Dòng sự kiện:

4 bước quan trọng dạy kỹ năng sống cho trẻ hiệu quả

Theo MarryBaby
13:01 09/09/2017
Dạy kỹ năng sống cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ không chỉ giúp bé lớn lên trong an yên, hạnh phúc mà còn tránh khỏi những va chạm không đáng có.

Khi con đang lớn và làm quen dần với quan điểm giáo dục của cha mẹ ở độ tuổi lên 2 cũng là lúc phụ huynh dạy kỹ năng sống cho trẻ.

4 bước cơ bản để dạy kỹ năng sống cho trẻ

Làm thế nào cho hiệu quả mà không mang nặng tâm lý dạy và ép buộc. Đó là băn khoăn của nhiều bố mẹ. Theo Young Parents bạn có thể hướng dẫn cho trẻ theo 4 bước cơ bản: Giải thích rõ ràng, bố mẹ là tấm gương, cho trẻ thực hành tại nhà và luôn khen ngợi, động viên trẻ khi làm đúng.

1. Giải thích rõ ràng

Mẹ đừng bao giờ áp đặt suy nghĩ của mình lên trẻ nhé, vì dù còn nhỏ nhưng trẻ cũng có quan điểm của mình, chỉ là chưa thể hiện được rõ ràng. Mỗi khi muốn dạy một kỹ năng xã hội nào đó cho bé, đừng quên giải thích rõ ràng những gì mẹ muốn bé thực hiện, tại sao kỹ năng lại cần thiết cho bé.

Giải thích càng rõ ràng trẻ càng dễ tiếp thu kỹ năng mà mẹ muốn dạy

Ví dụ đơn giản như việc dạy trẻ nói cám ơn, mẹ có thể giải thích: “Mọi người sẽ yêu mến trẻ hơn nếu bé nói cám ơn khi được cho quà hoặc được giúp đỡ”. Nếu bé thường hay đánh bạn bè thì nên nói vớ con rằng: ” Bạn bè sẽ không muốn chơi chung nếu con tiếp tục đánh và không chia sẻ đồ chơi cho bạn”…

Và rõ ràng, học kỹ năng xã hội này là hoàn toàn có lợi cho bé chứng không phải cho ba mẹ.

2.  Bố mẹ luôn gương mẫu

Trẻ con là tấm gương phản chiếu quan điểm giáo dục trong gia đình. Mỗi hành vi của trẻ có thể đang sao chép nguyên bản từ chính những ứng xử hằng ngày của cha mẹ. Nếu muốn dạy con ngoan và hình thành tính cách của một thiên tài thì bố mẹ cần là tấm gương sáng.

Đơn giản nhất là cho trẻ thấy bố mẹ luôn lịch sự với hàng xóm, luôn lắng nghe câu chuyện dù còn “bập bõm” nội dung của bé và đừng quên hỏi ý kiến trẻ khi muốn bé tham gia một kế hoạch chung nào đó của gia đình.

3. Nhà là nơi thực hành kỹ năng hiệu quả

Các chuyên gia tâm lý trẻ em cũng luôn đưa ra lời khuyên về việc nên giáo dục trẻ tại nhà trước khi để trẻ đến trường và tiếp nhận quan điểm sống mới. Nhà chính là nơi bé thoải mái thể hiện bản thân, bộc lộ tính cách rõ ràng nhất. Bố mẹ cũng có thể là những người bạn trong chừng mực nào đó để hiểu con hơn.

Khi trẻ tự tin vào bản thân thì tiếp xúc với các bạn mới hoặc cô giáo hay bất kỳ ai khác đều dễ dàng và thoải mái hơn.

4. Đừng tiếc lời khen ngợi và động viên

Thể hiện sự hài lòng bằng cách nở nụ cười, một cái ôm thật chặt hay những tiếng vỗ tay mỗi khi bé ứng xử đúng sẽ giúp động viện và tiếp tục phát huy kỹ năng. Điều này luôn tốt hơn là khiển trách khi trẻ hành động theo cách mà bố mẹ không thích.

Kỹ năng sống quan trọng cần dạy cho trẻ

Kỹ năng được dạy từ thủa ấu thơ rất quan trọng trong việc tạo ra những phẩm chất khi trưởng thành. Khi giỏi giao tiếp xã hội, con bạn sẽ có nhiều thuận lợi vì bé tự tin, thú vị và quyến rũ, thật dễ dàng kết bạn, tìm kiếm sự trợ giúp hay đặt quan hệ đối tác trong tương lai.

Dạy trẻ thói quen đọc sách: Bạn nên dạy cho trẻ cách đọc sách bởi thói quen này không chỉ giúp cho trẻ có thể tự khám phá, mày mò những điều hay mà còn giúp cho con rèn luyện tính cách chăm chỉ, cần mẫn.

Theo các nghiên cứu gần đây, người thành công luôn giữ thói quen đọc sách từ nhỏ

Hướng trẻ suy nghĩ lạc quan: Luôn luôn dạy con rằng, cuộc sống của chúng ta rất muôn màu: có sáng – tối, trắng – đen, tích cực -tiêu cực… Vì vậy, bên cạnh những thành công sẽ có lúc con có thể gặp thất bại. Quan trọng là sau những thất bại đó, con phải biết đứng lên và làm lại từ đầu.

Dạy trẻ cách làm việc nhóm hiệu quả: Đối với trẻ em, bố mẹ nên định hướng và trau dồi cho con kỹ năng học nhóm, làm việc nhóm ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Điều này không chỉ giúp cho con bạn hòa đồng hơn với những người xung quanh mà còn giúp bản thân bé có được kết quả tốt nhất trong học tập và lao động.

Giúp trẻ biết nhận lỗi sai: Ai cũng có thể phạm sai lầm và cần sự tha thứ. Biết nói xin lỗi và học cách tha thứ giúp tâm hồn trẻ thoải mái hơn.

Dạy kỹ năng sống cho trẻ càng sớm càng tốt nhưng đừng quên trẻ vẫn luôn là trẻ con và cách dạy mới thực sự quan trọng để mang đến hiệu quả mong muốn.

Nguồn: Gia đình Việt Nam