Dòng sự kiện:

Bạo lực học đường ở Nhật: Tinh vi và vô cùng tàn nhẫn

Theo Trí thức trẻ
19:40 21/04/2017
Theo những con số được thống kê về nạn bạo lực học đường ở Nhật, không ít người đã sửng sốt về các vụ việc đã xảy ra. Và đây cũng là vấn nạn gây nhức nhối xã hội Nhật, mặt trái của nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới.

Nhà trường không có khả năng xử lý Ijime

Vì muốn xóa khoảng cách và khác biệt giữa lũ trẻ, các trường học Nhật bản đã gò ép học sinh vào cái khuôn phải ăn mặc, đầu tóc giống nhau, tổ chức mọi hoạt động theo nhóm khiến trẻ em thất vọng và có xu hướng nổi loạn. Các cá nhân trong trường học khi không kuuki wo yomu (được dịch là "không có khả năng đoán biết cảm xúc xã hội") có thể bị các thành viên khác trong lớp tẩy chay. Chương trình đánh giá sinh viên quốc tế (PISA) từng cho thấy, tại Nhật tỉ lệ học sinh bỏ học thấp gần như nhất thế giới, nhưng sự ưa thích thực sự đối với trường học của học sinh lại thấp nhất.

Những kẻ bắt nạt hiếm khi bị trừng phạt (Ảnh minh họa).

Khi những vụ Ijime xảy ra, nhà trường Nhật Bản lại thường không có khả năng giúp đỡ nạn nhân. Các giáo viên rất giỏi về khả năng sư phạm nhưng lại không được huấn luyện để xử lý Ijime. Giáo viên ngoài việc giảng dạy còn bị áp lực quá nhiều bởi trách nhiệm hành chính, khiến họ mất đi sự say mê và sao sát với học sinh, thậm chí dưới áp lực quá mệt nhọc của nghề, khoảng 12% giáo viên đã tham gia vào việc bắt nạt, trừng phạt học sinh về thể chất (theo một cuộc khảo sát).

Khi xảy ra bắt nạt, các nhà trường thường cố ý lấp liếm, giấu nhẹm để không bị đổ trách nhiệm hay đánh mất hình ảnh nhà trường. Hơn nữa, khi các vụ ijime xảy ra quá tinh vi, nhà trường cũng khó có thể xử lý khi những chứng cứ đưa ra không rõ ràng. Việc quy tội cho một đứa trẻ là bắt nạt bạn khác mà không có chứng cứ có thể khiến cha mẹ chúng đâm đơn kiện. Xã hội cho trẻ em quá nhiều quyền cũng là cách họ tạo cho chúng môi trường tự do để dung dưỡng cái ác.

Luật chống bắt nạt được thông qua vào năm 2013 tại Nhật yêu cầu các trường học phải báo cáo trường hợp bắt nạt đã hé lộ sự thật khủng khiếp: số lượng các ca bắt nạt được biết đến tăng từ vài nghìn/năm lên tới hơn 22 nghìn năm 2015. Luật pháp đã thúc giục các giáo viên báo cáo việc bắt nạt nhưng lại không có các chỉ dẫn thay đổi để giải quyết tận gốc các vấn đề. Những kẻ bắt nạt hiếm khi bị trừng phạt: vào năm 2014 đã có 188.057 trường hợp được báo cáo và chỉ hai lần thủ phạm bị thôi học.

Chấn thương dài lâu

Những hành vi áp bức của lũ trẻ Nhật tinh vi và tàn nhẫn hơn nhiều so với những trò đánh nhau giáp lá cà tại các quốc gia khác. Chúng có thể là áp bức tinh thần hay thể chất, dưới những hình thức ghê rợn: chế giễu, trấn lột, cô lập, đặt điều vu khống, ép bạn tự tự, vùi đầu bạn vào dòng kênh bẩn hay lấy đầu bạn lau sàn nhà vệ sinh của trường, cưỡng bức và quay phim chụp ảnh, ép bạn nữ bán dâm lấy tiền, bắt bạn thủ dâm trước mặt mình làm trò vui, sát thương hoặc giết chết nhau bằng hung khí....

