Dòng sự kiện:

Bàng hoàng với 'kiến thức' giới tính của học sinh

Báo Tin Tức
09:45 22/03/2017
Một em “hùng hồn” chia sẻ: “Mỗi khi quan hệ tình dục em lấy bông gòn nhét vào chỗ ấy của bạn nữ, làm vậy tinh binh sẽ không xâm nhập được”.

Những câu hỏi như: “Cô ơi, em ôm hôn bạn gái thì có khả năng có thai không cô” hay “Cô ơi, quan hệ tình dục… bằng miệng thì có thể có thai không”, hay để tránh thai thì “mỗi khi quan hệ tình dục em lấy bông gòn nhét vào chỗ ấy của bạn nữ, làm vậy tinh binh sẽ không xâm nhập được”, “nhảy dây 10 cái là tinh trùng không thể xâm nhập vào”… khiến giáo viên dạy môn tích hợp giáo dục giới tính phải “đỏ mặt”.

Mặc dù vấn đề giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên đã được đề cập và triển khai sâu rộng từ nhiều năm nay trong trường học, tuy nhiên thực tế cho thấy, việc giáo dục giới tính, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh THPT, đang gặp nhiều vấn đề khó khăn và có những chuyện “cười ra nước mắt”. Điều này cần các nhà giáo dục, bậc cha mẹ phải lưu tâm.

Bàng hoàng với “kiến thức” của học sinh

“Trong quá trình giảng dạy của mình, tôi đã gặp nhiều tình huống “khó đỡ” khi bắt gặp các câu hỏi ngô nghê của học sinh về vấn đề giới tính và kiến thức tình dục. Từ đó tôi nhận ra rằng, kiến thức mà các em đang có phần lớn do tự “mày mò” tìm hiểu trên mạng. Ít có một kênh thông tin định hướng cơ bản nào để các em có thể hiểu một cách đúng, cặn kẽ và chính xác nhất về kiến thức sinh sản, tình dục và kỹ năng bảo vệ bản thân”, cô Nguyễn Thị Hồng, Tổ trưởng bộ môn Giáo dục công dân Trường THPT Hàn Thuyên (Phú Nhuận), chia sẻ.

Một tiết học ngoại khoá giáo dục chuyên đề thanh niên với tình yêu, hôn nhân, gia đình. Ảnh: T.H

Cô Hồng kể: “Tôi nhớ có một tiết học Giáo dục công dân, khi dạy về bài “Công dân với tình yêu, hôn nhân, gia đình”. Giáo viên hướng dẫn cho các em “nên tránh quan hệ tình dục trước hôn nhân”, tích hợp giải thích cho học sinh hậu quả của việc mang thai khi chưa kết hôn. Rất nhiều học sinh cho rằng, các em có đầy đủ kiến thức để “quan hệ tình dục nhưng không thể mang thai”.

Quả thật, khi nghe các em chia sẻ những “kiến thức” đó, tôi thật sự… bàng hoàng. Một em “hùng hồn” chia sẻ: “Mỗi khi quan hệ tình dục em lấy bông gòn nhét vào chỗ ấy của bạn nữ, làm vậy tinh binh sẽ không xâm nhập được”. Hay em khác lại có “sáng kiến”: “Khi quan hệ tình dục chỉ cần đứng quan hệ thì không thể có con”.

Một em nữ khác thì bẽn lẽn: “Thưa cô, em nghĩ sau khi quan hệ xong, em chỉ cần “nhảy dây 10 cái là tinh trùng không thể xâm nhập vào em được”. Thậm chí có em còn có “sáng kiến” như: “Chúng em có thể quan hệ dưới nước”, “quan hệ khi bạn gái đang kì kinh nguyệt”…

Một giáo viên dạy môn tích hợp Giáo dục công dân cũng chia sẻ, trong giờ học về giới tính, có nam sinh giơ tay hỏi: “Thưa cô, quan hệ tình dục… bằng miệng thì có thể có thai không?”, “Thưa cô, em xuất tinh ra ngoài thì làm sao bạn ấy có thai được”, “Thưa cô, bọn em mới quan hệ với nhau lần đầu tiên thì không thể có thai đâu”…

Thậm chí, có em còn “ngây thơ”: “Cô ơi, em ôm hôn bạn gái thì có khả năng có thai không cô?”. Hay có bạn nam lại tỏ ra “sành điệu” hơn khi chứng tỏ với cả lớp: “Cô cứ yên tâm, bọn em không thể có thai được vì đã có Durex – bạn của mọi nhà”.

