Dòng sự kiện:

6 điều vợ chồng bạn nên tránh xa trong dịp Tết

23:30 07/02/2016
Sau đây là 6 điều "đại kỵ", bạn nên tránh xa trong dịp Tết bởi đó có thể là nguyên nhân gây ra tranh cãi của vợ chồng, làm gia đình bạn lục đục trong năm mới.
Mua sắm trong những ngày quá sát Tết

Bạn nên đi mua sắm quần áo, giày dép, phụ kiện...cho cả nhà trước Tết khoảng 3 tuần là hợp lý nhất. Đó là khi các cửa hàng, các trung tâm thương mại, siêu thị có nhiều hàng mới và áp dụng chương trình khuyến mãi. Thời điểm này, mọi người cũng chưa được nghỉ Tết nên bạn sẽ không phải sợ cảnh chen lấn. Như vậy, giáp Tết, bạn chỉ cần dành thời gian cho việc mua sắm thực phẩm. 

Tết là thời điểm quan trọng nhất trong năm, chính vì thế mà không thể qua loa, đại khái được. Cuối năm, công việc bù đầu sẽ khiến bạn rối tinh lên và chẳng nhớ nổi phải mua sắm gì hoặc mua quá nhiều dẫn đến bội chi khiến vợ chồng cãi cọ vì bất đồng quan điểm trong chi tiêu.

Để tránh mua thiếu những thứ cần sắm cho ngày Tết, bạn cần lên danh sách các đồ cần mua để không bị sót bất cứ thứ gì. Như vậy, Tết mới no đủ được.

Cuộc sống hiện đại ngày càng thuận tiện hơn, cần mua sắm gì, chạy ù ra chợ, ra siêu thị là có tất cả. Thậm chí, để phục vụ cho những khách hàng quá bận rộn thì còn có rất nhiều loại hình dịch vụ hỗ trợ mua sắm Tết trọn gói cho phép khách hàng đặt qua điện thoại hay đăng ký qua mạng internet là hàng hoá sẽ được đưa đến tận nhà. Dù tự mình đi mua hàng hay sử dụng dịch vụ hỗ trợ mua sắm Tết thì bạn cũng cần phải liệt kê ra thật cụ thể, chi tiết những thứ cần sắm cho ngày Tết để tránh thiếu sót trong ngày Tết và tránh mất công sức chạy đi, chạy lại.

“Cuộc chiến” Tết quê nội, Tết quê ngoại

Nhiều vợ chồng vì không dung hòa được chuyện “Tết nhà nội, Tết nhà ngoại” mà đã “phát động chiến tranh lạnh” khiến cho cả nhà mất Tết.

Việc ăn Tết ở nhà chồng hay nhà vợ luôn là đề tài dễ gây tranh cãi của mỗi cặp vợ chồng. Ai cũng muốn được đón Tết bên những người sinh ra và nuôi lớn mình nên mới nảy sinh ra cuộc chiến này. Dù mỗi người đều có một lý do riêng, chính đáng để lôi chồng hoặc vợ về quê mình ăn Tết nhưng có một điều không thể tránh khỏi là sự “sứt mẻ” trong tình cảm gia đình.

Vì vậy, mỗi cặp vợ chồng hãy cố gắng tìm ra tiếng nói chung trong việc tìm “bến đậu” ngày Tế và cùng trân trọng những phút giây được đón năm mới tại đó.

Ác mộng việc nhà 

Cận Tết bận rộn khiến cuộc sống của nhiều gia đình bị đảo lộn, nhất là các nhà ở thành phố lớn khi người giúp việc về quê ăn Tết. 

Bàn về giải pháp cho vấn đề này,  báo Gia đình và Xã hội thông tin, nhiều gia đình tuy không có ôsin, thường thuê giúp việc cuối tuần để lau dọn nhà cửa, thì nay nhiều người cũng động viên chồng con cuối tuần cùng nhau dọn dẹp, vừa vui lại đỡ tốn tiền. Vì thế, để không bị "quá tải", khi bắt đầu chuẩn bị cho Tết, hãy lập một danh sách những gì cần phải làm và xác định ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho mỗi việc. Mỗi tuần nên nói chuyện lại để đánh giá quá trình thực hiện của bạn, chỉnh sửa danh sách khi cần thiết, và thảo luận về cảm giác của mỗi người. Nếu một trong hai người cảm thấy khối lượng công việc không cân bằng, hãy nói ra và cùng điều chỉnh.

