Dòng sự kiện:

9 lỗi nấu đồ ăn mất chất khiến con còi cọc, chậm lớn

14:02 29/07/2016
Con ăn nhiều nhưng vẫn còi cọc, có thể do cách chế biến món ăn của mẹ chưa đúng khiến món ăn mất chất dinh dưỡng và vitamin.

Nhiều em bé không kén ăn lại được mẹ chế biến món ăn đầy đủ chất nhưng dường như không hấp thu được nguồn dinh dưỡng trong món ăn nên vẫn còi cọc, chậm lớn. Mẹ cần xem lại cách chế biến món ăn cho bé đã chuẩn chưa. Dưới đây là 9 lỗi nấu đồ ăn mất chất khiến con còi cọc, chậm lớn.

Nấu quá lâu

Rau quả cần phải được chế biến và ăn nhanh chóng sau khi nấu: sau 24 tiếng đồng hồ để ở tủ lạnh, rau quả đã mất đi ¼ lượng vitamin C, sau 2 ngày, lượng vitamin giảm đi còn một nửa.

Thời gian nấu nướng đồ ăn càng dài và nhiệt độ càng cao càng làm mất đi nguồn vitamin và dinh dưỡng có trong thực phẩm. Ngoài ra khi nấu ăn càng lâu, các loại vitamin dễ tan trong nước sẽ tan hết ra trong nước dùng, chỉ có các omega hay chất béo là ổn định.

Vì thế, đối với rau củ, việc hầm ninh quá lâu không tốt bằng xào hay luộc nhanh. Hâm nóng lại đồ ăn nhiều lần, đặc biệt là rau cũng là việc làm không nên và dễ khiến các vitamin bị hủy diệt nhanh chóng.

Mẹ cần tránh 9 lỗi nấu đồ ăn mất chất khiến con còi cọc, chậm lớn.

Cho sữa vào cùng lúc với thực phẩm khác

Nếu mẹ muốn thêm sữa vào các món cháo, súp,... cho đồ ăn dặm của bé thêm phần béo, ngậy và giàu dinh dưỡng, hãy nhớ rằng không nên nấu sữa quá lâu và nấu sôi nhiều lần, làm protein trong sữa bị phân rã và vitamin bị phá hủy. Tôt nhất là nên nấu các thực phẩm khác như bột, gạo, rau trong nước trước, sau đó mới đổ sữa vào, đun tiếp đến sôi và bắc ra ngay để bảo toàn lượng dinh dưỡng từ sữa cho bé.

Lạm dụng dầu mỡ

Vitamin A, D và E dễ bị bão hòa bởi chất béo nên nếu muốn đảm bảo lượng các vitamin này không bị hao hụt đi nhiều, mẹ cần nấu ăn với ít dầu mỡ thôi. Ví dụ như món gan giàu vitamin A nên luộc thay vì xào, món cá giàu vitamin D nên hấp hoặc nướng hơn là rán.

Ngoài ra, thực phẩm đun trên dầu nóng còn sản sinh ra các chất gây ung thư, là nguyên nhân hàng đầu gây nên ung thư dạ dày, ung thư vú, các bệnh ung thư vùng ruột kết và trực tràng.

Chỉ sử dụng nước rau

Với các con trong độ tuổi tập ăn dặm, nhiều mẹ chỉ hầm rau củ, quả lấy nước cho bé ăn vì sợ bé hóc, nghẹn mà quên mất phần xác, lá giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ giúp bé chống táo bón, tiêu hóa tốt. Đa phần trẻ nhỏ hay táo bón vì ăn thiếu lượng rau cần thiết mà một trong những nguyên nhân là do kiểu nấu nướng như thế này. Nếu bé chưa nhai tốt, hãy băm hoặc thái nhỏ rau cho vào món rau của bé.

Nấu với nhiệt độ cao

Vitamin bị phá hủy ở nhiệt độ cao, vì thế khi nấu ăn chỉ nên nấu với nhiệt độ thấp và vừa phải, đảm bảo ổn định cấu trúc của các loại vitamin và khoáng chất.

Vo gạo quá kĩ

Một hàm lượng cực kì lớn các khoáng chất và vitamin, nhất là vitamin B1 trong gạo bị giảm đi trong quá trình vo gạo. Do đó, mẹ nên vo gạo nhẹ nhàng, tránh vò xát quá kĩ và dùng quá nhiều nước làm mất lớp cám gạo giàu dinh dưỡng.

Luôn gọt vỏ rau củ

Ngoại trừ các loại của có vỏ cứng không thể ăn được thì không nên gọt vỏ rau củ, chỉ cần rửa sạch rồi đem nấu là được vì ở một số loại rau củ như củ cải, cà rốt, cà tím,..., phần vỏ chứa hàm lượng vitamin cực kì cao. Mẹ cũng lưu ý là rau củ quả có nguồn gốc đảm bảo, không nhiễm chất hóa học, thuốc bảo quản thực phẩm,... mới có thể yên tâm áp dụng quy tắc “ăn cả vỏ” được.

Mở vung nồi quá nhiều khi nấu

Khi nấu nên đậy vung nồi, han chế mở nắp nồi để đồ ăn không bị tiếp xúc với ánh sáng, làm hao hụt lượng vitamin. Một số thực phẩm chứa lượng vitamin B2 cao, rất dễ bị tác động bởi ánh sáng và gây ra hiện tượng ôxy hoá bởi tác nhân này. Việc đậy nắp nồi cũng hạn chế tình trạng bay hơi của một số loại dinh dưỡng, đồng thời tiết kiệm được thời gian nấu nướng vì thực phẩm sẽ nhanh chín hơn.

Luộc và hầm rau quả với quá nhiều nước

Nấu rau quả với càng ít nước thì càng giữ lại được nhiều chất dinh dưỡng. Đó là lí do vì sao, hấp hay nướng bằng lò vi sóng là cách để chế biến rau quả tốt hơn luộc và hầm. Khi dùng phương pháp luộc và hầm, mẹ nhớ sử dụng lượng nước vừa phải, tránh cho quá nhiều nước và tránh đun quá lâu, làm nhiều vitamin (đặc biệt là các vitamin nhóm B) trong rau củ quả bị hòa tan trong nước.

Khánh Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam