Dòng sự kiện:

Ám ảnh một phận người…

Tục “nối dây” của người Jrai trong quá khứ đã làm tan nát bao cuộc đời thiếu nữ. Từng gặp bao cảnh đời đẫm nước mắt, vậy mà chị H’ruk ở Buôn Tang ( xã Phú Cần, huyện Krông Pa – Gia Lai ) vẫn cứ mãi ám ảnh tôi. “Đàn bà ở buôn này ai cũng nghèo khó nhưng ai cũng bằng lòng với cuộc đời mình bỡi họ được quyền “bắt” người mình thương. Chỉ có H’rúc là…”Cuộc sống có những thẳm sâu khiến người cầm bút cứ cảm thấy mình luôn là kẻ cạn tâm, bất tài…

…Đó là một buổi chiều mưa năm 1986… Mưa giữa mùa như ai nghiêng ghè mà trút nước. Căn nhà nhỏ tuyền toàng của ma, mí ( cha mẹ ) H’ruk như đặc quánh bỡi hơi người. Già làng, họ nhà anh rể Alê Bhuar và H’ruk có mặt đủ cả… Lâu lắm rồi buôn Tang mới lại có một việc rất lạ thế này: H’Le – chị gái H’ruk “bắt” Alê  Bhuar, sống với nhau đã hai con trăng không dưng bỏ chồng trốn đi mất biệt… Tục “nối dây” của người Jrai, khi con rể mất vợ thì nhà gái phải “đền” một người nào đó trong số các em gái. Nếu không có người thì phải chia của… H’le vô cớ bỏ chồng, hoặc phải có em thế chị, hoặc cha mẹ phải đền trâu bò cho con rể… Trâu bò, nhà này đến cơm ăn cũng chẳng đủ thì lấy đâu ra. Còn người… Họ hàng hai bên ai nấy như nín thở nhìn vào góc bếp. H’le chỉ có đứa em gái lớn nhất là H’ruk nhưng nó chỉ mới được 10 mùa rẫy. Tắm truồng ngoài giọt nước chưa biết xấu hổ thì làm vợ thế nào được thằng Alê Bhuar đã 24 tuổi rồi ? Biết vậy nhưng luật tục là luật tục; dẫu có vô lối thì ai cũng phải theo thôi…

Cuộc phân xử diễn ra chóng vánh. Chẳng hay cuộc đời mình đã được định đoạt, H’ruk vẫn bình thản ngồi nướng bắp ăn, thỉnh thoảng lại liếc mọi người vô tư nhoẻn miệng cười…

Mẹ con H’rúc trong góc bếp lạnh lẽo.          

Tuổi thơ bị đánh cắp

Nhà nghèo, lễ “bắt chồng” của H’ruk chỉ có con heo nhỏ với ghè rượu. Người đến dự đâu chỉ có dăm người. “Bắt chồng” có nghĩa là gì, H’ruk không biết. Nở một nụ cười ngô nghê, cứ người lớn bảo làm gì thì  H’ruk làm theo vậy. Chẳng thế lại còn sung sướng khi được Bhuar đeo cho chiếc coong  vào cổ tay ( chiếc vòng bằng đồng tượng trưng cho hôn ước ). Với H’ruk, anh rể Bhuar trước sau vẫn là anh rể. Chỉ có điều hơi khó chịu là không hiểu sao từ hôm làm lễ ‘bắt chồng”, đi đâu, làm việc gì “anh rể” cũng kêu mình phải theo… Thì cũng chẳng sao. Trong khi Alê Bhuar hùng hục chặt cây, phạt cỏ thì H’ruk vẫn được thẩn thơ hái hoa bắt bướm bên bìa rẫy. Chiều về, khi “anh rể” còng lưng với gùi củi thì H’ruk lon ton theo sau, vừa đi vừa đá bụi cho tung lên rồi cười như nắc nẻ… Điều duy nhất làm H’ruk khó chịu là đám con nít cùng tuổi. Trước đây cứ mỗi chiều đi rẫy về là H’ruk được chúng kêu đi đánh bi, nhảy dây. Thế nhưng từ ngày phải đi cùng “anh rể” chẳng đứa nào chịu chơi cùng nữa. Không những vậy cứ thấy mặt H’ruk ở đâu là chúng lại hét “ê ê, H’ruk –  Bhuar hai vợ chồng”. H’ruk đuổi đánh nhưng càng đuổi chúng lại càng la khỏe. Tức ứa nước mắt, H’ruk đem chuyện nhờ cha mẹ và “anh rể” mắng đám bạn giúp nhưng chẳng hiểu sao ai cũng cúi mặt lặng im…

Thời gian cứ thế trôi đi. Cho đến năm H’ruk tròn 13 mùa rẫy thì cha mẹ bắt ở riêng với Alê Bhuar… Hóa ra đám cưới với ‘anh rể” kia là có thật – và chuyện lũ bạn trêu cũng là có thật ? Tưởng như ông trời trên đầu sụp xuống, đất dưới chân lộn nhào, H’ruk gào khóc nhưng chỉ có rặng núi xa mờ trước mặt nghe thấy mà thôi…