Qùa biếu, quà tặng Tết

Chia sẻ trên báo Vnexpress, nhà tâm lý Hà Linh cho biết, Tết với mỗi gia đình không chỉ là mua sắm đồ đạc ăn uống trong nhà, nhiều cặp vợ chồng còn phải có thêm nỗi lo là biếu quà cho hai bên nội ngoại hay cho sếp. Làm sao cho món quà Tết ý nghĩa, được ông bà, sếp thích mà lại hợp với túi tiền... luôn là nỗi đau đầu với nhiều người. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi chồng thì muốn biếu túi quà kèm theo phong bì, vợ lại tư vấn mua đồ quê ngon và sạch cho ý nghĩa. Với hai cách nghĩ này hai vợ chồng sẽ dễ xảy ra cãi vã do cách suy nghĩ khác nhau. Nhiều đôi xảy ra chiến tranh chỉ vì Tết bên nội ngoại không công bằng hoặc biếu bao nhiêu tiền.

Giải pháp được gợi ý là thay vì mỗi người tự nghĩ theo cách của mình, hãy cùng ngồi lại với nhau để chia sẻ suy nghĩ. Ngoài ra, với chuyện biếu quà sếp, vợ chồng cũng cần học cách tôn trọng sự lựa chọn của nhau bởi không phải cặp nào cũng hiểu rõ ý thích của gia đình vợ/chồng hay làm việc với cùng một lãnh đạo. Vì thế làm sao để có món quà tặng vừa hợp ý chủ nhân, lại làm cho người tặng cũng cảm thấy vui vẻ thỏa mãn mới là điều cả hai nên quan tâm nhất, tránh lãng phí không cần thiết.

Các bữa tiệc tất niên và mừng năm mới liên miên

Mâu thuẫn vợ chồng liên quan đến việc lập kế hoạch vui chơi là điều không thể tránh khỏi trong những lễ Tết, khiến nhiều vợ chồng "mặt nặng mày nhẹ" với nhau cả mấy ngày Tết.

Báo Gia đình & Xã hội gợi ý một số giải pháp như sau:

- Hãy liệt kê sự kiện mà mọi người muốn bạn tham gia và cùng nhau quyết định đâu là sự kiện quan trọng với cả gia đình, đâu là sự kiện chỉ dành cho một cá nhân. Hãy tôn trọng nhau.

- Về phía người vợ: Không nên tỏ thái độ từ chối hay bất mãn mỗi khi anh xã mời bạn bè đến dự tiệc vì ai cũng cần có bạn và tiệc ăn uống là điều khó tránh khỏi. Không nên nếu bạn làm việc đó một cách miễn cưỡng với bộ mặt xầm xì. Học cách chia sẻ khi hai vợ chồng đang thoải mái nói chuyện với nhau, bàn bạc trước xem nên mời ai và vào lúc nào để cả hai chuẩn bị được tốt. Ngoài ra, thống nhất với anh xã nên sử dụng bao nhiêu rượu để khỏi rơi vào tình trạng quá say xỉn. Thậm chí phân công nhau cùng nấu nướng sẽ giúp cho cả hai tránh rơi vào tình trạng quá mệt vì chuẩn bị tiệc tùng.

- Về phía người chồng: Cần thông cảm cho những nỗi vất vả, mệt mỏi của vợ dịp Tết, đừng mặc định bạn đời phải phục vụ tiệc tùng cho bạn và các chiến hữu. Hãy thể hiện sự tôn trọng cô ấy bằng cách bàn bạc trước dự định mời bạn và lắng nghe ý kiến của vợ. Khi tổ chức tiệc, hãy tham gia cùng vợ các công đoạn chuẩn bị cũng như dọn dẹp...

Lì xì năm mới bao nhiêu tiền

Cũng theo nhà tâm lý Hà Linh, với các cặp vợ chồng khá giả thì việc này đỡ đau đầu, còn với những đôi có thu nhập thấp thì đây là nỗi lo lớn. Rất nhiều tranh cãi xoay quanh vấn đề lì xì cho con cháu họ hàng bao nhiêu tiền. Vì vậy có không ít cãi vã nảy sinh quanh việc “Tại sao anh lì xì cho cháu anh nhiều thế mà cháu em thì lại ít hơn?”; hoặc “Nhà đã không còn tiền mà anh mừng tuổi nhiều thế, đã nghèo mà còn sĩ”. Sự so sánh, những câu nói gây tự ái sẽ dễ xảy ra lúc bạn căng thẳng.

Giải pháp cho vấn đề này là đừng để đến khi xảy ra vấn đề các bạn mới tìm giải pháp. Hai vợ chồng nên chuẩn bị sẵn các bao lì xì cho phù hợp từ trước. Các bạn đừng vì tâm lý ăn thua mà cố gồng mình lên để lì xì cho bằng người khác. Mừng tuổi là phong tục thiêng liêng để đem lại sự may mắn và chúc an lành cho người khác. Vì thế, đừng khiến nó trở nên quá phức tạp với việc tranh cãi vì chuyện lì xì ít hay nhiều.

Khánh Vy (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

[mecloud]dDtjDmNAhK[/mecloud]