Dòng sự kiện:

2 câu nói phá băng 'chiến tranh lạnh' 6 năm của vợ chồng Hà Nội

Theo VNE
09:07 16/12/2018
Lần đầu tiên mở cổng đón chồng bằng câu "Anh có mệt không?" thay vì mặt nặng như chì, Dung nhận lại được nụ cười đã lâu vắng bóng.

Dung và Phong (Gia Lâm, Hà Nội) kết hôn được 6 năm lúc mới ngoài đôi mươi. Từ chỗ hạnh phúc, dần dần gánh nặng kinh tế, con cái và sự nông nổi đã đẩy cả hai xa nhau, đến mức nhiều lần viết đơn ly hôn. Sau hơn 5 năm chìm trong nước mắt, cuối cùng Mai đã tìm được ánh sáng cho gia đình.

Tôi và chồng cưới nhau cuối năm 2012, khi tôi vừa học liên thông đại học, vừa đi làm. Anh hơn tôi 2 tuổi, cũng mới ra trường. Vì ủng hộ chồng phát triển sự nghiệp nên tôi không bao giờ hỏi lương của anh mà tự mình thu vén gia đình. Đến khi mang thai, sinh con thì thực sự tiền lương của tôi không đủ.

Tháng 4/2014 anh bỏ việc cũ, vay vốn làm ăn riêng. Nghe chồng nói cũng kiếm được 15-20 triệu/tháng, nhưng được đồng nào là hùn vào vốn làm ăn. Tôi tin chồng, chẳng ngờ cuối năm đó anh lộ ra làm ăn thất bát, báo nợ về nhà gần hai trăm triệu đồng.

Tôi khóc lóc, trách giận anh không cho vợ con được nhờ. Anh xin lỗi nhưng từ đó thường xuyên đi nhậu với bạn bè hơn. Đỉnh điểm có lần chồng bảo đi làm nhưng thực ra đang tụ tập gần nhà. Tôi biết vậy lao đến làm ầm lên. Bạn bè chồng kích thêm: "Vợ gọi, về đi không nó đánh cho". Về nhà, vợ chồng tôi đã đánh nhau, bố mẹ hai bên, hàng xóm phải sang can ngăn.

Cãi nhau chán, chúng tôi lại hàn gắn tiếp tục sống qua ngày. Chồng tôi sau này còn sinh ra cờ bạc, báo nợ về thêm mấy lần nữa. Mẹ chồng tôi mắng chửi anh. Tôi thì từ đó hay chất vất, hỏi tường tận anh đi đâu, làm gì, với ai? Hai đứa cãi nhau liên miên, chiến tranh lạnh tăng từ 2 ngày lên một tuần, nửa tháng, có khi cả 2 tháng không lành.

Kết hôn khi tuổi còn trẻ, kinh tế thiếu thốn và không khéo léo giao tiếp đã khiến Dung và Phong chiến tranh lạnh thường xuyên trong 6 năm qua. Ảnh: P.D.

Nhiều lần tôi viết đơn ly dị nhưng không thành. Đến khi lỡ mang bầu con thứ 2 thì tôi không còn đòi ly hôn nữa. Nhưng từ đây tôi chán nản đến độ luôn rèn cho mình ý nghĩ: Không cần chồng vẫn nuôi được con và luôn đưa bản thân lên thật cao để chứng tỏ anh không hề xứng đáng.

Hè vừa qua, tôi bị mất ngủ dài ngày. Bác sĩ nói đây là dấu hiệu sớm của rối loạn lo âu trầm cảm. Tôi đã dùng thuốc nhưng tình trạng cũng không cải thiện là bao. Đến tháng 7, chị gái đưa tôi đến lớp học của một chuyên gia tâm lý. Nghe chuyên gia phân tích, rằng chúng ta đối xử với người ngoài một cách yêu thương và chu đáo, nhưng với vợ/chồng: người kiếm tiền, chăm con, quan tâm khi ốm đau... thì ta lại quên dành cho một lời cảm ơn, tôn trọng, ghi nhận công lao. Và rằng, phụ nữ luôn hướng, ép chồng làm điều mình mong muốn mà không hề để ý nhu cầu của anh ấy... Tôi nhận ra mình đang yêu sai cách và đã quá sai trong cách giao tiếp với anh.

