Dòng sự kiện:

5 quan niệm cho con bú mẹ tin "sái cổ", bác sĩ bảo sai

Theo Marrybaby
06:42 18/12/2017
Có những quan niệm cho con bú truyền đời mẹ có thể tin "sái cổ" nhưng thực tế thì không phải lời đồn nào cũng đúng vì bác sĩ đã đưa ra bằng chứng minh sai rồi!

Sau khi sinh, giai đoạn cho con bú mẹ là quan trọng nhất. Có hàng trăm hàng nghìn thứ phải lo để không ảnh hưởng đến chất lượng sữa cho bé yêu. Có phải mẹ nên từ bỏ hẳn ly café buổi sáng hay những chai sữa tắm thơm tho để bé yêu tu ti an toàn nhất? Những sự thật dưới đây sẽ giúp mẹ phân biệt những điều an toàn và không an toàn khi cho bé bú.

Trong thời gian cho con bú, vì bé yêu thường xuyên tiếp xúc với núm ti, bầu vú nên mẹ luôn lo lắng những sinh hoạt chăm sóc bản thân hàng ngày sẽ ảnh hưởng sự phát triển của bé. Marry Baby sẽ giúp mẹ giải mã sự thật những điều ảnh hưởng đến việc tiết sữa, cũng như chất lượng của sữa cho bé yêu.

Lời đồn: Mẹ nên ngưng dùng sản phẩm khử mùi hàng ngày

Sự thật: Có thể mẹ nghe nói trong sản phẩm khử mùi có chứa nhôm, là thành phần ngăn chặn việc tiết mồ hôi, cũng là chất độc đối với các mô ngực và sữa mẹ. Do vậy mẹ luôn chọn lăn khử mùi không chứa nhôm, tuy nhiên sự đề phòng này là không cần thiết.

Đừng ngại ngần sử dụng lăn khử mùi nếu mẹ thực sự cần

Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy một bà mẹ đang cho con bú không nên dùng lăn khử mùi. Thông thường nhôm hiện diện rất nhiều trong môi trường xung quanh, nhiều nhất là trong thức ăn, không phải ở các sản phẩm chăm sóc da, và hầu như nhôm không ảnh hưởng gì đến sữa mẹ.

Tuy nhiên, mẹ có thể cân nhắc chuyển sang dùng loại không có mùi, vì trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với mùi hương, và tránh sử dụng các sản phẩm có mùi thơm nồng trên núm vú hoặc gần núm vú – kể cả sữa tắm. Nhất là cần chú ý với sản phẩm khử mùi dạng xịt, vì khi xịt sản phẩm có thể dính vào núm vú và gây ra một hương vị khó chịu với bé yêu.

Lời đồn: Mẹ không nên dùng bất cứ thuốc giảm đau nào  

Sự thật: Mẹ không cần phải chịu đựng những cơn đau. Theo một báo cáo của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), thuốc giảm đau và thuốc hạ sốt như ibuprofen, acetaminophen,và naproxen nói chung vẫn được dùng cho các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, mặc dù mỗi loại thuốc có những lợi ích và rủi ro riêng.

Tuy nhiên có một vài loại thuốc không kê toa, tốt nhất mẹ không nên dùng. Ví dụ, thuốc decongestants (trị nghẹt mũi) có thể làm giảm lượng sữa, trong khi thuốc kháng histamine có thể làm mẹ buồn ngủ và làm giảm khả năng tiết sữa.

Tốt nhất mẹ nên hỏi ý kiến bác sỹ trước khi uống bất cứ loại thuốc nào. Ngay cả khi đó là loại thuốc an toàn cho mẹ trong thời gian cho con bú, mẹ cũng nên thận trọng khi dùng: Sử dụng liều thấp nhất có thể trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể.

Lời đồn: Mẹ không nên uống cà phê

Sự thật: Sau một đêm mệt mỏi với bốn năm lần thức dậy cho bé yêu tu ti, đừng ngại uống một cốc cà phê cho tỉnh người vào sáng hôm sau. Nghiên cứu cho thấy lượng caffein mà bé nhận được chỉ là một phần nhỏ so với ly cà phê bạn uống.

Uống một ly cà phê sau một đêm không tròn giấc cũng chẳng phải điều gì to tát đâu mẹ!

Tuy nhiên, mẹ nên giới hạn một đến ba ly cà phê một ngày. Liều cao hơn, năm ly cà phê trở lên, caffein từ sữa mẹ có thể tích tụ trong cơ thể của bé, làm cho bé bồn chồn và bực bội.

Lời đồn: Nếu muốn giảm cân sau sinh, mẹ nên cắt giảm lượng calorie 

Sự thật: Cho con bú giúp mẹ đốt khoảng 500 calories mỗi ngày. Nhiều mẹ có thể lấy lại cân nặng trước khi mang thai nhờ cho con bú mỗi ngày. Mẹ lưu ý là cho dù mẹ nôn nóng giảm cân nhanh chóng, hãy chắc chắn mẹ nạp ít nhất 1.800 calo mỗi ngày và các bữa ăn cân bằng chất dinh dưỡng, chứa nhiều chất béo lành mạnh như bơ và quả hạch, cùng với trái cây, rau, đậu và thịt nạc.

Thời điểm tốt nhất để mẹ bắt đầu ăn kiêng là hai tháng sau sinh, khi quá trình sản xuất sữa đã ổn định và cơ thể đã hồi phục khoẻ mạnh như trước khi sinh. Cách tốt nhất để mẹ biết liệu mình đã ăn uống đủ liều lượng hay chưa là hãy lắng nghe cơ thể và ăn khi cảm thấy đói.

Lời đồn: Mẹ có thể uống rượu bao nhiêu cũng được, không sao  

Sự thật: Một lượng nhỏ rượu cũng có thể đi vào sữa mẹ, làm thay đổi mùi vị của sữa mẹ, khi trẻ bú giống như đang nếm phải rượu. Hơn nữa việc uống rượu có thể làm giảm sự tiết sữa. Tệ hơn, rượu là một chất độc thần kinh ảnh hưởng đến sự phát triển của não trẻ sơ sinh. Đó là lý do vì sao mẹ cho con bú tuyệt đối không nên uống rượu bia.

Không có số liệu cụ thể về việc rượu từ mẹ sẽ chuyển hoá bao nhiêu vào sữa và đi vào cơ thể trẻ bao nhiêu, vì mỗi người chuyển hóa chất cồn khác nhau. Mẹ có thể uống một ly nhỏ champagne vào dịp vui đặc biệt nào đó, nhưng không nên uống suốt trong happy hour mỗi đêm, sẽ ảnh hưởng đến việc cho con bú đó mẹ nhé!

Nguồn: Gia đình Việt Nam