Dòng sự kiện:

3 chiêu chữa “bệnh” ngang bướng cho trẻ

17:01 16/12/2017
Không ít bậc cha mẹ ngán ngẩm khi con có biểu hiện ngang ngạnh, chống đối thậm chí là ăn vạ để thỏa mãn mong muốn của mình. Dưới đây là vài chiêu giúp cha mẹ trị bệnh ngang ngạnh của con.

Trẻ nhận thức và thấu hiểu vấn đề rất cảm tính, cụ thể. Vì thế, khi cho trẻ nhìn thấy một đứa trẻ khác khóc lóc, la lối để đòi hỏi một thứ gì đó trẻ rất dễ “thấm”. Trẻ dễ nhận thấy đó là hành động xấu, nếu là đứa trẻ ngoan thì không nên hành xử như thế.

Trẻ làm khó cha mẹ suy cho cùng là để ép người khác đáp ứng nhu cầu của mình. Vì thế, cha mẹ hãy trao đổi với trẻ nếu chúng khéo léo hơn, nhẹ nhàng trình bày ý muốn, chắc chắn người khác sẽ dễ dàng hiểu trẻ hơn. Cùng trẻ so sánh hai cách thể hiện ý muốn, giữa cách khóc than, nằng nặc đòi bằng được và cách thuyết phục rõ ràng.

Cho trẻ biết cảm giác của cha mẹ khi nhẹ nhõm và bình tĩnh thì sẽ dễ dàng hiểu mong muốn của con hơn là khi giận dữ, cáu gắt. Khi trẻ hiểu được rằng, làm khó cha mẹ không phải là một cách giải quyết hiệu quả nhất, trẻ sẽ trang bị cho mình những kỹ năng mới như tự chủ và kiểm soát được bản thân trong cuộc sống.

Trẻ sẽ hình thành các cách giải quyết những mâu thuẫn trong cuộc sống để có được điều mình muốn. Đồng thời, trẻ cũng học cách đối mặt và chấp nhận việc không được đáp ứng yêu cầu.

Trẻ sẽ hiểu muốn đạt được mong muốn của mình thì phải xem điều đó có phù hợp với hoàn cảnh, lứa tuổi và điều kiện của mình hay không. Ngoài ra, trẻ sẽ khéo léo đàm phán với cha mẹ để đạt được những mong muốn hợp lý.

Cha mẹ phải bình tĩnh, nhất quán

Trẻ dưới 5 tuổi thường chưa hiểu được hành vi của chúng ảnh hưởng  đến người xung quanh thế nào. Nếu cha mẹ đối xử với con thiếu nhất quán trong các tình huống tương tự, trẻ sẽ rất băn khoăn không biết phải làm sao cho vừa lòng người lớn.

Việc thỏa mãn những nhu cầu của con một cách “ngay và luôn” khiến bé không rèn được tính kiềm chế trước những sở thích của mình. Lúc cha mẹ dễ dãi, lúc khác cha mẹ lại nghiêm khắc, khiến bé bối rối không phân biệt được việc nào nên và việc nào không nên làm.

Cha mẹ chủ động lường trước những cách hành xử của trẻ

Không ai hiểu con bằng cha mẹ nên trước những tình huống cụ thể, cha mẹ cần có dự đoán những cách ứng xử của trẻ, nhất là những hành vi có chiều hướng tiêu cực để ngăn chặn kịp thời.

Để tránh những hành vi sai trái của trẻ, cha mẹ nên thống nhất với con những quy định “ngầm” như khi mẹ nghiêm mặt, mắt nhìn thẳng vào con hoặc mẹ đưa tay lên ra dấu hiệu giữ im lặng… là con không được tiếp tục có những hành vi tệ hại, sai trái. Nếu con tiếp tục sai phạm, con sẽ phải chịu những cách xử phạt mà cha mẹ đề ra.

Cha mẹ tuyệt đối không dạy trẻ khi đang nóng giận, tức tối

Có không ít trẻ có tâm lý ngang bướng muốn “trêu ngươi” để cha mẹ nổi giận. Không nên “thi gan” cùng con bởi giáo dục trẻ luôn đòi hỏi một quá trình có nhiều phương pháp linh hoạt và mục đích là để giúp trẻ khắc phục thói ngang ngạnh, khó bảo.

Trong tình huống trẻ khó bảo, ai cũng tức giận, nhưng nếu bạn tiếp tục phản ứng thì hiệu quả sẽ không cao. Hãy kiểm soát và làm chủ hành động của mình trước khi lên tiếng dạy bảo trẻ.

Cha mẹ hãy luôn giữ nguyên tắc trong giáo dục con là vừa nghiêm khắc, vừa mềm mỏng và nói cho trẻ biết cha mẹ làm như thế chỉ vì muốn con ngoan ngoãn, tiến bộ.

* Ngang ngạnh là biểu hiện tâm lý khá phổ biến ở trẻ, phần lớn những đứa trẻ được chiều chuộng từ nhỏ, còn cha mẹ thường uỷ mị, thiếu nhất quán thậm chí là dung túng trong cách dạy con.

* Mặc dù trẻ còn nhỏ, nhưng bất cứ quy định hay nguyên tắc nào đó của cha mẹ đều cần phải nói cho chúng hiểu rõ lý do vì sao người lớn không đồng ý với ý muốn của con. Mỗi khi con nghiêm túc chấp hành và có biểu hiện ngoan ngoãn cha mẹ cần phải có các hình thức khen ngợi, khích lệ kịp thời.

* Nếu trẻ mè nheo, đòi hỏi cho bằng được, thì cha mẹ phải có cách xử phạt hợp lý để trẻ rút kinh nghiệm. Khi có quy định rõ ràng, trẻ sẽ thấy nếu biết chấp hành nghiêm chỉnh thì mới được thỏa mãn những mong muốn của bản thân. Từ đó, chúng sẽ bớt dần thói ngang ngược, bướng bỉnh để đi vào nề nếp, quy củ.

Theo Giáo dục Thời đại