Dòng sự kiện:

3 cách nấu nước dùng cho bé ăn dặm

15:00 19/12/2015
Nổi tiếng với các bài viết về ăn dặm trên mạng xã hội, mẹ Xì Trum hướng dẫn tỉ mỉ từ khâu chọn nguyên liệu, chế biến và trữ đông.

 

 

 

[mecloud]LBIXo2GjyT[/mecloud]

Nước dùng là "linh hồn" của món ăn dặm mà mẹ nấu cho bé. Tiếp tục chuyên đề về ăn dặm cho bé, kỳ này, mẹ Xì Trum sẽ chia sẻ bí quyết nấu 3 loại nước dùng giúp bé ăn ngoan, giàu dưỡng chất. Các mẹ có thể tham khảo công thức dưới đây của mẹ Xì Trum để đa dạng hóa thực đơn ăn dặm của bé theo từng giai đoạn.

1. Nước dùng rau/ củ

Nước dùng rau củ là loại nước dùng cho bé trong giai đoạn đầu bé ăn dặm. Trong ăn dặm truyền thống, trước đây, các mẹ hay dùng đường để nấu bột, còn mẹ Xì Trum sử dụng mía (là loại đường tự nhiên và có nhiều chất) kết hợp với  rau củ để vừa giúp ngọt nước vừa an toàn cho bé ở giai đoạn khởi đầu làm quen với thức ăn.

- Thời điểm sử dụng: Bé bắt đầu ăn dặm giai đoạn 5-6 tháng trở lên.

- Chọn nguyên liệu: Các loại rau củ, quả có sẵn theo mùa (vừa rẻ, vừa tránh thuốc trừ sâu).

- Công thức của mẹ Xì Trum: Nguyên liệu làm ngọt nước (một khúc khoảng 50 cm, 1 củ cải, 1 bắp ngô ngọt), rau củ màu xanh (một khúc bí xanh khoảng 20 cm, 1 củ su su, 1 quả mướp, nửa cây bắp cải, 1 của su hào), rau củ màu vàng (vitamin A - một miếng bí đỏ, 1 của cà rốt, 1 quả cà chua). Những nguyên liệu này có gì dùng nấy chứ không nhất thiết phải đủ tất cả.

- Sơ chế: Mía mua về, cạo vỏ, chẻ ra làm tư, cắt khúc vừa xoong. Rau rửa và ngâm sạch cho hết nhựa, chát, gọt vỏ rồi bổ miếng phù hợp.

Mẹ Xì Trum sử dụng mía để làm nước dùng rau củ ngọt hơn.

- Cách chế biến: Mía, ngô cho vào đun cùng với 4-5l nước trước. Tiếp theo để mía sủi cho các loại củ cứng vào luộc trước như củ cải, su su, bí đỏ... Khi sủi lăn tăn, cho tiếp các loại quả mềm, nhanh chín như mướp hay các loại rau (nếu có). Nước sủi, để lửa lăn tăn, vớt các loại rau chín trước ra trước. Mỗi loại rau cho ra riêng từng bát. Sau khi vớt hết các rau củ ra, nước dùng chia ra làm hai phần: một phần dùng để cho vào rau củ khi xay và một phần cho vào khay trữ đông.

- Cách bảo quản hoặc trữ đông: Phần nước dùng cho vào khay trữ đông được chia như sau: Nếu giai đọan đầu tập ăn thì chia nước dùng vào các khay viên 25 ml. Mỗi lần cho bé ăn, mẹ Xì Trum lấy ra 1-2 viên. Một viên làm nước uống tráng miệng hoặc chút nước cho bé thấm nháp khi ăn cho dễ nuốt. Nếu viên rau, củ xay quá khô, mẹ có thể cho thêm một viên nước dùng cho loãng phù hợp với bé. Khi bé lớn hơn thì bạn cho nước dùng vào khay 50 ml hoặc bộ hộp 4 ngăn (70 ml) hoặc 3 ngăn (120ml).

- Cách sử dụng: Khi ăn, mẹ lấy nước dùng ra, quay lò vi sóng cùng rau củ, có thể trộn chung hoặc để riêng rồi cho bột ăn dặm ăn liền vào cùng (sau khi quay xong còn ấm 50-60 độ) hoặc trộn chung với cháo loãng 1:10.

2. Nước dùng dashi từ tảo bẹ (kombu) và cá bào (katsuo)

Dashi được xem là linh hồn của các món ăn Nhật và đặc biệt và dashi chế biến đem lại vị ngọt đậm tự nhiên (từ cá bào) và tảo bẹ (nhiều axit amin) được các mẹ Nhật sử dụng cho bé ngay từ khi bé bắt đầu ăn dặm.

