Dòng sự kiện:

4 kỹ năng CẦN dạy trẻ tránh bị bắt cóc

09:08 13/01/2017
Cha mẹ hãy giúp trẻ nhớ thật chính xác số điện thoại của mình để đề phòng trường hợp xấu xảy ra, trẻ có thể nhờ công an, bảo vệ… gọi về.

 

Vài năm trở lại đây, nạn bắt cóc trẻ em diễn ra hết sức táo tợn với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây ra những hậu quả nghiêm trọng khiến dư luận không hỏi bàng hoàng. Loại tội phạm hình sự này đang dần trở thành vấn nạn của xã hội.

Đa dạng thủ đoạn bắt cóc trẻ em

1. Vào khoảng 14 giờ ngày 22/11, tại phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh có 2 đối tượng lợi dụng sự sơ hở của chủ nhà đã lẻn vào bắt cóc bé gái 3 tháng tuổi ngay khi gia đình vẫn có nhà. 

2. Ngày 17/10/2016, Công an huyện Diễn Châu, Nghệ An phát hiện một cháu bé 4 tháng tuổi bị bắt cóc từ Sài Gòn ra Bắc Giang để bàn giao cho một đối tượng trong đường dây mua bán trẻ em.

3. Ngày 4/4/2016 tại thị trấn Liên Hương (Tuy Phong- Bình Thuận), cháu N. (11 tuổi) đã bị bắt cóc và giết hại ngay gần nhà. Gia đình nạn nhân còn bị tội phạm tống tiền 200 triệu. 

Chuyên gia cảnh báo và hướng dẫn cha mẹ bảo vệ con

Ths.Bs Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH), hiện là Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) cho biết: “Để phòng chống nạn bắt cóc trẻ em, bố mẹ, những người chăm sóc trẻ và thày cô giáo cần phải có kiến thức về các kỹ năng phòng tránh bắt cóc”.

Các kỹ năng phòng tránh bắt cóc trẻ em

- Không tiếp xúc hoặc bắt chuyện với người lạ khi trẻ không ở cạnh người thân

Theo Ths.Bs Nguyễn Trọng An, cha mẹ và thày cô cần dạy cho trẻ biết, khi có một ai đó lạ mặt tiếp cận, trẻ cần chạy trốn ngay lập tức và nói với cha mẹ hoặc những người mặc đồng phục như Công an, Bộ đội, nhân viên bảo vệ, nhân viên cửa hàng để nhờ sự giúp đỡ.

Bị người lạ dắt đi hoặc vờ làm quen, dụ cho ăn, mua đồ chơi,… trẻ phải kêu lên hoặc dọa sẽ mách người lớn.

- Dạy trẻ nhớ số điện thoại của cha mẹ, lúc cần hoặc có cơ hội là gọi

“Cha mẹ hãy giúp trẻ nhớ thật chính xác số điện thoại của mình để đề phòng trường hợp xấu xảy ra, trẻ có thể nhờ công an, bảo vệ…gọi về. Ít nhất, trẻ phải nhớ được 2 số của người thân trong gia đình”, Ths.Bs Nguyễn Trọng An nói.

- Sử dụng mật khẩu với trẻ khi đón chúng ở trường

Hiện nay, nhiều đối tượng bắt cóc thường giả danh người nhà hoặc người được bố mẹ trẻ nhờ đón để đánh lừa giáo viên, các cháu học sinh để đưa đi. Do đó, khi cho trẻ đi học, cha mẹ hãy đưa ra một mật khẩu. Mật khẩu này chỉ bố, mẹ, người nào hay đón trẻ và trẻ  biết được.

Khi đón trẻ, cha mẹ nên nói thầm mật khẩu vào tai để luyện cho trẻ thói quen. Đồng thời, dặn trẻ nhớ rằng, dù người thân hay người lạ tới đón, trẻ nhất định phải hỏi mật khẩu. Nếu người đón không nói được mật khẩu, trẻ hãy bỏ chạy và cầu cứu sự trợ giúp từ những người xung quanh.

- Trường hợp trẻ đã lớn, cha mẹ hãy dạy trẻ tự phòng vệ khi gặp nguy cấp

Ths.Bs Nguyễn Trọng An cho hay, cha mẹ cần phải hướng dẫn con những kế hoãn binh (giả bộ nghe theo rồi tìm cơ hội bỏ chạy kèm theo la lớn) hoặc cách “phản kháng đơn giản” khi có người lạ tiếp cận như: đá vào chân, đầu gối hay vùng nhạy cảm ơn của kẻ lạ và cố sức hét thật to “Cô/chú không phải mẹ/bố của cháu” để tạo sự chú ý và có cơ hội để chạy đi.

Khám phá

Nguồn: Gia đình Việt Nam


TAG