Dòng sự kiện:

5 lời khuyên cho cha mẹ khi tổ ấm gặp nguy bởi 'smart phone'

Gia đình & Xã hội
07:40 09/07/2019
Có không ít gia đình hiện nay dành toàn bộ bữa tối nhìn chằm chằm vào tivi hoặc điện thoại di động smart phone. Các chuyên gia cho rằng, đây là một vấn đề thực sự gây ra đổ vỡ trong giao tiếp, khiến cho các mối quan hệ trong gia đình ngày nay trở nên lạnh lẽo, rời rạc đi…

Có lẽ hiện nay chúng ta đã quá quen với những hình ảnh trong một bữa ăn gia đình, một cuộc họp mặt bạn bè hay những bức ảnh bố mẹ khoe con cái luôn có sự hiện diện của những chiếc điện thoại thông minh.

Bữa ăn thuộc vào hàng “tứ khoái”, là thời điểm các thành viên trong gia đình sum họp, chuyện trò nhưng vào thời công nghệ, nó bỗng nhiên trở thành hàng thứ yếu. Ăn gì thì ăn, ngon mấy thì ngon, người ăn cùng cho dù là cha là mẹ, là người yêu, là bạn thân, là con cái… thì tất cả điều đó vẫn không thể hấp dẫn bằng chiếc smartphone trên tay. Đó là lý do khiến cho chúng ta thấy xuất hiện những bức ảnh người người trong một gia đình, mỗi người một chiếc smartphone; người người trong một nhóm bạn ngồi uống nước mỗi người ngắm riêng chiếc điện thoại của mình. Người ta thường chú thích cho những bức ảnh đó là “thời công nghệ” hay “thời cô đơn” hay “thời vô cảm”…

Và sự thật là xã hội công nghệ hiện đại đã ập vào gia đình như những đợt sóng lớn. Không thể phủ nhận sự tiện ích của khoa học phát triển, công nghệ số đã ra đời và làm đổi thay mạnh mẽ mọi mặt của cuộc sống. Internet cùng các thiết bị thông minh đã dần trở nên quen thuộc và không thể thiếu trong đời sống thường ngày.

Tuy nhiên, các thiết bị số len lỏi vào từng gia đình đã làm thay đổi lối sống, thói quen và nề nếp sinh hoạt trong gia đình. Nghiêm trọng hơn, công nghệ số thậm chí còn như một “bệnh dịch” tấn công các thành viên trong gia đình, đặc biệt là đối với giới trẻ. Trong nhiều gia đình, bố mẹ dường như cảm thấy “bất lực” trong việc nhắc nhở khyên nhủ con cái tránh xa smart phone. Trẻ em dường như bị các thiết bị công nghệ số này “thôi miên” dẫn đến sự xao lãng học tập, thờ ơ với đời sống thực, với chính bố mẹ, anh em trong gia đình thậm chí là thờ ơ với cả những nhu cầu căn bản của chính mình.

Công nghệ vì thế trở thành “sát thủ” làm tê liệt sự gắn kết trong gia đình. Trong bài viết “Những đứa trẻ thành phố đáng thương”, chúng tôi đã từng thấy cảnh những cặp vợ chồng đưa con nhỏ đi ăn ở nhà hàng, quán xá. Có cặp thì chồng hì hụi ăn, ăn xong thì cầm điện thoại bấm bấm. Người vợ vừa ăn vừa bón cho con và lạ là cũng chẳng nói năng gì. Đứa trẻ có nói có hỏi gì thì cũng ừ ừ cho xong chuyện. Tuyệt nhiên không thấy sự ấm áp, tình yêu thương trong ánh mắt của người vợ.

Sự hiện diện của những chiếc smart phone đã biến những bữa ăn gia đình, những buổi tụ họp trở thành những hồi kịch câm không lời. Ở đó, không có sự trò chuyện giữa bố mẹ và con cái, thậm chí vợ chồng cũng chẳng buồn nói chuyện cùng nhau.

Theo các chuyên gia, sự tấn công của công nghệ vào trong trong gia đình đã khiến cho việc giao tiếp trong gia đình hiện nay trở nên khó khăn hơn. Từ việc thiếu giao tiếp nên các thành viên trong gia đình trở nên ít hiểu nhau hơn. Khi gia đình không còn là nơi có khả năng thấu hiểu, không sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi thì như một lẽ tự nhiên, nó trở nên lạnh lẽo, rời rạc và thiếu sự gắn kết. Tổ ấm của gia đình thời công nghệ thực sự đang bị đe dọa bởi những thiết bị tối tân này.

Để hạn chế sự tác động xấu của các thiết bị công nghệ đến tổ ấm gia đình, các chuyên gia đã đưa ra 5 khuyến cáo sau đây:

1. Cha mẹ nên tắt các thiết bị công nghệ để dành ít nhất 20 phút mỗi ngày trò chuyện, chơi đùa với con cái.

2. Hạn chế sử dụng các thiết bị công nghệ, thay vào đó, mỗi thành viên trong gia đình nên dành thời gian để tham gia các hoạt cùng nhau như cùng nhau đi mua sắm, nấu ăn, đi du lịch.

3. Chính cha mẹ nên làm gương tốt trong việc hạn chế xem ti vi, truy cập internet và nên khuyến khích con cái sử dụng thời gian vào các hoạt động vui chơi, rèn luyện thể chất, thăm bạn bè người thân, đi tham quan…

4. Cùng ăn cơm tối, nghe con cái trò chuyện về việc học hành, về kế hoạch chung của cả nhà… cũng đủ giúp hâm nóng tình cảm gia đình và khiến mỗi thành viên cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc

5. Điều quan trọng bạn và các thành viên trong gia đình cần xác định một khoảng thời gian nhất định trong ngày cho các thiết bị này. Hãy sẵn sàng tách mình ra khỏi máy tính và nói chuyện cởi mở với những người thân yêu. Làm như vậy sẽ giúp ngăn chặn công nghệ hủy hoại gia đình bạn.

Nguồn: Gia đình Việt Nam