Dòng sự kiện:

Bạn có dám để cho con mình "học dốt" và trở nên sáng tạo không?

03:00 16/02/2016
Bạn, với tư cách là phụ huynh, có dám để cho con mình "học dốt" và trở nên sáng tạo không? Hãy thành thực, bạn nhé.

 

 

 

 

Trong một bài viết mới đây, nhà giáo dục Nguyễn Tuấn Hải đã chia sẻ quan điểm về việc làm cách nào để nào nuôi dạy con trẻ trở nên sáng tạo?

Bài viết của anh được sự quan tâm của rất nhiều bậc phụ huynh:

Các quốc gia phát triển bậc nhất thế giới chưa bao giờ dựa vào việc học giỏi để phát triển cả. Nếu xét về học giỏi, có lẽ, không dân tộc nào qua mặt được Trung Quốc. Bạn có học cách gì cũng không thể sánh được với họ về điểm số.

Vậy mà Trung Hoa vẫn đứng bên lề của văn minh nhân loại, bất chấp họ có một nền tảng văn hóa và tư tưởng rất cao.

Chúng ta phải làm gì để có thể trở nên phát triển và văn minh như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore?

Không có cách nào khác là phải dạy cho trẻ học tập để trở nên sáng tạo?

Bạn, với tư cách là phụ huynh, có dám để cho con mình "học dốt" và trở nên sáng tạo không?

Hãy thành thực, bạn nhé.

Trong status đầu xuân về chủ đề học tập này, tôi sẽ phân tích chi tiết để bạn có thể tìm thấy cho mình một phần sự thật để dám thay đổi mình, cho con mình.

Với tư cách là phụ huynh, có dám để cho con mình "học dốt" và trở nên sáng tạo không?

Chúng ta xem xét trường hợp của nước Mỹ, trong đó có giải thưởng uy tín bậc nhất dành cho học sinh THPT xuất sắc về khoa học: Westinghouse Science Talent Search.

Từ 1942 cho tới 1994, giải thưởng này đã vinh danh hơn 2000 tài năng thiếu niên Mỹ, nhưng chỉ có 1% là có sự nghiệp khoa học tại National Academy of Sciences và chỉ có 8 người giành Nobel. Còn lại rất nhiều đã không thể phát huy được tiềm năng của mình.

Những đứa trẻ thông minh thiên bẩm hiếm khi trở thành các thiên tài lớn tuổi sau này. Họ đã thiếu các kỹ năng về xã hội và cảm xúc để có thể trưởng thành trong nghề nghiệp và xã hội. Không ít các em nhỏ được coi là tài năng (cao hơn cả mức tiềm năng) lớn lên mà phải chịu các vấn đề về tâm lý và cảm xúc.

Điều gây cản trở cho họ chính là việc họ đã không học tập để trở nên sáng tạo. Họ cố gắng để làm hài lòng cha mẹ và dành được sự ngưỡng mộ của thầy cô và bạn bè. Khi những đứa trẻ "tài năng" mài đít quần để giải bài tập thành thợ và thành thần, có một điều không ngờ tới đã xảy đến: Luyện tập khiến bạn trở nên hoàn hảo nhưng không tạo ra điều mới mẻ.

Những đứa trẻ tài năng học chơi Mozart nhưng lại không được học sáng tác những khúc nhạc của riêng mình, chúng tập trung năng lượng vào việc "ngốn" cả mớ kiến thức khổng lồ chứ không phải vào việc đào sâu suy nghĩ.

Chúng biết mà không có hiểu.

Chúng học cách tuân thủ các quy tắc đã được mã hóa hơn là sáng tạo ra cái của riêng mình. Các nghiên cứu và thực tế giáo dục cho thấy: những đứa trẻ sáng tạo nhất lại là những đứa ít dành được ưu ái của thầy cô nhất. Chúng sẽ giữ những ý tưởng sáng tạo và độc đáo cho riêng mình chúng thôi.

Vào tuổi trưởng thành, những đứa trẻ học hành giỏi giang sẽ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của chúng và trở thành lãnh đạo trong tổ chức của mình. Nhưng chúng không trở thành các cá nhân sáng tạo mang tính cách mạng và đổi mới khi mà chúng chỉ áp dụng khả năng của mình bằng cách tạo ra các thành công trong công việc chứ không tạo ra được các đột phá: chúng trở thành bác sỹ chữa trị cho bệnh nhân mà không chiến đấu để sửa chữa các vấn đề của hệ thống y khoa yếu kém hoặc trở thành luật sư biện hộ cho thân chủ nhưng không có sự nỗ lực hay suy nghĩ gì về việc phải thay đổi luật pháp...

