Dòng sự kiện:

Bà Hiệu trưởng và câu chuyện đạo đức “thất thủ”!

Câu chuyện của bà Tạ Thị Bích Ngọc - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) hôm nay, chính là hệ quả của cách xử lý bà Ngọc hôm xưa mà thành.

Cháu Trần Chí Kiên bị gãy rời xương chân. Ảnh: VNN/I.T

Tôi theo nghề báo đã hơn mười một năm, chưa bao giờ tôi lại phải bối rối để kiềm chế sự phẫn nộ khi viết một bài báo như thế này.

Khi gia đình phụ huynh của cháu bé bị xe taxi đâm gẫy chân trong sân trường tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) tuyệt vọng gửi đơn đến các toà soạn báo kêu cứu, tôi đã lờ mờ nghĩ về những khuất tất từ phía nhà trường. Tôi tin, trẻ con không biết nói dối và nếu có nói dối cũng không qua mặt được người lớn. Quan trọng hơn, tôi tin vào linh cảm làm cha mẹ khi nghe lời kể của đứa con ấu dại. Tuy nhiên, đó mới là câu chuyện một phía.

Thế nên, lúc bà Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên, Tạ Thị Bích Ngọc khẳng định nội quy của trường không cho xe ô tô lưu thông vào trường, vì vậy việc cháu bé bị taxi đâm gẫy chân là “không thể xảy ra”. Để khẳng định sự trong sạch, bà Ngọc còn cũng cấp phiếu khảo sát với 100% kết quả khẳng định “không có xe taxi chạy vào trường, cháu bé tự té ngã”. Thời điểm ấy, tôi hiểu chuyện gì đã xảy ra ở trường Tiểu học này, nhưng khẩu thuyết vô bằng.

Bởi với chi tiết phát phiếu khảo sát nhằm đổ lỗi cho cháu bé, đó chính là lá đơn tố cáo sự dối trá của bà Ngọc. Quan trọng hơn, đó là tình tiết minh định bà Ngọc sử dụng vị trí Hiệu trưởng của mình một cách tuỳ tiện, vô lối thế nào.

Và bức "tâm thư" gọi là để minh oan cho bà Tạ Thị Bích Ngọc.

Nhưng, tất cả chỉ dừng lại ở mức trực giác.

Rồi may mà Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có chỉ đạo vụ việc. Cũng may mà, vợ của người lái taxi đã lên tiếng. Và may hơn nữa, vẫn còn những cá nhân trong hệ thống chính quyền Thủ đô không bảo vệ cho cái xấu, sự giả dối. 

Tôi thông cảm (mặc dù không đồng thuận) với cái cách của những giáo viên ở trường Tiểu học Nam Trung Yên khi họ vì một nỗi lo sợ áo cơm nào đó phải im lặng. Tuy nhiên, như Martin Luther King - nhà hoạt động nhân quyền Mỹ gốc Phi, đã đạt giải Nobel Hòa Bình năm 1964 kết luận: “Trong thế giới này, chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu, mà vì còn sự im lặng đáng sợ của cả những người tốt”. 

Bây giờ thì bà Ngọc đã thừa nhận hôm ấy có xe taxi vào trường, chiếc taxi chở bà đi khám bệnh về lại trường. Bây giờ thì bà cũng đã thừa nhận cháu bé không tự té ngã mà là do bị taxi đâm. Bây giờ thì bà Ngọc đã thừa nhận nhiều thứ, thế nhưng, có lẽ là do đặc tính con người, bà Ngọc vẫn đang đổ vấy cho người khác, từ chuyện lúc taxi đâm cháu bé bà không biết gì, do bà mệt nên đã ủy quyền cho giáo viên chủ nhiệm theo dõi tình trạng sức khỏe của cháu bé.

Thú thật, tôi chưa thấy một nhà giáo nào nói dối và trơ trẽn đến vậy sau mọi chuyện như bà Tạ Thị Bích Ngọc.

Bà Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc. I.T

Tôi không ngạc nhiên vì sao vẫn còn có ai đó nhân danh là giáo viên gửi tâm thư mong giữ lại bà Ngọc làm hiệu trưởng, bởi xưa nay, chuyện ngưu mã tầm nhau, bè đảng kết băng nhóm, là chuyện vẫn thường xảy ra.

Trước khi làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên, bà Ngọc từng làm Hiệu trưởng một trường tiểu học khác. Và bà mắc vi phạm khi “lập quỹ đen từ tiền cắt bớt khẩu phần ăn của 400 học sinh bán trú”. Đó là một hành vi có thể truy tố, vậy mà không hiểu sao bà Ngọc lại được điều chuyển về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên thay vì bị xử lý.

Rõ ràng, cái sẩy nảy cái ung, một khi cái xấu được bảo vệ thì nó sẽ ngày càng hoành hành để tạo ta những cái xấu khác lớn hơn cái xấu ban đầu. Bà Ngọc là một điển hình.

Cho đến giờ, bà Ngọc vẫn chưa một lần tỏ ra hối hận vì hành động, lời nói của mình. Và cho đến giờ, Phòng Giáo dục Quận Cầu Giấy, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội vẫn chưa nhận thấy mức độ nghiêm trọng của vụ việc trong lĩnh vực của họ do bà Ngọc gây ra. Đó là niềm tin bị đánh cắp, là đạo đức bị đánh cướp, là giáo dục bị đánh gục.

Câu chuyện của bà Ngọc hôm nay, chính là hệ quả của cách xử lý bà Ngọc hôm xưa mà thành.

Đạo đức thất thủ hoàn toàn, có căn nguyên từ những cá nhân bất chấp đúng sai, bất chấp pháp luật, bất chấp các quy chuẩn xã hội để bảo vệ cho bà ấy.

Ngoài bà Ngọc, có lẽ cũng phải tính đến chuyện ai đã ký công văn điều chuyển một cá nhân như bà Ngọc về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên.

Đơn giản, dung dưỡng cho cái xấu chắc chắn cũng là người xấu.

Nguồn: Gia đình Việt Nam