi, đặc biệt ở các vùng có nguy cơ dịch bùng phát;

Vắc xin uốn ván: Cần tiêm ít nhất 2 mũi cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-45 tuổi) và tiêm cho trẻ ngay sau khi được sinh ra để bảo vệ trẻ khỏi căn bệnh này.

Và điều đặc biệt, tất cả các Vắc xin Việt Nam sử dụng hiện nay đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin. Vì vậy, các vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng là an toàn.

Sự cần thiết về tiêm vắc-xin đúng lịch cho trẻ

Tiêm đúng lịch và nhắc lại vắc-xin sẽ giúp hệ miễn dịch tái sản xuất lượng kháng thể mà trước đó đã được tạo ra sau đợt chủng ngừa cơ bản đầu tiên cho trẻ.

Cần đưa trẻ đi tiêm ngừa đầy đủ, đúng lịch các loại vắc-xin phù hợp theo lứa tuổi sẽ tạo cho cơ thể trẻ một sức đề kháng tốt hơn để ngăn ngừa những tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, để việc phòng bệnh đạt được hiệu quả tối ưu, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm bổ sung hoặc tiêm nhắc các mũi vắc-xin có chỉ định tiêm nhắc theo khuyến cáo của chương trình tiêm chủng mở rộng dành cho trẻ em.

Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra khuyến cáo việc tiêm bổ sung hoặc tiêm nhắc lại vắc-xin để tăng hiệu quả phòng ngừa một số bệnh, nhưng mức độ áp dụng vào chương trình tiêm chủng quốc gia thì tùy theo nguồn lực đặc thù của mỗi vùng, miền. Đặc biệt, việc áp dụng chương trình tiêm nhắc lại các vắc-xin cho trẻ em và cho cả những người đã trưởng thành là quyết định đúng đắn, giúp khống chế, đẩy lùi và thanh toán các bệnh nguy hiểm.

Theo nhận định của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, đợt tiêm ngừa cơ bản là đợt tiêm ngừa đầu tiên cho trẻ một loại vắc-xin có khả năng phòng ngừa một hoặc nhiều bệnh lý trong thời kỳ thơ ấu. Theo thời gian, lượng kháng thể trong cơ thể sẽ giảm dần và có khi thấp dưới ngưỡng bảo vệ. Liều vắc-xin nhắc lại sẽ giúp gợi lại trí nhớ của hệ miễn dịch để tái sản xuất lượng kháng thể mà trước đó đã được tạo ra sau đợt chủng ngừa cơ bản đầu tiên cho trẻ.

Những liều vắc-xin tiêm nhắc sẽ giúp cơ thể người được tiêm chủng đạt mức bảo vệ gần như tuyệt đối 100%, một số đối tượng được tiêm vắc-xin nhưng chưa được bảo vệ hoặc mức bảo vệ chưa cao khiến người đã được tiêm chủng vẫn có khả năng bị nhiễm bệnh. Việc tiêm nhắc các loại vắc-xin được khuyến cáo sẽ góp phần nâng cao thành quả của chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em trong việc nỗ lực làm giảm đáng kể bệnh tật nguy hiểm ở trẻ, đảm bảo sự bảo vệ đặc hiệu và lâu bền trong cuộc chiến chống lại những tác nhân gây bệnh nguy hiểm cho trẻ em.

Nguồn: Gia đình Việt Nam