Dòng sự kiện:

Ăn dặm tự chỉ huy đem lại nhiều lợi ích cho trẻ

16:59 19/06/2015
Ăn dặm tự chỉ huy cũng được nhiều bà mẹ trẻ quan tâm bởi những lợi ích không nhỏ mà nó mang lại.

Độ tuổi khuyến cáo để mẹ cho trẻ bắt đầu ăn dặm trên nguyên tắc sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính trong năm đầu đời là 6 tháng. Tuy nhiên điều làm mẹ băn khoăn nhất là nên cho bé ăn dặm như thế nào? Thức ăn nào để khởi đầu? Hình ảnh quen thuộc khi bé há miệng thật to để mẹ đưa thìa cháo, rau quả nghiền nhuyễn trước kia đã và đang bị đẩy lùi bởi hình ảnh bé tự ăn những gì bé thấy thích thú, có hoặc không có thìa. Đây là phương pháp mới ở Việt Nam, nhưng không mới mà khá phổ biến ở nhiều nước châu Âu và châu Mỹ. Vậy đó là phương pháp gì và tại sao nó lại trở nên phổ biến như vậy? Hôm nay chuyên gia Molivse sẽ giới thiệu với các mẹ về phương pháp tiên tiến này.

Ăn dặm tự chỉ huy là gì?

Ăn dặm tự chỉ huy là phương pháp ăn dặm khá phổ biến ở các nước phương Tây. Trong phương pháp này, bố mẹ sẽ phải tạm quên đi các cách thức ăn uống truyền thống, tức là ăn bằng thìa, dĩa, đũa…, thay vào đó, bé sẽ được tự do dùng tay ăn bốc để đưa thức ăn bằng miệng. Nghe có vẻ ăn dặm tự chỉ huy thật quá mất vệ sinh và không văn minh, nhưng đây lại là một trong những phương pháp vừa giúp bé ngon miệng, lại vừa tạo niềm vui khám phá đồ ăn cho bé.


Bố mẹ nên bắt đầu từ đâu?

Bố mẹ có thể áp dụng phương pháp này cho bé vào thời điểm cả gia đình ăn tối. Hãy chuẩn bị cho bé một chiếc ghế vững chãi có gắn kèm bàn ăn, đeo yếm áo và cho bé thử sức với các món rau quả màu sắc bắt mắt mà vẫn nhiều dinh dưỡng như súp lơ, rau cải, cà rốt, chuối…. Mẹ cần chú ý đến độ mềm và độ thô của thức ăn, cắt thức ăn thành những miếng nhỏ để bé cầm dễ dàng.

Có thể giai đoạn đầu bé sẽ coi thức ăn là những món đồ chơi lạ, chơi đùa với chúng thay vì đưa vào mồm nhai. Bố mẹ cũng đừng quá sốc khi thấy cảnh tượng bé vò nát hay ném thức ăn. Bởi đơn giản bé đang tập làm quen và tò mò với những thức ăn lạ đặt trên bàn. Hãy cho bé thời gian và hãy kiên nhẫn chờ đợi, một thời gian ngắn sau khi làm quen bé sẽ tự biết thưởng thức đồ ăn bằng chính đôi tay của mình.

Bé được lợi gì khi ăn dặm theo phương pháp tự chỉ huy?

Có rất nhiều lợi ích để mẹ áp dụng phương pháp này cho bé ăn dặm, có thể kể đến như:

Thay đổi trọng tâm từ chú trọng số lượng thực phẩm bé ăn thành mở rộng cho bé trải nghiệm chế độ ăn, mục đích lúc này trở thành giới thiệu với bé các hương vị phong phú và thức ăn với những kết cấu khác nhau hơn là đảm bảo lượng dinh dưỡng tiêu thụ. Phương pháp giúp bé làm quen với thức ăn đặc nhanh hơn, ít tốn kém hơn. Thức ăn nghiền mất nhiều thời gian chế biến, hơn nữa một ngày mẹ sẽ phải làm nhiều bữa, nhiều loại thức ăn khác nhau cho bé và cả gia đình.

Phương pháp này giúp bé ăn một cách tự nhiên, phát triển nhiều kỹ năng cho bé : cách kiểm soát thức ăn với những kích thước, hình dạng và độ thô mịn khác nhau ngay từ đầu trên nguyên tắc tự xử lý và đưa vào miệng, vì thế bé nhanh chóng trở nên khéo léo khi tiếp cận nhiều loại thức ăn. Bé học được cách dùng lưỡi điều khiển thức ăn trong miệng và biết mình có thể đưa vào bao nhiêu là an toàn. Bé sẽ biết cách cắn thành miếng nhỏ để nhai, trong khi những em bé lớn hơn đã quen với việc được đút muỗng thường nhét quá đầy vào miệng khi lần đầu tiên được phép tự ăn. Việc học nhai hiệu quả tạo điều kiện cho bé tiếp nhận được mọi dưỡng chất cần thiết và cũng hỗ trợ cho vấn đề tiêu hóa của bé. Tập nhai sớm khi đã sẵn sàng giúp bé phát triển các cơ mặt cần thiết khi bé học nói.

BLW giúp bé phát triển thói quen ăn uống lành mạnh, điều này đòi hỏi ba mẹ phải có chế độ ăn khoa học để ảnh hưởng tốt đến bé ngay từ giai đoạn này.

BLW giúp bé phát triển khả năng tiếp cận qua việc để bé tập điều phối tay và mắt mỗi lần sử dụng ngón tay đưa thức ăn vào miệng. Ngoài ra, việc thử nghiệm những món ăn thú vị với kích cỡ và độ thô mịn khác nhau hàng ngày sẽ làm tăng sự khéo léo của bé.


Phương pháp này có gây phiền toái gì cho bé và gia đình?

Hầu hết các ông bố bà mẹ đều phàn nàn về việc mất thời gian dọn dẹp bãi “chiến trường” của bé sau mỗi giờ ăn dặm theo phương pháp tự chỉ huy. Không những nhà cửa mất vệ sinh, thức ăn cũng rơi vãi rất nhiều và rất lãng phí. Chưa kể đến có quá nhiều bé thích ném thức ăn xuống sàn thay vì đưa vào mồm, không hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng trong món ăn. Tuy nhiên, các mẹ cũng đừng quá lo lắng bởi sữa vẫn là nguồn thực phẩm chủ yếu trong giai đoạn ăn dặm. Ăn dặm đơn giản chỉ là cho bé được làm quen với mùi vị của các thực phẩm khác ngoài sữa, tạo nền tảng cho bé sau này.

Bé có gặp nguy hiểm gì không?

Tắc nghẽn đường thở ở trẻ là nỗi lo lắng thường trực của các ông bố bà mẹ. Bố mẹ càng lo lắng hơn khi bé thỏa sức cho đồ ăn vào miệng như trong phương pháp ăn dặm tự chỉ huy. Liệu bé có phấn khích quá đến nỗi vơ hết đồ ăn vào mồm?

Để loại trừ khả năng bé bị nghẹn hay bị hóc thức ăn dẫn đến tắc nghẽn đường thở, bố mẹ nên cho bé ngồi ăn và thức ăn nấu mềm tùy vào độ tuổi của bé. Cẩn thận hơn, có thể cho bé từng chút thức ăn một, ăn hết mới cho bé tiếp. Luôn ghi nhớ không để bé ngồi ăn một mình, luôn theo dõi bé trong suốt quá trình ăn, để không xảy ra bất cứ sự việc nào đáng tiếc cho bé.

VŨ NGA (Tổng hợp)/Theo ĐSPL