Dòng sự kiện:

Bagan, trong sương hồng hiện ra

Yến Anh
06:17 04/01/2019
Trong tiếng móng ngựa lõ lọc cọc trên đường nhựa, giữa những tia nắng đầu tiên ngọt ngào chiếu trên những giọt sương hồng, cố đô Bagan hiện ra với hàng trăm ngôi đền, chùa dọc đường chúng tôi đi, đẹp như trong chuyện cổ tích.

 Một góc Bagan. Ảnh Chit Swann Thu

Tôi bay từ Hà Nội đến Yangon trong chuyến bay chiều, sau đó đến cố đô Bagan trên chuyến xe bus đêm lúc 9 giờ của hãng Famous Travelle Express.

Di sản vĩ đại

Đón chúng tôi ở bến xe Bagan lúc 6 giờ sáng là những bác tài nhiệt tình, hơi thở nồng nặc mùi rượu (chắc dùng rượu để chống chọi lại đêm lạnh). Thay vì chọn taxi về khách sạn Sincere Smile ở New Bagan, chúng tôi quyết định lên xe ngựa, thử cảm giác trải nghiệm một thứ phương tiện thú vị. Và thật sự là thú vị, trong tiếng móng ngựa lõ lọc cọc trên đường nhựa, giữa những tia nắng đầu tiên ngọt ngào chiếu trên những giọt sương hồng, cố đô Bagan hiện ra với hàng trăm ngôi đền, chùa dọc đường chúng tôi đi, đẹp như trong chuyện cổ tích.

Bagan hiện dần sau làn sương hồng với những đền đài cổ kính. Ảnh Hong Shurany

Là nơi hội tụ những công trình kiến trúc đền chùa độc đáo nhất Đông Nam Á, cố đô Bagan (có diện tích 42km2, nằm trên bờ của dòng sông Ayeyarwaddy) từng là kinh đô của vương quốc Pagan, tồn tại từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIII, miền Trung Myanmar ngày nay. Vào giữa thế kỷ thứ IX dưới thời Vua Anawratha, người đã thống nhất Myanmar theo Phật giáo Nguyên thủy, Bagan chính thức trở thành trung tâm vương quốc này. Trong suốt 250 năm, từ khoảng giữa thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XIII, trong thời kỳ chuyển tiếp từ Phật giáo Đại thừa sang Phật giáo Theravada, nhà cầm quyền Bagan và tầng lớp giàu có đã xây dựng trên 10.000 di tích tôn giáo ở vùng đồng bằng Bagan. Thành phố phát triển thịnh vượng, trở thành một trung tâm lý tưởng để nghiên cứu tôn giáo và thế tục. Tu sĩ và học giả từ những nơi xa xôi như Ấn Độ, Tích Lan cũng như đế quốc Khmer cũng đến Bagan để nghiên cứu ngôn điệu, ngữ âm, ngữ pháp, chiêm tinh học, giả kim thuật, y học và pháp luật.

Bagan đẹp huyền diệu với hơn 2000 ngôi đền - chùa còn sót lại. Ảnh Chit Swann Thu

Thời hoàng kim của Bagan kết thúc năm vào 1287, khi vương quốc Pagan và thủ đô bị quân Mông Cổ xâm lược. Những cuộc tàn sát đã khiến dân số của vương quốc này chỉ còn lại bằng khoảng một làng trước khi bị xâm lăng. Các di tích tôn giáo mới vẫn được xây dựng đến giữa thế kỷ XV, nhưng sau đó các công trình chỉ được xây dựng một cách rất  hạn chế.

Trải qua hàng thế kỷ, Bagan hiện còn lưu giữ được hơn 2.000 ngôi đền chùa. Những di tích còn sót lại của Bagan được cho là có thể sánh ngang với hai quần thể đền tháp nổi tiếng là đền Angkor Wat của Campuchia và đền Borobodur ở miền Trung đảo Java, Indonesia. 

Thành phố của bình minh

Đến Bagan, có lẽ trải nghiệm thú vị nhất là ngắm thành phố hiện ra trong làn sương hồng mỗi buổi bình minh.

Bình minh Bagan nhìn từ tháp Shwesandaw. Ảnh Lan Anh

Tôi có ba buổi sáng ngắm bình minh Bagan ở ba nơi khác nhau, một lần trên con đường dài mờ hơi sương, một lần trên tháp Shwesandaw và một lần trên một ngọn đồi. Cách độc đáo nhất để ngắm bình minh ở Bagan là bay trên những khinh khí cầu. Hãy hình dung trong buổi sớm mai mờ ảo và bí ẩn, từ trên cao, bạn có thể chiêm ngưỡng cảnh hàng nghìn ngôi đền chùa từ từ thoát khỏi bóng đêm, hiện ra dưới ánh nắng rực rỡ của mặt trời hồng. Chói loá, lộng lẫy. Nhưng bù lại, bạn sẽ phải bỏ ra một số tiền không nhỏ là hơn 300 USD/ 1 người cho 1 lần bay dài khoảng 45 phút.