Năm 1997 ở Kobe đã từng có trường hợp 1 học sinh 14 tuổi tấn công bốn nữ sinh bằng hung khí, sau đó cắt đầu của một bé trai 11 tuổi rồi vứt đầu bé ở cổng trường với mảnh giấy "Đây mới chỉ là bắt đầu của cuộc chơi". Sự kiện chấn động này đã buộc chính phủ Nhật phải thay đổi độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của trẻ từ 16 xuống 14 vào năm 2001. Ở Nhật có rất nhiều vụ giết người mà thủ phạm chỉ là những cô cậu học trò mới 11, 12 tuổi. Khi được trả lời trên đài NHK, một nữ sinh đã thú thực về tình trạng tội phạm vị thành niên rằng cô không quá ngạc nhiên khi đã trải qua cảm giác thấy ghét ai đó đến mức chỉ muốn giết chết họ.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra những trẻ bắt nạt bạn ở Nhật là những đứa trẻ có kỹ năng xã hội cao, thậm chí là học sinh xuất sắc. Chúng bắt nạt bạn để tìm kiếm cảm giác quyền lực, xả stress và tiêu khiển. Các nhà giáo dục cho biết, trái tim của những đứa trẻ này thực sự mục ruỗng và thiếu hụt tình thương, do đó việc giải quyết tận gốc vấn đề không thể chỉ dừng ở sự trừng phạt. Vì thế họ kêu gọi các bậc cha mẹ hãy dạy dỗ con sao cho chúng cảm thấy được thương yêu và cảm thấy hạnh phúc, tuy nhiên đáng buồn là dù có tiếp cận giải quyết theo mọi cách thì những trường hợp bắt nạt vẫn không ngừng gia tăng.

Nạn nhân của bạo lực học đường ở Nhật thường có xu hướng đổ lỗi cho bản thân mình (Ảnh minh họa).

Những nạn nhân của bạo lực học đường thường phải gánh chịu hững tổn thất nghiêm trọng về thể xác và tinh thần. Điều đáng sợ là theo các nghiên cứu, nếu ở các nền văn hóa khác, nạn nhân thường có xu hướng phản kháng và trả thù khi bị bắt nạt, thì trẻ ở Nhật lại thiên về xu hướng đổ lỗi cho bản thân mình, cảm thấy nhục nhã và không thể thoát được sự cô đơn tuyệt vọng. Chính vì tâm lý "sợ lạc loài khỏi tập thể" mà chúng không dám phản kháng, tự cho rằng hay do mình có gì đáng ghét nên mới bị như vậy .

Ngoài ra, mặc dù mọi nền văn hóa đều coi trọng sự tự trọng thì xã hội Nhật có sự khác biệt trong quan điểm về sự tự trọng. Người ta tin rằng họ cần duy trì lòng tự trọng để ngăn chặn bản thân khỏi các cuộc tấn công vào bạo hành bên ngoài, dẫn đến việc trẻ em Nhật càng dễ bị tấn công trong một môi trường coi trọng tập thể, và cũng dẫn đến những thiệt hại tổn thương về tinh thần sâu sắc hơn. Hệ quả của chúng thường là tổn thương kéo dài suốt đời, hội chứng sợ đến trường, giam mình trong phòng (hikikomori) và tệ nhất là tự tử. Gần đây, chính phủ Nhật cũng đã lên tiếng về việc đưa ra dự luật bảo vệ các học sinh đồng tính khi có tới gần một nửa số học sinh này là nạn nhân của bắt nạt hay quấy rối tình dục học đường.

Từng có 7 năm sinh sống cùng gia đình tại Nhật nên mẹ Masao có cơ hội được trải nghiệm rất nhiều về văn hóa, xã hội trên đất nước mặt trời mọc. Và từ khi bé Masao đi học, mẹ Masao còn có thêm cơ hội trải nghiệm "công việc" của một người mẹ có con đi học mẫu giáo ở Nhật. Những cảm nhận và chia sẻ chân thực của mẹ Masao một lần nữa khiến chúng ta "ngả mũ" trước cách người Nhật giáo dục trẻ em. Độc giả có thể đọc thêm những bài viết thú vị của mẹ Masao tại đây.

Nguồn: Gia đình Việt Nam