Dòng sự kiện:

6 dấu hiệu cho thấy bé sẵn sàng ăn dặm

Theo MarryBaby
19:26 10/08/2018
Thông thường, khi bước sang tháng thứ 6 bé sẽ bắt đầu làm quen với việc ăn dặm. Nhưng nếu không dựa vào mốc thời gian thì mẹ có thể căn cứ vào đâu để xác định thời điểm cho con ăn dặm? Cùng điểm qua các dấu hiệu dưới đây nhé!

Ăn dặm là một trong những cột mốc phát triển thú vị về thói quen ăn uống của trẻ trong năm đầu tiên. Khi bé sẵn sàng, có một vài dấu hiệu giúp mẹ nhận biết được thời điểm thích hợp để đa dạng hóa thực đơn dinh dưỡng của con ngoài sữa.  Nếu vẫn còn băn khoăn khi nào cho bé ăn dặm, mẹ nên tham khảo 6 dấu hiệu quan trọng sau!

Đừng tự dự đoán, mẹ có thể biết khi nào bé muốn ăn dặm qua 6 dấu hiệu sau

Cũng như lúc buồn ngủ, trẻ thường có thói quen dụi mắt, khi sẵn sàng ăn dặm, trẻ cũng biểu hiện những hành vi cư xử nhất định. Hầu hết các khuyến cáo đều khuyên rằng mẹ nên tập cho bé ăn dặm vào tháng thứ 4-6. 

Tuy nhiên, thực tế là mỗi bé phát triển thói quen ăn uống khác nhau, vì vậy không có thời điểm hoàn hảo để hướng các bé ăn đúng theo kế hoạch, có bé ăn sớm, có bé lại rất trễ. Thay vì căn cứ vào thời gian, mẹ có thể quan sát dấu hiệu sau từ các bé để chuẩn bị chuyện ăn dặm cho con.

1/ Dựa vào cơn đói

Trong vài tháng đầu sau khi chào đời, trẻ sơ sinh có nhu cầu ăn nhiều, khoảng 2-3 giờ/lần. Tuy nhiên, khi sắp đạt mốc 6 tháng tuổi, thói quen ăn uống của trẻ dần ổn định hơn, khoảng cách mỗi bữa ăn thưa dần, khối lượng thức ăn tăng lên.

Vào thời gian này, nếu mẹ phát hiện thấy bé thường xuyên đói, dù mới vừa bú xong, hoặc vẫn bú đủ và no như thường ngày. Đó là dấu hiệu tốt cho thấy bé đang bắt đầu muốn ăn thêm món khác, giúp bé no lâu hơn.

2/ Nhiều đêm mất ngủ

Trẻ ăn đêm chủ yếu là 2-3 tháng đầu, sau đó thưa dần. Tuy nhiên, đến gần 6 tháng, trẻ bắt đầu lặp lại lịch sử khóc đòi ăn đêm, làm cả mẹ lẫn con nhiều đêm mất ngủ. Đây cũng là một trong những dấu hiệu đáng lưu ý dành cho mẹ đang không biết khi nào cho bé ăn dặm. Trẻ đang có nhu cầu bổ sung thêm nguồn thực phẩm có thể giúp trẻ ngủ thẳng giấc và không bị cơn đói cồn cào làm phiền giữa đêm.

3/ Ánh mắt của bé con

Mỗi lần chuẩn bị nấu ăn hay đang dùng bữa cùng cả nhà, bạn cảm thấy như có ai đó đang theo dõi? Không ai khác, đó chính là ánh mắt thèm thuồng của nhóc nhỏ trong nhà. Bất cứ một cử động nào của mẹ trong lúc ăn uống đều được bé theo dõi rất nhiệt tình. Lúc này, mẹ có thể sẽ cảm thấy rất tội nghiệp cho con vì thèm nhưng không ăn được gì. Dấu hiệu này cũng đáng để lưu ý mẹ nhé!

4/ Cái miệng hợp tác

Một trong những cách hay và thú vị nhất đó là thử độ sẵn sàng của bé với chiếc muỗng. Đưa muỗng gần miệng trẻ, nếu bé cố gắng mở miệng thay vì dùng phản xạ của trẻ sơ sinh và đẩy muỗng ra, điều này đồng nghĩa bé muốn ăn dặm lắm rồi.

5/ Bàn tay táy máy

Bất cứ khi nào có cơ hội tiếp xúc với đồ ăn, bàn tay nhỏ xinh của bé đều cố gắng chụp lấy, giữ lại, và không thể kiềm chế hành vi bỏ vào miệng. Trẻ cầm thức ăn cho vào miệng không có nghĩa là trẻ đã có thể ngay lập tức ăn được chất rắn, mẹ cứ phải tập từ từ nhé!

6/ Khả năng ngồi

Cuối cùng nhưng quan trọng, trẻ chỉ sẵn sàng ăn dặm khi đã có thể kiểm soát đầu và cổ tốt, đặc biệt là có thể ngồi lên ngay nếu được ba mẹ hỗ trợ.

Nguồn: Gia đình Việt Nam