Dòng sự kiện:

Bạo lực học đường - Bố mẹ có biết con đang là nạn nhân?

Theo Vietnammoi
08:00 20/04/2017
Bạo lực học đường thường diễn ra ở lứa tuổi từ mẫu giáo đến lớp 12. Cứ 1 trong số 7 trẻ em, có một người là kẻ bắt nạt hoặc nạn nhân của sự bắt nạt.

Bạo lực học đường hay bắt nạt là hành vi hung hăng có chủ ý liên quan đến sự mất cân bằng quyền lực hoặc sức mạnh giữa hai hoặc một nhóm trẻ. Thông thường, nó là hành vi lặp lại theo thời gian. Bạo lực học đường có thể có nhiều hình thức, chẳng hạn như đánh đấm (bắt nạt hành động), trêu chọc hoặc đặt các tên gọi giễu cợt (bắt nạt bằng lời nói), đe dọa hoặc cô lập (bắt nạt tình cảm) và gửi tin nhắn xúc phạm qua điện thoại hoặc mạng xã hội (bắt nạt trực tuyến). Thế nhưng nhiều trẻ em, đặc biệt là các trẻ em nam lớn tuổi, không nói với cha mẹ về việc mình bị bắt nạt tại trường. Do đó, bố mẹ nên là người cảnh giác với các dấu hiệu bắt nạt và tìm ra giải pháp chấm dứt càng sớm càng tốt.

1. Bạo lực học đường và các dấu hiệu giúp cha mẹ nhận ra.

Không phải những vết bầm tím mới là dấu hiệu duy nhất của bạo lực học đường, bố mẹ nên cảnh giác với các biểu hiện sau:

- Con tìm mọi lý do để không phải đến trường.

Bố mẹ nên đặt câu hỏi nếu thấy conluôn đưa ra các lý do để tránh việc đến trường. Khoảng 160 nghìn trẻ em ở Mỹ bỏ học hàng ngày vì sợ bị bắt nạt, Một số trẻ trả vờ như chúng bị ốm để được ở nhà. Do đó, nếu con bạn “ốm” quá thường xuyên, đây rất có thể là dấu hiệu chúng đang bị một hoặc một nhóm bạn bắt nạt.

- Điểm số học của con giảm sút.

Bố mẹ nên chú ý nếu điểm ở trường của con bị giảm đột ngột. Nếu con đột ngột có một bài kiểm tra điểm thấp thì không có gì phải bận tâm, nhưng nếu việc này lặp lại nhiều lần thì rõ ràng bạn cần xem xét các lý do đằng sau những điểm số xấu, ngoài việc chểnh mảng học hành. Vấn đề có thể không phải do con học kém đi - nỗi lo lắng bị bạo lực học đường có thể ảnh hưởng đến sự tập trung trong lớp. Bạn có thể trao đổi cùng giáo viên để tìm hiểu thêm, nhờ giáo viên quan sát tình hình của con trong thời gian ở trường để có thêm thông tin.

Nếu con thường xuyên tìm lý do để không phải đến trường, học lực giảm sút bất ngờ thì rất có thể con bạn là nạn nhân của bạo lực học đường (Ảnh: Yan).

- Tâm trạng của con thay đổi.

Đừng nhầm lẫn ngay khi thấy con có biểu hiện chán nản. Ngày tồi tệ xảy ra với tất cả mọi người. Nhưng nếu cậu bé vốn hồn nhiên, vui vẻ của bạn thường xuyên trở về nhà trong tâm trạng sợ hãi, tức giận hay buồn bã thì bạn rất nên lưu ý.

- Đồ dùng học tập của con bị hỏng hoặc mất.

Đồ dùng bị hư hỏng hoặc mất tích là dấu hiệu của bạo lực học đường. Con có thể đưa ra các lời bào chữa cho việc thường xuyên làm mất và hỏng đồ. Trong vai trò làm bố mẹ, bạn cần phải xác định đâu là lời bào chữa và đâu là sự thật. Bạn là người hiểu con mình nhất, vì thế cần phân biệt được liệu chiếc điện thoại của con chẳng may bị rơi vào nước hay bị ai đó ném xuống nước. Đánh rơi một cái bút không phải việc lớn, nhưng nếu con cứ “chẳng may” làm mất đồ liên tục thì chắc chắn đó không còn là một sự tình cờ.