Theo cô Hồng, bao nhiêu kiến thức“hoành tráng” này của học sinh đủ để thấy “lỗ hổng” trong công tác giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản vị thành niên cho các em còn quá lớn.

Cần “vẽ đường cho hươu chạy”… đúng

Theo cô Nguyễn Thị Hồng, một vấn đề bình thường đặt ra là “trẻ trong độ tuổi vị thành niên cần được chỉ dẫn về giới tính và các mối quan hệ. Nhưng ai sẽ là người các em tìm tới khi gặp các vấn đề về giới tính?”.

Cha mẹ có thể là nguồn hỗ trợ thông tin tốt nhưng ít khi con cái dám chia sẻ thẳng thắn với cha mẹ. Rất nhiều em có tâm lí lo sợ và ngại khi nói chuyện với bố mẹ về chuyện tình yêu, tình dục vì sợ bố mẹ có thể không chấp nhận quan điểm của các em, nghĩ các em là “con hư”.

Do không có thông tin, nhiều em tìm tới bạn bè, nhưng đây không phải là nơi cung cấp thông tin chính xác nhất vì bạn bè đa số cùng trang lứa, hiểu biết tương đương. Vì vậy, người duy nhất có thể cung cấp nhiều thông tin nhất cho các em chính là thầy cô giáo. Thầy cô là những người gần gũi nhất với học sinh tại trường học, là người chịu lắng nghe, nắm bắt tâm lí và người hiểu học sinh nhất trong vấn đề giới tính.

Tuy nhiên, việc giáo dục giới tính trong nhà trường hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Đây là nhiệm vụ lồng ghép, còn ít thời gian để triển khai; tài liệu, trang thiết bị hạn chế. Đặc biệt, rào cản lớn nhất là tâm lí e ngại, lúng túng của giáo viên khi giảng về vấn đề tình dục và giới tính.

Người lớn vẫn thường cho rằng, lứa tuổi học sinh nếu được giáo dục nhiều hơn về sức khỏe giới tính thì sẽ quan hệ tình dục nhiều hơn. Đơn giản vì họ sợ rằng con em mình sẽ nhạy cảm hơn với các vấn đề giới tính. Nhiều người lại lo sợ nếu học sinh tìm hiểu về những khuynh hướng tình dục thì sẽ trở nên lệch lạc về giới tính. Chính quan niệm sai lầm, khắt khe này đã vô tình làm cho việc giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản cho các em gặp nhiều trở ngại, khó khăn.

“Xã hội chúng ta hiện nay, không hoàn toàn “thoáng” như các quốc gia phương Tây, nhưng quan niệm về giáo dục, giới tính đã cởi mở hơn nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, bên cạnh sự cởi mở, thông thoáng về quan niệm mà chưa thực sự chuẩn bị kĩ về kiến thức, định hướng cụ thể qua công tác giáo dục giới tính trên ghế nhà trường sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Đã đến lúc chúng ta không thể “lờ đi” hoặc lo sợ những kiến thức về giới tính trong trường học sẽ “vẽ đường cho các em chạy” mà giáo dục là cần thiết. Không chỉ giáo dục trong nhà trường mà cha mẹ, gia đình cũng nên cởi mở hơn trong việc truyền đạt các kiến thức về giới tính cho học sinh. Khi các em hiểu được đúng đắn về cơ thể mình, các em sẽ biết cách phòng tránh những xâm hại, thậm chí bảo vệ được mình khỏi những cám dỗ, cạm bẫy ngoài xã hội.

"Ngay cả trong trường học, hành vi trêu đùa, chọc ghẹo với những lời nói tục tĩu cũng là một hình thức xâm hại. Các nhà giáo dục cũng cần phải xây dựng chương trình giáo dục giới tính phù hợp với từng giai đoạn, từng lứa tuổi với học sinh để các em được sớm tiếp cận và bảo vệ chính mình”, cô Hồng chia sẻ.

Nguồn: Gia đình Việt Nam