Dòng sự kiện:

Bài học đắt giá từ người mẹ bắt con chờ xe bus dưới trời âm 3 độ C

Theo VnExpress
20:18 22/03/2017
Bốn mẹ con đứng giữa cơn mưa lạnh chờ xe bus và từ chối bất cứ lời mời đi nhờ xe nào để con học được rằng không đi theo người lạ.

Bài viết là chia sẻ của chị Lâm Thị Huế, 30 tuổi, đang sinh sống tại Paris (Pháp) với mong muốn chia sẻ một bài học hay về cách dạy con bảo vệ bản thân.

Những ngày qua Facebook của tôi ngập trong những bài viết xâm hại tình dục ở Việt Nam. Tôi cũng như bao người Việt sống xa quê lại thấy tim mình nhói lên.

Tôi có một cô bạn Việt Nam cùng lớp cấp 1 ngày xưa. Bạn có một bé gái rất xinh xắn. Tình yêu con khiến bạn suốt ngày chụp ảnh lên Facebook. Có hôm chụp cả ảnh con bé không mặc gì. Hồi về nước đầu 2016 tôi đến nhà chơi. Bé nhà bạn rất dạn người, sà ngay vào lòng tôi khi chưa được phép của bố mẹ. Bạn còn khoe nuôi bé rất nhàn. Toàn để con tự chơi, vứt đâu cũng được. Tôi thấy thật nguy hiểm!

Ở Pháp, cha mẹ không bao giờ để con chơi một mình khi không có người thân bên cạnh, kể cả đó là những bé 8-16 tuổi.

Tôi vẫn nhớ mãi một buổi tối mùa đông 2015. Đó là một hôm mưa rất to, trời lạnh khủng khiếp. Chạy xe trên đường lúc 8h tối mà đường rất vắng. Chợt tôi thấy bên lề đường có một người mẹ Pháp và 3 đứa trẻ đang đợi xe bus. Thương các cháu bị ướt, tôi dừng xe xuống mời bốn mẹ con lên xe. Lúc đó tôi vô tư, chỉ muốn giúp đỡ.

Ngay câu đầu tiên người mẹ lịch sự cảm ơn và từ chối. Chị nói, tôi là người tốt bụng nhưng hãy thử tưởng tượng sau này con tôi đi một mình và có người mời lên xe thì sao? Vì thế chị bắt con đứng đợi cho đến khi xe bus tới là để các con học được rằng, không lên chiếc xe người lạ nào, kể cả thấy họ rất tốt.

Tôi lấy chiếc dù trong xe tặng chị. Chị cầm với ánh mắt trìu mến và cảm ơn tôi nhiều lần. Trên đường về tôi mới ý thức được việc mình giúp đỡ chưa chắc đã là điều tốt cho các em. Cách của người mẹ là sáng suốt để các con tránh những kẻ bắt cóc hay lạm dụng tình dục.

Năm đi lớp 3 tuổi, con chị Huế đã hoàn toàn tự thay đồ, đi vệ sinh và lau rửa cho mình. Ảnh: NVCC.

Sống ở Pháp vài năm, tôi cũng học được ít nhiều cách dạy con tuyệt vời của các bà mẹ ở đây. Họ được xem là những bà mẹ "chảnh", vô cùng nhàn trong việc nuôi dạy con. Nhưng trước khi đạt đến điều đó, họ có những nguyên tắc bất di bất dịch và áp dụng dạy con tự lập từ rất sớm.

Con tôi 8 tháng tuổi đã tự cầm đồ ăn. Lần về Việt Nam 14 tháng tuổi, cháu tự xúc ăn và hoàn thành bữa của mình trong 15 phút. Trong khi con các anh chị, họ hàng tôi vẫn còn phải cầm bát chạy theo cả tiếng không xong.

Các trường nơi tôi ở sẽ không nhận đứa trẻ 3 tuổi đi lớp mà chưa bỏ bỉm. Vì thế khi con hơn 2 tuổi, tôi đã huấn luyện cháu. Đầu tiên tôi tập cho con bỏ bỉm ban ngày. Khi nào đi vệ sinh thì giậm chân và nói cho mẹ biết. Lần đầu con chưa kịp chạy tới bên mẹ đã tè ra nhà rồi. Lúc đó tôi nghiêm mặt nói: "Con có biết làm vậy là xấu hổ lắm không?". Mặt bé con mếu máo vì biết mình làm sai.

Bằng những chỉ dẫn và khích lệ kịp thời, trong những ngày sau con gái tôi đã biết tự tìm đến bô khi có nhu cầu. Sau 5 ngày con biết đi vệ sinh tự chủ và từ đó hoàn toàn bỏ bỉm cả ngày lẫn đêm.

Cũng từ đó, tôi bắt đầu dạy con bài học "Cơ thể con là của riêng con". Mỗi lúc tắm, tôi nói, chỉ có bố mẹ được đụng vào vùng kín của con. Tôi cũng bày ra rất nhiều tình huống và dạy con cách nói từ "Không" khi có bất cứ ai chạm vào những điểm nhạy cảm trên cơ thể. Khi có người lạ cho bánh, kẹo, đồ chơi, cũng nói "Không" và chạy đến chỗ đông người.

Nhà trường ở Pháp dạy cho các em tự mặc đồ, tự đi vệ sinh, tự lau chùi và không ai được đụng vào vùng kín của các em, kể cả các cô giáo. Nhiều khi ở lớp con lau không sạch thì đợi đến khi về nhà mẹ tắm rửa và lau chùi lại cho con.

Với sự kết hợp của gia đình và nhà trường, bài học "cơ thể trẻ chỉ thuộc về trẻ" đã được các con tiếp nhận một cách tự nhiên. Ngay từ nhỏ trẻ đã có niềm tin tự bảo vệ bản thân.

Mỗi ngày đi học về tôi đều trò chuyện, hỏi han để nắm bắt kịp bất cứ điều gì lạ của bé. Nếu có xảy ra trường hợp không may mắn, người lớn chúng ta cần trấn an con và nói đó không phải là lỗi của con. Đó chỉ là một tai nạn trong đời. Ngay sau đó đưa bé đi xét nghiệm các bệnh lây lan qua đường tình dục. Việc xử lý kẻ thủ ác thế nào là của người lớn, không cần nói với trẻ.

Sẽ chẳng có nơi nào an toàn tuyệt đối với bé. Vậy nên chỉ có thể dạy con kỹ năng đối mặt.

Nguồn: Gia đình Việt Nam