- Con có các vết thương không rõ nguyên nhân.

Bạo lực học đường không chỉ dừng lại ở việc bắt nạt về cảm xúc, nó còn có thể cả sự xâm phạm thể chất. Trẻ em rất hiếu động, một vết bầm do ngã là điều hoàn toàn bình thường ở mọi đứa trẻ, đặc biệt là con trai. Nhưng nếu chúng tiếp tục trở về nhà với những vết bầm tím và trầy xước không rõ nguyên nhân, đó có thể là một dấu hiệu của việc con đang là nạn nhân của bạo lực học đường.

Không chỉ ở nam giới, vấn đề bạo lực học đường cũng diễn ra ở phái nữ (Ảnh: Dramabean).

2. Hành động ngay khi con là nạn nhân của bạo lực học đường

Nếu con bạn có bất kỳ dấu hiệu nào trong những dấu hiệu trên, không có nghĩa rằng cậu bé hay cô bé đang bị bắt nạt tại trường, nhưng bố mẹ vẫn nên tìm hiểu thêm để đảm bảo con mình đang được an toàn khi đến trường bằng các cách sau:

- Nói chuyện với con

Đừng ngần ngại, hãy nói chuyện ngay với con khi bạn nhận thấy các dấu hiệu đáng nghi ngờ. Cho con biết bạn quan tâm và muốn giúp đỡ con từ đó con dễ dàng chia sẻ hơn.

Một số câu hỏi có thể đưa ra thảo luận giữa bố mẹ và con cái như:

- “Mẹ rất lo cho con, có bạn nào ở trường có ý định bắt nạt con không?”

- “Có bạn nào cố tình trêu chọc con không?”

- “Có bạn nào tìm cách cô lập con hay loại con ra khỏi nhóm chơi của lớp không?”

Hoặc các câu hỏi ý tứ hơn như:

- "Trường con có bạn nào có cá tính đặc biệt không? Bạn ý học ở lớp nào?"

- “Con ngồi cạnh bạn nào trong lớp?”

- “Có ai ở trường mà con không thích không? Tại sao con không thích bạn ý? Bạn ý có bao giờ trêu chọc con không?”

Bố mẹ không nên hỏi thẳng vào câu hỏi “Có phải con đang bị bắt nạt không?”. Bọn trẻ không muốn trả lời câu hỏi đó, và có thể đưa chúng vào phòng thủ, điều này khiến việc tìm hiểu khó khăn hơn. Trở thành một phần cuộc sống của con là cách tốt nhất để bố mẹ ngăn ngừa tình trạng bạo lực học đường.

Nói chuyện với thầy cô giáo.

Điện thoại hoặc đến trường để trò chuyện với thầy, cô giáo của con. Thầy cô có thể sẽ biết rõ hơn bạn những mối quan hệ bạn bè của con ở trường. Nói với thầy cô nỗi lo lắng của bạn về tình trạng của con, và đưa ra những câu hỏi như:

- “Cô thấy cháu chơi với các bạn ở lớp như thế nào?”

- “Cháu thường chơi với ai vào giờ ra chơi?”

- “Cô có nhận thấy hay nghĩ là cháu bị bạn nào đó bắt nạt không?”. Đồng thời đưa ra một vài ví dụ về tình trạng bạo lực học đường để đề phòng trường hợp thầy cô giáo cho rằng chỉ có đánh bạn mới gọi là bắt nạt.

Bạn cũng cần nhận thức được rằng, bạo lực học đường không chỉ xảy ra trong sân trường. Với công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, lũ trẻ có thể bị sách nhiễu ngay trong nhà riêng của mình qua các thiết bị điện tử hoặc trên mạng xã hội.

Nếu bạn nhận được thông tin từ con hoặc thầy cô giáo đủ để khẳng định rằng con mình đang là nạn nhân của bạo lực học đường, hãy nhanh chóng hành đồng. Bạo lực học đường, bằng cách này hay cách khác, đều rất có thể để lại những tác hại nguy hiểm lên lũ trẻ. Còn nếu những cuộc chuyện trò cho thấy con bạn không bị bắt nạt thì hãy cảnh giác với các vấn đề khác có thể xảy ra với con. Các biểu hiện như trầm cảm, cô lập xã hội, mất hứng thú học tập có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề nghiêm trọng khác.

Nguồn: Gia đình Việt Nam