Nếu bạn dám dạy con bạn trở nên thông minh, hãy cùng tôi tìm hiểu vấn đề: làm cách nào để nào nuôi dạy con trẻ trở nên sáng tạo?

Một nghiên cứu đã so sánh các gia đình được coi là sáng tạo và các gia đình không phải như vậy và thấy rằng: các gia đình thông thường có trung bình 6 quy tắc các loại buộc trẻ phải tuân thủ ví dụ như các loại lịch công việc và giờ ngủ trong khi các gia đình sáng tạo chỉ có trung bình 1 quy tắc mà thôi.

Sáng tạo rất khó để nuôi dưỡng nhưng quá dễ để ngăn cản và bằng cách hạn chế các quy định, cha mẹ sẽ khuyến khích bọn trẻ biết cách tự suy nghĩ. Chúng ta cần nhấn mạnh hơn vào các giá trị về đạo đức khi dạy trẻ hơn là các quy tắc.

Tuy nhiên ngay cả với các giá trị về đạo đức thì cha mẹ cũng không được áp đặt lên con mình. Khi các nhà nghiên cứu về tâm lý tìm hiểu về các kiến trúc sư sáng tạo nhất của nước Mỹ với các bạn đồng nghiệp xuất sắc về kỹ năng nhưng không sáng tạo của họ, có một điều độc đáo về cha mẹ của các kiến trúc sư này : sự phát triển các quy tắc đạo đức riêng của các con đã được coi trọng đặc biệt.

Tuy nhiên các cha mẹ này luôn khuyến khích con mình theo đuổi sự xuất sắc và thành công với điều kiện: phải tìm được niềm vui trong công việc từ học tập cho tới nghề nghiệp. Bọn trẻ được trao tự do để thiết lập các giá trị riêng của chúng và khám phá ra cho bằng được các đam mê cá nhân. Điều đó sẽ là nền móng để chúng trưởng thành và trở nên sáng tạo.

Hãy nhìn vào các nhạc sỹ, nghệ sỹ, vận động viên và các nhà khoa học tầm cỡ thế giới, chúng ta sẽ thấy là cha mẹ họ không mơ về việc nuôi dạy con thành các siêu sao như vậy. Họ chỉ khích lệ và hỗ trợ khi con cái thể hiện niềm đam mê: Mozart thể hiện đam mê âm nhạc trước khi học nhạc, Mary Low Williams tự học piano, Itzhak Perlman bắt đầu tự học violin sau khi bị từ chối bởi trường âm nhạc.

Kể từ khi Malcolm Gladwell đưa ra lý thuyết 10000 giờ thực hành, rất nhiều người tán đồng nhưng đồng thời nhiều tranh cãi cũng được dấy lên khi họ cho rằng số giờ này tùy thuộc vào từng lĩnh vực và tùy từng con người và liệu việc luyện tập nhiều có phải là tốt không?

Tôi thì cho rằng: chúng ta càng luyện tập nhiều theo kiểu giải bài tập thì chúng ta càng cứng nhắc trong suy nghĩ khi các lối mòn cứ hình thành và bám rễ trong não của chúng ta. Đi một lối đi mới là 1 điều "đáng sợ" khi các quy tắc và quy luật của trò chơi bị thay đổi.

Và điều gì thúc đẩy con người luyện tập một kỹ năng hàng ngàn giờ? Chỉ có thể là đam mê được phát hiện qua sự tò mò tự nhiên, và được nuôi dưỡng qua trải nghiệm rộng và thú vị từ rất sớm lúc đầu đời.

Vâng tôi đang nói tới độ rộng của trải nghiệm và tri thức. Trong lĩnh vực thời trang, các bộ sưu tập độc đáo nhất đến từ các nhà thiết kế có nhiều thời gian sống và làm việc ở nước ngoài. Trong khoa học, các nhà khoa học giành Nobel không phải là các thiên tài chỉ biết sâu một thứ, họ quan tâm và hiểu biết rất nhiều thứ. Rất nhiều người trong số họ có thể làm diễn viên, nghệ sỹ âm nhạc, viết thơ văn...

