Dòng sự kiện:

7 cách dạy con lỗi thời bố mẹ nên bỏ càng sớm càng tốt

18:13 16/01/2017
Sang năm mới, phụ huynh cần bỏ ngay những quan điểm, phương pháp dạy con quá lỗi thời và lạc hậu, không những không có tác dụng nuôi dưỡng trẻ thành tài, mà còn khiến cuộc sống nuôi dạy con thêm căng thẳng và mệt mỏi.

 

1. Khích lệ con bằng cách so sánh con với con nhà hàng xóm

Dừng ngay việc so sánh con với con nhà hàng xóm qua những câu nói kiểu như: “Con xem bạn A, bạn B luôn đứng đầu lớp, luôn được cô giáo khen”. Không nên tạo sự ganh đua, cạnh tranh trong việc giáo dục con trẻ. Điều này không giúp khích lệ con mà mang lại tác dụng ngược, con sẽ chỉ thêm mặc cảm, tự ti hoặc con hình thành tính cách ganh ghét, đố kỵ với các bạn khác.

Ở các trường học Nhật Bản – một trong những nền giáo dục ưu việt nhất thế giới, các thầy cô giáo không bao giờ so sánh thành tích của học sinh này với học sinh khác. Ví dụ như trong môn mỹ thuật, sẽ không có bạn vẽ đẹp, vẽ xuất sắc nhất lớp mà tranh của bất cứ bạn nào cũng là một sản phẩm hoàn hảo. Bởi mỗi trẻ có tốc độ phát triển, khả năng nhận thức, tư duy khác nhau. Không có trẻ nào kém hơn trẻ nào, chỉ có bố mẹ cứ mãi sai lầm, đặt ra các quy chuẩn và bắt con mình phải theo đó.

2. Luôn coi cách hành xử, thành tích của con là “bộ mặt” của bố mẹ

“Sao con ngờ nghệch vậy, con làm bố mẹ xấu hổ quá!” hoặc “Điểm số như này, bố mẹ quá thất vọng” không những làm con tổn thương nặng nề, mà còn không có tác dụng giúp trẻ tiến bộ. Chừng nào bố mẹ không coi thành tích học tập của con là “mục tiêu” của đời mình, chừng nào bố mẹ tách bạch con với bố mẹ, thì mới có thể giáo dục con thành công. Đừng tạo áp lực vô hình lên vai con trẻ bằng những câu nói kiểu như này. Con chỉ thông minh khi bố mẹ công nhận con thông minh. Nếu bố mẹ mắng trẻ ngốc, ngờ nghệch, trẻ sẽ mặc định rằng mình đúng là như vậy.

3. Khiến trẻ cảm thấy trẻ là người thừa thãi trong gia đình

Trẻ trong gia đình có nhu cầu cần được là người quan trọng với bố mẹ. Từ khi trẻ con nhỏ, trẻ đã thích làm những việc của người lớn, giúp bố mẹ việc nhà với hy vọng mong bố mẹ khen là được việc. Đây là điều rất ý nghĩa đối với sự phát triển của trẻ. Hạn chế nói những câu như “con đi ra chỗ khác chơi đi, để bố mẹ yên, con phiền phức quá đấy”. Trẻ dù ở độ tuổi nào cũng sợ nhất là bị bỏ mặc, khi đó trẻ cảm thấy mình không có giá trị và bắt đầu hình thành tính cách tự ti, hay sợ sệt.

4. Coi trẻ còn nhỏ, chưa biết gì

Khi trẻ muốn lên tiếng và bày tỏ quan điểm của mình, hãy lắng nghe chứ đừng vội dập tắt sự hào hứng của trẻ. Trẻ sẽ sợ sai, sợ mắc lỗi, sợ thất bại, không có chính kiến nếu bố mẹ cứ luôn rằng “con im đi, con còn nhỏ, hiểu cái gì mà dám lên tiếng”.

5. Quá coi trọng điểm số, thành tích

Điểm số, thành tích của con ở trường không có ý nghĩa gì nhiều trong việc đánh giá khả năng thành công sau này của trẻ. Chính bố mẹ đang bị cuốn vào cuộc chiến thành tích mà không hề hay biết. Thế nên đừng dọa nạt con rằng “thi cuối kỳ không được điểm cao thì mẹ sẽ đánh đòn, mẹ sẽ không mua đồ chơi cho, mẹ sẽ không cho con đi chơi…”

6. Ép trẻ làm/ học những thứ trẻ không thích

Bố mẹ có cách dạy con kiểu này, thông thường sau khi lớn tiếng ép trẻ không được, sẽ quay ra nói “bố mẹ xin con đấy, con học đi cho vừa lòng bố mẹ”. Như vậy nếu trẻ có đồng ý, cũng chỉ là để vừa lòng bố mẹ mà thôi. Thực chất trẻ không có niềm đam mê hay hào hứng thực sự.

7. Luôn nghĩ rằng trẻ sẽ không làm được

Bố mẹ luôn nghĩ rằng con không làm được và luôn nói: “Con không làm được đâu” hay “mẹ biết khả năng của con mà, làm sao mà con làm được cơ chứ”. Nên nhớ trẻ mới là người hiểu bản thân trẻ nhất, chứ không phải bố mẹ. Hãy khích lệ, động viên con theo cách tích cực, chứ đừng làm con nản chí bởi những câu nói gây tổn thương như vậy.

PL.XH

Nguồn: Gia đình Việt Nam


TAG