Tảo bẹ (Kombu) chứa nhiều acid glutamin thiên nhiên và các chất vi lượng khác như sắt, can xi. Ngoài ra, kombu còn chứa nhiều i-ốt tự nhiên cần thiết cho não bộ của bé phát triển. Còn cá bào (katsuo) là cá ngừ đại dương khô, khi cho vào nước có vị ngọt đậm của cá biển.

- Thời điểm sử dụng: Bé bắt đầu ăn dặm giai đoạn 5-6 tháng trở lên.

- Chọn nguyên liệu: Hai nguyên liệu chính làm nước dashi là cá bào và tảo bẹ (tảo bẹ khác rong biển vụn hay được sử dụng để nấu canh). Mẹ có thể mua tảo bẹ và cá bào về tự nấu cho bé hoặc mua bột dashi cô đặc (đã được chế biến nấu sẵn rồi cô đặc cho dễ sử dụng).

Nước dùng Dashi với tảo bẹ và cá bào.

- Công thức của mẹ Xì Trum: Khoảng 500 ml nước lọc, 2 miếng kombu (mỗi miếng có chiều dài gần một gang tay, rộng khoảng 3-5 cm), 1/2 chén cá ngừ bào khô (khoảng 10 g).

- Cách chế biến: Lau sạch lá kombu khô (bằng khăn ẩm, lưu ý không rửa vì lớp phấn bám trên bề mặt kombu chứa rất nhiều chất) hoặc ngâm trước vào một bát nước sạch khoảng 15-20’ cho tảo bẹ nở ra (nếu có thời gian chuẩn bị). Bỏ Kombu đã cắt khúc vào nồi nước đun lửa vừa ở nhiệt độ thích hợp là 60-90 độ C. Nếu nhiệt độ nước thấp hơn 60 độ hoặc cao hơn 90 độ thì nước dashi có mùi tanh tanh vì các chất amino acid không chiết ra được nên nước dashi đó sẽ mất ngon. Bắc nồi nước lên bếp (không đậy nắp), khi thấy thành nồi có những hạt bong bóng nước thì lúc này nhiệt độ nước đã lên tới 60 độ và ngay trước khi nước bắt đầu sôi là lúc nhiệt độ nước lên tới 90 độ, mẹ vặn nhỏ lửa tối đa.

Mẹ đun sôi rồi ninh nhỏ lửa nồi nước ngâm rong biển ở trên khoảng 8-10 phút, sau đó cho cá bào vào đun thêm khoảng 3-5 phút nữa thì tắt bếp. Dùng rây lọc lấy nước, bỏ bã sẽ có nước dashi. Sau khi ninh xong lần một, mẹ có thể ninh lại bã lần hai lấy nước nhạt hơn. Bã cá bào có thể dùng để tráng trứng, còn rong biển ninh đó cắt mỏng ra để chế biến món salad ngon tuyệt cho cả nhà, vừa được cho bé, vừa được cho cả gia đình luôn.

- Cách bảo quản hoặc trữ đông: Đun được nước dashi xong, mẹ có thể cho vào các khay trữ đông, cất trong tủ lạnh và dùng dần như nước súp rau củ.

3. Nước xương ninh


- Thời điểm sử dụng: Dùng cho bé giai đoạn 7 tháng trở lên.

- Chọn nguyên liệu: cần tây (1 bó, chỉ lấy phần thân), hành tây (1 củ), củ cải (hoặc cà rốt, 1 củ), xương củ (không nên lấy xương ống và xương sườn)

- Cách chế biến: Xương rửa sạch để ráo, trần qua một lần nước sôi cho sạch rồi rửa lại. Cho xương vào nồi, vặn to lửa để nước sôi nhanh, sau đó vớt sạch bọt. Tiếp đến, cho củ cải, hành tây hoặc một chút dứa cho thơm và nhanh nhừ. Khi sủi, mẹ hạ lửa nhỏ liu riu để đỡ mất chất và chất ngọt ra hết.

- Cách bảo quản hoặc trữ đông: Sau khi nước xương hầm nhừ, mẹ chắt phần nước trong ở trên cho bé, chia ra các hộp nhỏ 70 ml đến 100 ml để dùng dần mỗi bữa cho bé. Phần còn lại và bã, mẹ có thể tận dụng làm làm nước lẩu hoặc các món hầm khác cho cả gia đình.

Theo Mẹ Xì Trum/ VnExpress

Video được xem nhiều nhất: [mecloud]yxPQVyYE62[/mecloud]