Tối đó, thay vì khuôn mặt lạnh tanh mỗi khi chồng về, tôi chạy ra hớn hở: "Anh về đấy à, nay đi xa thế có mệt không. Đưa cặp đây em cất cho". Chồng tôi nhìn đầy vẻ dò xét: "Em bị làm sao đấy?". Tôi cười giả lả: "Thấy chồng mệt thì em xách đồ cho mà". Lên phòng, tôi lấy nước cho anh uống. Anh cầm cốc mà mặt ngơ ra: "Có cho cái gì vào không thế?!". Rồi anh uống trong nụ cười mà từ lâu rồi tôi không thấy. Tôi nhận ra, hạnh phúc hóa ra đơn giản như vậy.

Tôi vẫn tiếp tục tham gia các khóa học về hôn nhân trong vài tháng tiếp theo. Những kiến thức mới khiến tôi tràn đầy năng lượng, yêu đời, thấu hiểu sâu sắc mối quan hệ vợ chồng, cũng như các mối quan hệ xung quanh. 

Tôi cũng dần khéo léo trong xử lý các mâu thuẫn. Như có lần chồng đi công tác về và nói rất thèm vịt nướng. Tôi đồng ý đi mua mà mải việc quên mất. Đến khi anh về không thấy vịt, mặt nặng lên: "Nhờ có chút việc cỏn con mà không làm được". Thay vì biện hộ mình, tôi nói: "Ối, em xin lỗi. Đi đường mải nhớ về anh quá nên em lú lẫn". Chồng tôi buộc phải nở nụ cười: "Chỉ được cái miệng xoen xoét". 

Tôi hiểu ra được, sẽ không thể có chiến tranh khi một bên đã giơ cờ trắng xin hàng và một khi đã hạ được cảm xúc của chồng thì cũng chính là đã hạ được cảm xúc trong mình. Mình muốn được tôn trọng, đối xử tốt thì làm phải điều đó cho người khác. Khi thỏa mãn chàng sẽ tự đáp lại yêu cầu của bạn. Những mâu thuẫn của chúng tôi cứ thế được hóa giải, nhỏ thì vài phút, to thì chỉ khoảng nửa ngày và số lượng cũng ít đi theo thời gian. 

Từ một người chán nản muốn bỏ việc thì nay chồng tôi đã chăm chỉ đi làm cả những ngày nghỉ. Anh đảm nhiệm chức Giám sát bán hàng phát triển thị trường về sản phẩm máy lọc nước và gia dụng của một hãng lớn, quản lý hai tỉnh Hải Dương và Hải Phòng. Hàng tuần anh đều đặt mục tiêu sẽ đạt doanh số bao nhiêu rồi hí hửng khoe với tôi khi đạt được thành quả.

6 năm hôn nhân, hơn 5 năm là những ký ức buồn và khổ. Vậy mà giờ đây vợ chồng tôi trở lại giai đoạn yêu đương, khăng khít hơn bao giờ hết. Đương nhiên là cuộc sống có nhiều điều khiến ta mất cảm xúc, đe dọa phá hoại tình cảm, nhưng tôi đã biết cách xử lý, tin vào mình, tin vào chồng nên không còn nỗi lo nào nữa.

Hôm kỷ niệm 6 năm ngày cưới, chồng tôi tâm sự: "Giờ với anh quan trọng nhất là vợ con. Anh sẽ không để em phải thất vọng. Em hãy yên tâm nhé". 

Diễn giả, chuyên gia tâm lý Vera Hà Anh (Hà Nội) chia sẻ, hầu hết các cặp vợ chồng đều phạm sai lầm như vợ chồng Dung và Phong đã gặp phải, đó là sự thờ ơ, không tôn trọng, không biết ơn nhau. Tình trạng đó kéo dài có thể khiến cuộc hôn nhân tan vỡ.

"Bản chất của những lời khen là thể hiện sự biết ơn với người bạn đời. Nếu không có lòng biết ơn, tôn trọng thì ngay đến tình bạn cũng mất, chứ đừng nói là tình yêu. Tôi luôn khuyên các cặp vợ chồng tìm đến mình, một trong các bí quyết giữ hôn nhân là hãy đối xử với bạn đời như... khách quý", chuyên gia tâm lý nói.

Nguồn: Gia đình Việt Nam