Vòng dây chung thân

Trở thành đàn bà năm 14 tuổi, H’rúc thấy mình như cây lúa đương thì bỗng bị bứt ngang thân. Cũng trong vòng xoay của cuộc sống như với mọi người đàn bà trong buôn nhưng sao H’ruk thấy nặng nề, ngột ngạt… Sáng lo cơm nước cho chồng, nếu phải cùng chồng lên rẫy thì H’ruk lùi lũi đi sau. Cô không dám đi cùng Bhuar để tránh những cái nhìn của đám trai làng. Lên rẫy, H’ruk vẫn chọn cho mình một góc riêng để tránh phải trò chuyện với chồng… Chiều về khi đã lo xong cơm nước, cô chỉ còn biết tựa cửa nhìn đám bạn tụ tập đàn hát, chọc ghẹo nhau. Dù ở khoảng cách xa, H’ruk vẫn cảm nhận được những ánh mắt đánh về phía cô nửa tò mò, nửa thương cảm. Một nỗi rạo rực bỗng trồi lên rồi tắt ngấm trong giày vò chát đắng… Khóc thầm cho tuổi xuân bị đánh cắp, điều khiến H’ruk cay đắng hơn là cô nhận ra mình không chút yêu chồng. Trước đây cùng sống với cả gia đình, H’ruk cảm thấy Bhuar ít nói, vẻ lầm lũi lạnh lùng nhưng cô không mấy quan tâm. Giờ sống chung, H’ruk mới hay đó là một thân cây cỗi cằn trước tuổi. “Đời người đàn bà như thanh củi, đã bỏ vào bếp lâu mau rồi cũng quấn được ngọn lửa thôi…”. Nhớ lời mí an ủi lúc đi ở riêng, H’ruk  đã cố tin nhưng bây giờ thì cô đã hiểu mình là thanh củi không bao giờ quấn lửa cùng Bhuar được. Nếu không dám rủ bỏ cuộc sống này thì cô sẽ như con trăng kia, cứ mỗi ngày mỗi hao gầy và chết chìm trong bóng đêm đen…

Và rồi 4 năm sau ngày sống chung với Bhuar, không còn chịu nỗi sự giày vò cay đắng mỗi ngày mỗi lớn, H’ruk đã chạy về nhà mẹ đẻ khóc nấc lên xin cho mình được bỏ chồng… Ngồi lặng như hóa đá một lúc thật lâu, người mẹ mới thốt lên những lời như nhuần trong nước mắt “Mí biết, nhưng giờ con đã có 2 con. Muốn bỏ Bhuar thì phải có 2 trâu hoặc 3 bò đền nhà chồng. Con có thì cứ việc chứ ma mí biết lấy đâu. Nếu không vì nghèo thì đã chẳng bắt con cột vào chỗ chị…”

…Mùa rẫy đi mau như giọt nước treo trên cây mỗi sớm. Bây giờ H’ruk đã là mẹ của 4 đứa con. Người buôn Tang có vẻ đã lãng quên chuyện thương tâm của một cô bé mới 10 tuổi đã phải vào vòng nối dây oan nghiệt. Thế nhưng với H’ruk, vết cắt trong lòng vẫn không thể liền da. Người đàn bà đã  40 tuổi này vẫn khát khao, vẫn đau đáu một nỗi niềm hạnh phúc… Còn Alê Bhuar giờ là người đàn ông đã qua tuổi ngũ tuần. Có lẽ cũng đã nhận ra không chỉ H’ruk, chính mình cũng là nạn nhân của luật tục; có vợ mà chưa bao giờ được vợ yêu, Bhuar ở luôn  ngoài  chòi rẫy không mấy khi về. Cái lầm lũi đến lạnh lẽo của con người già trước tuổi như càng bị tuổi tác vít nặng thêm… Hiếm hoi có một lần nào đi bên H’ruk, người ta lại có cảm giác đôi vợ chồng như hai dấu chấm câm lặng vì món nợ chưa trả hết của cuộc đời…

Tia nắng quái cuối chiều vàng vọt đã hắt vào khe bếp… Bên láng giềng những mí Vin, mí Hoành đang tất bật với bữa cơm chiều. Làn khói bếp xanh rì vương vấn trên mái tranh kia với H’ruk dường như là lời thổn thức của cõi lòng. Chị thẫn thờ nhìn những thanh củi lạnh tanh… Bếp lửa – với người đàn bà Jrai là biểu tượng của tình yêu và hạnh phúc gia đình. Khi hạnh phúc tan vỡ, người đàn bà vẫn tự tay mình đập bếp… Ngôn ngữ không lời của bếp lửa gia đình này đã chát đắng thêm trong tôi cùng tiếng thở dài của H’ruk “Làm đàn bà như mình sao khổ quá !”  

Nguồn: Gia đình Việt Nam