Bình minh là một "đặc sản" của Bagan. Ảnh Si Thu

Cách thứ hai, phổ thông và đương nhiên được số đông du khách lựa chọn là leo lên những ngôi đền cổ để ngắm toàn cảnh bình minh từ trên cao. Ở góc này du khách vẫn có thể chiêm ngượng toàn cảnh cố đô và ngắm nhìn những chiếc khinh khí cầu bay cùng ánh bình minh đầu tiên. Ba ngôi đền cổ được khách du lịch chọn ngắm bình minh nhiều nhất là Shwesandaw, Tayonke Payay và Payathozu. Ngày thứ hai ở Bagan, tôi cũng chọn theo cách ấy. Ngày thứ ba, hai người bạn mới ở Bagan đưa chúng tôi lên ngọn đồi Min Nan Thu, cũng là nơi khá quen thuộc để ngắm bình minh của Bagan. Giữa cái không gian mênh mông của một thành phố trầm mặc, thỉnh thoảng một đàn chim vút bay ngay trên đầu, bạn sẽ thấy thật tuyệt vời được sống ở thành phố này. Nơi mà dù thế giới bên ngoài có sôi động đến đâu thì nó vẫn bình yên và tĩnh lặng, nằm ngoài mọi lo âu, toan tính của đời sống, như đã ngủ quên trong quá khứ từ cả nghìn năm rồi.

Vẻ đẹp riêng có của bình minh Bagan. Ảnh Chit Swann Thu

Khám phá vẻ đẹp huyền diệu

Với những người ưa khám phá vẻ đẹp hoang sơ, hoàng hôn ở Bagan cũng rất thú vị . Chỉ trong hai phút, bạn sẽ cảm nhận được sự có mặt và biến mất của một điều gì đó.

Hoàng hôn Bagan. Ảnh Lan Anh

Và bỗng nhiên, bạn sẽ thấy thật yêu quý những gì mình đang nắm giữ, yêu quý cuộc sống giản dị biết chừng nào. Cái cảm giác nhẹ nhàng ấy cũng xuất hiện khi bạn đến hầu hết các ngôi chùa – đền mang nét đẹp huyền diệu qua thời gian với những bức tượng Phật khổng lồ nơi bạn dừng chân ở Bagan. Từ chùa Shwezigon (công trình tôn giáo nổi tiếng nhất và đẹp nhất ở Bagan, được cho là nơi cất giữ xương trán và xương đòn của Đức Phật) đến đền Htilominlo, đền Ananda. Thậm chí là đứng trên một ngôi tháp bỏ hoang, nhìn sang đền Dhammayangyi, ngôi đền lớn nhất ở Bagan với quá khứ đen tối giết vua, anh trai và cuối cùng chính mình bị ám sát của vua Narathu…bạn cũng sẽ không thấy màu của đau thương mà chỉ là cảm giác của sự huyền bí.

Nét đẹp hoang sơ của thành phố nghìn năm tuổi. Ảnh Hong Shurany

Không chỉ ghi dấu ấn bằng vẻ đẹp bí ẩn nghìn năm, Bagan còn ghi điểm với du khách bằng sự tử tế, tốt bụng và chân thành của người dân thành phố di sản. Mỗi người dân ở đây có thể coi như một đại sứ du lịch, ngay cả khi họ nồng nặc mùi rượu trong người. Và có thể đồ ăn ở Bagan không hợp khẩu vị của bạn, nhưng sự nhiệt tình đáng mến của người Bagan có thể làm bạn quên đi điều đó, để một lúc nào đó, bạn tự hỏi, bao giờ sẽ quay lại xứ cổ tích này?

Khám phá Bagan. Ảnh Chit Swann Thu

Những năm 1990, Chính phủ Myanmar đã nỗ lực để khôi phục lại rất nhiều những ngôi chùa bị hư hỏng, xuống cấp, nhưng do cách phục chế, trùng tu không thực hiện theo quy định quốc tế nên Bagan từng bị UNESCO từ chối công nhận thành phố trở thành Di sản Thế giới.

Trận động đất hồi cuối tháng 8-2016 đã khiến hàng trăm ngôi đền - chùa ở Bagan bị hư hại. Nhưng trận động đất ấy cũng giúp người ta nhận ra một điều: những công trình bị thiệt hại nặng chủ yếu là những công trình mới xây trong vòng 20 năm trở lại đây. Ở Bagan, hiện người ta không còn xây dựng những ngôi chùa mới, thời đại của bê tông cốt thép dường như cũng đã qua đi, trả lại cố đô vẻ đẹp cổ kính mê hoặc lòng người.