Dòng sự kiện:

5 món an thai mẹ cần phải ăn trong thai kỳ

21:02 19/10/2015
Lựa chọn những món ăn phù hợp để không chỉ bồi bổ cho mẹ mà còn an thai, tốt cho bé con trong bụng.

Giai đoạn bầu bí là lúc cơ thể các chị em cần chú ý nhất đến chế độ dinh dưỡng, lựa chọn những món ăn phù hợp để không chỉ bồi bổ cho mẹ mà còn an thai, tốt cho bé con trong bụng. 

Lúc này, phôi thai phát triển được là nhờ hấp thụ các chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ đưa sang. Tuy nhiên trong tháng thứ nhất, do phôi thai còn rất nhỏ nên lượng chất dinh dưỡng cần thiết cũng chưa nhiều. Nhưng nếu người mẹ kén ăn sẽ dễ dẫn đến tình trạng không cân bằng về dinh dưỡng, có hại cho thai nhi sau này. Do đó để thúc đẩy nhu cầu ăn uống, các bạn nên chế biến các món ăn dinh dưỡng khi bắt đầu mang thai.

Sau khi thụ thai khoảng một tuần, trứng sẽ bám vào thành tử cung, hấp thu một phần chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ và bắt đầu phát triển. Sau tuần thứ 3, phôi thai có thể sẽ dài từ 0,5 – 1cm, thể trọng tăng khoảng 1g. Về bề ngoài, phôi thai vẫn chưa phân biệt rõ phần đầu và cơ thể.

1. Cháo hàu nấu hạt sen


Nguyên liệu:

Hàu sống: 50gr, hạt sen: 20gr, gạo nếp: 10gr, gạo tẻ: 20gr, cà rốt: 1/2 củ, nấm rơm: 30gr, hành lá, rau răm, hành khô, dầu ăn, đường, muối, nước mắm….

Cách chế biến:

- Trộn đều gạo nếp và gạo tẻ, sau đó ngâm vào nước lạnh 1 – 2 tiếng trước khi nấu cho mềm.

- Hạt sen tách vỏ, bạn có thể bỏ tâm sen bằng cách dùng tăm không nhọn đẩy ngược từ dưới hạt sen lên, tâm sen sẽ trồi ra ngoài. Như vậy, khi nấu cháo sẽ không bị đắng và tăng thêm phần thơm ngon.

- Cà rốt gọt vỏ, thái hạt lựu.

- Bạn vo gạo cho sạch, bỏ vào cùng hạt sen, cà rốt và nước vừa đủ đặt lên bếp, ninh thành cháo.

- Nấm rơm cắt bỏ gốc, bạn ngâm với 1 chút bột năng cho trắng, rồi rửa sạch, để ráo, sau đó bạn thái hạt lựu.

- Bạn rửa sạch hành và rau răm, để ráo nước rồi thái nhỏ.

- Sơ chế hàu: Bạn rửa sạch hàu, sau đó, dùng dao nhọn lia một đường dọc mép hàu, lách dần vào bên trong rồi nhấn mạnh cho bung vỏ, tách lấy thịt, băm nhỏ.

- Hành tím bóc vỏ, rửa sạch, đập dập, băm nhuyễn. Sau đó, bạn phi thơm hành với 1 chút dầu ăn, rồi đổ nấm và thịt hàu đã bằm nhỏ vào xào, nêm thêm 1 thìa cafe nước mắm và 1/2 thìa muối. Bạn cho hỗn hợp hàu và nấm vừa xào vào nồi cháo chín, ninh thêm khoảng 10 phút nữa thì tắt bếp. Múc cháo ra bát, rắc thêm hành lá, rau răm, hành phi vào. Cháo sẽ ngon hơn khi dùng lúc nóng.

 Hàu nấu hạt sen là 1 sự kết hợp hoàn hảo, vừa có tác dụng bổ huyết, bổ thần kinh, bổ thận, kiện tì cho bà bầu … lại có thêm tác dụng an thai, thúc đẩy sự phát triển về trí não cho bé con

2. Cá chép hấp



Nguyên liệu:

• 1 con cá chép tươi sống, khoảng 500 g.

