Dòng sự kiện:

Ăn dặm và những ngộ nhận phổ biến khiến trẻ suy dinh dưỡng

14:51 24/08/2016
Cất công chọn thực phẩm an toàn, bổ dưỡng cho con nhưng lại để mất chất do bảo quản, chế biến sai quy cách... khiến trẻ suy dinh dưỡng, chậm lớn.

Ở giai đoạn 6 tháng tuổi, cơ thể bé đã sẵn sàng cho việc đón nhận dinh dưỡng từ các thực phẩm khác ngoài sữa mẹ để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo với nhiều hoạt động và cần nhiều năng lượng hơn. Lúc này mẹ cần cho bé tập ăn dặm, để cho bộ máy tiêu hóa của bé thích nghi dần bằng cách tập cho bé ăn dặm bắt đầu từ dạng ngọt như bột sữa được pha từ loãng đến đặc. 

Tuy nhiên, nhiều bà mẹ đang cho con ăn dặm sai cách do chưa tìm hiểu kỹ hoặc chưa có kinh nghiệm khiến trẻ còi xương, chậm lớn và suy dinnh dưỡng. Dưới đây là những ngộ nhận phổ biến khi cho con ăn dặm khiến trẻ suy dinh dưỡng:

1. Thực phẩm an toàn nhưng bảo quản, chế biến sai quy cách

Ngày càng nhiều mẹ có xu hướng tìm kiếm nguồn thực phẩm sạch, có nguồn gốc an toàn cho con. Tuy nhiên, vì nguồn thực phẩm này không dễ kiếm nên nhiều mẹ có thói quen mua dồn, tích trữ để sử dụng đến 1-2 tuần cho bé. Trong khi đó, thịt cá hay rau củ quả bảo quản trong tủ lạnh lâu ngày sẽ bị hao hụt dinh dưỡng, thậm chí, biến chất gây hại cho bé.

Dinh dưỡng cho bé ăn dặm không hề đơn giản. Từ khâu sơ chế, đến kết hợp, chế biến đều đòi hỏi các mẹ phải thực hiện đúng cách mới bảo toàn dinh dưỡng và thực sự an toàn cho trẻ. Chọn nguồn nguyên liệu sạch thôi chưa đủ, các mẹ còn phải trang bị cho mình kiến thức về dinh dưỡng, nấu ăn một cách khoa học nữa.

2. Kết hợp nhiều loại thịt trong một bữa

Thịt bò, thịt heo, thịt gà, tôm… thường được mẹ kết hợp trong cùng một bữa ăn cho bé với suy nghĩ càng nhiều dinh dưỡng càng tốt. Không phủ nhận các loại thực phẩm trên rất giàu protein và chất dinh dưỡng. Protein có vai trò quan trọng trong việc phát triển cơ bắp, máu, bạch huyết, hormone, men, kháng thể, các tuyến bài tiết và nội tiết. Tuy nhiên việc kết hợp nhiều loại đạm trong cùng một bữa ăn cho trẻ dễ dẫn đến tình trạng “quá tải” cho hệ tiêu hóa còn non nớt của bé.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, trong độ tuổi ăn dặm, mỗi bữa ăn chỉ nên gồm một loại đạm. Thịt bò giàu protein hơn các loại khác nên chỉ cho bé dùng khi từ 8 tháng tuổi trở lên. Điều quan trọng là phải cân đối đủ các nhóm chất: Bột đường, đạm, béo, vitamin, khoáng chất và chất xơ để bé đầy đủ dinh dưỡng. Do đó, ngoài thịt cá, thực đơn cho bé ăn dặm cần được bổ sung thêm nhiều loại rau củ quả, trái cây, đậu, hạt,…

3. Trẻ ăn càng nhiều càng tốt

Với tâm lý “hay ăn sẽ chóng lớn”, nhiều mẹ thường cố ép trẻ ăn càng nhiều càng tốt. Đây là quan niệm “phản khoa học” bởi vào mỗi tháng tuổi, bé có nhu cầu về năng lượng khác nhau. Việc ép ăn nhiều không những ảnh hưởng đến dạ dày của trẻ mà còn sinh ra tâm lý sợ, chán ăn khiến quá trình ăn uống của bé sẽ trở nên khó khăn hơn. Mẹ chỉ cần cung cấp đủ năng lượng cần thiết cũng như cân đối các nhóm chất dinh dưỡng trong bữa ăn là đủ. 

4. Bỏ qua các loại thực phẩm ăn dặm chế biến sẵn

Rất nhiều mẹ vẫn nghĩ chỉ cháo nấu tại nhà mới là nguồn thực phẩm tốt nhất mà thờ ơ với các sản phẩm đóng gói ăn liền chuyên dành cho bé ăn dặm.

Trái ngược với suy nghĩ trên, các sản phẩm dành cho bé ăn dặm của các nhà sản xuất uy tín có rất nhiều lợi điểm. 

Sự đa dạng về chủng loại, hương vị của các sản phẩm này có thể giúp bé đổi vị, thêm yêu thích bữa ăn của mình hơn. Với các sản phẩm này, mẹ vừa tiết kiệm được nhiều thời gian lựa chọn đồ, chuẩn bị và nấu nướng mà vẫn đảm bảo cho con một bữa ăn hoàn thiện, đủ chất và an toàn.

Theo Khám phá

Nguồn: Gia đình Việt Nam