Khi nghiên cứu các suy nghĩ và tư tưởng của Einstein về giáo dục, tôi đã shock rất nặng bởi các chiều sâu tư tưởng của ông. Ông đã định hình cả nhân sinh quan về vũ trụ của loài người và cả tư tưởng giáo dục hiện đại và tiến bộ của phương Tây trong toàn bộ thế kỷ 20.

Không ai bắt các nhà khoa học xuất chúng phải tham gia vào các thú vui nghệ thuật cả. Nó còn là sự phản ánh sự tò mò của họ. Einstein nói: "Thuyết tương đối đến với tôi bằng trực giác và động lực nằm sau cảm nhận trực giác này là ÂM NHẠC!". Mẹ ông bắt ông học nhạc từ khi lên 5 nhưng ông rất ngán và rồi tình yêu âm nhạc của ông chỉ bùng phát khi ông đã là 1 thiếu niên sau khi đã ngừng học và tình cờ được tiếp xúc và ngấm các bản sonatas của Mozart.

"Tình yêu là 1 giáo viên tốt hơn nhiều so với nghĩa vụ bắt buộc" - Einstein nói.

(Nguyên văn tiếng Anh: " Love is a better teacher than a sense of duty").

Vậy đó, các bố mẹ có nghe thấy không? Nếu bạn cố gắng làm cho con bạn "học giỏi" theo kiểu truyền thống mang đâm mầu sắc "Trung Hoa và Việt Nam", bạn sẽ nhận được 1 con robot tham vọng. Nếu bạn muốn con bạn mang những ý tưởng sáng tạo của chúng vào cuộc sống và thế giới, hãy để chúng được theo đuổi đam mê nào là cháy bỏng nhất của chúng.

Chứ không phải của bạn.

Hàng trăm người chia sẻ bài viết của tác giả Nguyễn Tuấn Hải kèm theo lời dẫn: “Ba mẹ nào thương con thật sự và dám không so sánh con mình với con nhà người ta thì mới đọc hết nổi bài viết này”.

Hay bạn Bui Thi Huong Tra chia sẻ: “Dũng cảm là một bài học đạo đức trong giờ giáo dục công dân mà bạn nào cũng từng học. Nhưng ai đã thực sự dũng cảm với chính mình và gia đình mình. Điều này không đơn giản như bài học trong sách vở. Đối với mình, cần rất nhiều tình yêu mới có được lòng dũng cảm. Vì mình có lẽ sẽ mất rất nhiều trước khi tới đích hay đạt được ước nguyện. Nhưng cuộc sống chỉ có một, nếu không thử, sao mình biết mình sẽ được”.

Bạn Nguyễn Thế Phúc đánh giá: “Bài hay đầu năm về giáo dục. Giáo dục chứ không phải dạy học. Phát triển con người chứ không phải luyện cho giỏi”.

“Em nghĩ gốc rễ vẫn là tư tưởng cho con làm quan, thân thành danh toại nên cách giáo dục nó mới lệch lạc như vậy đấy ạ. Nếu cái bản mặt bố mẹ vẫn cần phải "to" đến thế thì không đời nào bm chịu dạy con kiểu này đâu.

Tuy nhiên, em cũng thấy chút hy vọng vào lứa bố mẹ tầm tuổi em vì phần lớn đều đi du học nước ngoài. Mong là bản thân họ có thể thoát ra được tư tưởng của ông bà cụ kị mà cho con cái một lựa chọn khác” - Bùi Vũ Quỳnh Anh bày tỏ.

Tuyến Ktmart nói: “Với việc con vẫn đi học ở trường công ở ta, việc dạy này phải làm như nào ạ? Đòi hỏi bố mẹ phải hiểu biết rất nhiều. Mong là anh sẽ ra bài nữa có những hướng dẫn cụ thể hoặc chỉ dẫn nào đó cho những bố mẹ kiểu như em, rất hiểu và thấm tư tưởng rất hay này nhưng để con được tự do sáng tạo thật còn đang mông lung chưa tìm ra đường đi, nhiều khi sợ vì nêu không hiểu biết thì thành ra là để mặc con”.

Nguyên Vũ

Nguồn: Gia đình Việt Nam