• 100 g thịt heo ba chỉ.

• 5 tai nấm mèo.

• 1 khoanh bún tàu loại bún khô và nhỏ sợi.

• 2 quả cà chua, 2 quả ớt đỏ.

• Hạt nêm, nước mắm, tiêu, đường, hành tím.

Cách chế biến:

- Cá làm sạch, móc ruột ra hết, sau đó để nguyên con cho khô. Thịt heo ba chỉ thái mỏng, ướp với chút hạt nêm, tiêu, đường, hành tím băm nhỏ chừng 15 phút cho thấm gia vị.

- Nấm mèo, ngâm mềm, thái sợi. Bún tàu ngâm mềm, cắt khúc vừa ăn. Cà chua, ớt đỏ bỏ hạt, thái sợi để riêng.

- Cho cá vào tô, cho thịt lợn đã ướp lên mặt cá, đặt vào nồi hấp khoảng 30 phút, chất béo ngọt của thịt lợn ngấm vào cá. Cho tiếp bún tàu nấm mèo, cà chua, ớt thái sợi lên trên cùng, rưới thêm chút nước mắm, hấp chừng 5 phút nữa thì nhấc cá đã hấp ra, rắc thêm chút tiêu và ít cọng hành lá.

Chú ý: Không dùng tất cả các loại dầu mỡ, gia vị.

Món này ăn nóng với cơm trắng rất ngon, dễ làm lại vừa thích hợp cho những bà bầu mắc chứng buồn nôn.

3. Canh gà hạt sen



Nếu thai phụ thường bị sinh non, khi mang thai có hiện tượng không muốn ăn, đau lưng hoặc bụng dưới trì xuống, nặng nề, có thể ăn loại canh này để bổ máu, an thai.

Nguyên liệu: 

1 con gà, 2 lát gừng, 12 g hạt sen khô, 12g xuyên tục đoạn, 18g dây tơ hồng, 18g a giao, một lượng muối thích hợp.

Cách chế biến: 

- Gà rửa sạch, trần qua nước sôi vài phút, sau đó hầm cách thủy.
- Hạt sen khô, xuyên tục đoạn, dây tơ hồng cho vào trong túi vải buộc chặt, bỏ vào nồi sành nấu 30 phút.
- Đổ nước trong nồi vào bát chưng cách thủy, cho lát gừng và a giao vào, đậy nắp lại chưng cách thủy 3 giờ, nêm muối.

4. Canh chân giò lạc nhân


Nguyên liệu: 

200g lạc nhân; 1kg chân giò heo; 30g gừng; hành và tiêu hột.

Cách chế biến:

- Chân giò cạo lông sạch, nướng lên, cạo phần cháy khét, ngâm nước, rửa sạch, chặt thành từng miếng dài 3cm; Lạc ngâm trong nước ấm, bỏ vỏ;

- Hành tỉa hoa, gừng giã nhỏ;

- Cho nồi lên bếp, cho khoảng 2500ml nước, cho chân giò vào đun sôi, hớt hết bọt nổi lên bỏ đi, cho nhỏ lửa, nêm nếm gia vị vào rồi hầm tiếp. Đến khi thấy chân giò chín nhừ, bắc nồi xuống và cho phần thức ăn vừa nấu vào bát to, rắc bột  tiêu và hành hoa lên trên.

5. Cà chua xào đậu phụ


Nguyên liệu: 

250g cà chua; 2 miếng dậu hủ; 75g dầu ăn; đường trắng và nước tương.

Cách chế biến:

Món này có 2 cách chế biến.

- Cách thứ nhất: Dùng nước sôi nấu cà chua, bóc vỏ, cắt miếng dày. Đậu hủ cắt thành miếng nhỏ khoảng 3cm. Bắc chảo lên bếp, cho cà chua vào xào qua. Tiếp đó, cho đậu hủ, nước tương, đường vào đảo qua. Đợi đậu ngấm gia vị là được.

- Cách thứ hai: Xào xong cà chua, cho một ít nước vào đun sôi. Cho đậu, đường, nước tương với lượng vừa đủ, cho một ít muối vừa đủ. Cho một ít rau xanh, chín là được.

 

 

TUỆ ANH (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam