Dòng sự kiện:

Bé nằm nhiều bị bẹt đầu và sự thật ít ai ngờ

Theo bác sĩ Trương Hoàng Hưng, bác sĩ khoa Nhi tại Mỹ, trẻ nhỏ bị bẹt đầu do nằm ở một tư thế quá lâu trong 6 tháng đầu đời không chỉ ảnh hưởng tới thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng tới trí não của trẻ.

Sọ bẹt do nằm sai cách

Bác sĩ Hưng cho biết, nhiều người quan niệm bẹt đầu chẳng sao, chỉ thay đổi kiểu tóc cho hợp nhưng thực tế trẻ bị bẹt đầu sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới trí não, khả năng học hành của các bé. Tại Việt Nam trẻ bẹt đầu còn chưa được quan tâm và ít có các phương pháp trị liệu cho trẻ.

Bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ từ sơ sinh tới 6 tháng tuổi khi xương sọ đang phát triển và còn rất mềm, do xương sọ bị tác động ngoại lực đè ép kéo dài. Thường là phía sau đầu do nằm ngửa lâu kéo dài khiến xương sọ vùng đó bị dẹp, phẳng, đồng thời xương sọ bị ép phải phát triển ngược lại về hướng không bị ngoại lực. Cuối cùng, làm cho sọ phát triển dị dạng bất thường, dẫn tới dị dạng mặt và các phần khác của xương đầu.

Bẹt đầu có hai thể chính. Thứ nhất đầu lép phía sau ở một bên, làm cho xương sọ phát triển về phía trước của bên đó. Thứ hai toàn bộ phía sau bị lép, phía sau đầu sẽ phẳng lì, giống như hình chữ nhật. Còn có thêm có trường hợp kết hợp đặc điểm của hai loại trên. 

Trẻ bẹt đầu sẽ ảnh hưởng tới não bộ - Ảnh minh họa: Internet

Trẻ bẹt đầu sẽ ảnh hưởng tới não bộ - Ảnh minh họa: Internet

Nguyên nhân gây nên hiện tượng trẻ bẹt đầu, theo bác sĩ Hưng hầu hết do nằm nhiều ở một tư thế cố định. Trẻ sơ sinh nằm ngửa suốt ngày, xương sọ mềm nên sẽ bị bẹp phía sau. Nếu chỉ xoay đầu sang một bên do tư thế hay do vẹo cổ sẽ làm bẹp một bên phía sau gây đầu lép phía sau ở một bên.

Ngoài ra, có thể còn do tư thế trong tử cung của trẻ. Trường hợp mẹ có khung chậu hẹp, u bướu, mang thai nhiều con cùng một lúc dễ làm xương sọ biến dạng, trẻ sinh non nằm lâu, sọ mềm. Các tác động bên ngoài khác như ghế an toàn, ghế xích đu,…

Bẹt đầu gây bệnh gì?

Theo bác sĩ Hưng, nếu trẻ bị bẹt đầu nhẹ thì không có tác hại gì đáng kể ngoài việc có cái đầu hơi méo. Đổi kiểu tóc là được nhưng trường hợp nặng thì có nhiều tác hại về lâu dài ảnh hưởng cuộc sống khi bé lớn. Khi xương sọ dị dạng đủ nhiều sẽ làm dịch chuyển các cấu trúc của nền sọ.

"Cái đầu như cái nhà của bạn, nền sọ như là cái móng nhà, xương sọ là cái khung nhà, khuôn mặt là mặt tiền nhà, còn hàm dưới như cửa lớn của cái nhà. Nếu cái móng nhà méo mó, dị dạng thì các cấu trúc xây trên nó sẽ như thế nào gương mặt có thể biến đổi do đầu bị bẹt", bác sĩ Hưng chia sẻ. 

Không những thế, nghiên cứu mới nhất của Seattle Children’s Craniofacial Center cho thấy trẻ bị bệnh đầu bẹp lúc nhỏ có nhược điểm về nhận thức, tư duy và trí nhớ kém hơn các trẻ không bị bệnh đầu bẹp. Đồng thời trẻ có bệnh đầu bẹp cũng có kết quả học tập kém hơn các trẻ không mắc bệnh. Như vậy, trẻ bị bẹt đầu không chỉ làm xấu xí mà còn ảnh hưởng tới não bộ của trẻ.

Thường xuyên thay đổi tư thế nằm cho bé phòng bẹt đầu - Ảnh minh họa: Internet

Để phòng trẻ bẹt đầu, bác sĩ Hưng khuyến cáo các bác sĩ nhi khoa khác cần hướng dẫn cha mẹ chăm sóc đầu từ lần khám đầu tiên. Tiếp tục theo dõi trong các lần khám tiếp theo 2-4-6 tháng nhằm phát hiện sớm, tiếp tục hướng dẫn và điều trị kịp thời.

Về nhà, cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần thường xuyên thay đổi tư thế bé, tăng thời gian nằm sấp có giám sát.

Cụ thể, trẻ từ 0-2 tháng, cơ cổ còn yếu, cho bé nằm sấp trên ngực, vừa tăng tình cảm vừa ngừa đầu dẹp. Cổ cứng hơn chút thì cho nằm sấp, ấn nhẹ vùng hông cho bé tập nâng đầu.

Từ 3-6 tháng, cho bé nằm sấp chơi nhiều hơn, dùng gương, đồ chơi dỗ cho bé nâng đầu và rướn người vể trước.

Từ  6-9 tháng, cho bé chơi tàu lượn, xích đu tiên với con, bé sẽ mau biết bò hơn. Đổi tay cho bú, lót tay dưới cổ bên phải để bé nghiêng cổ về bên phải. Khi bé nằm trong nôi hay giường, xoay tư thế sao cho bé phải xoay đầu sang phải để tìm mẹ.

Khi trẻ bị bẹt đầu, cần điều trị sớm. Bởi vì não bộ và xương sọ phát triển nhanh nhất trong 6 tháng đầu đời, sau đó chậm lại cho đến 18 tháng thì các khớp nối xương sọ hoàn toàn dính liền với nhau và xương sọ định hình vĩnh viễn không can thiệp được.

Do đó bác sĩ Hưng khuyến cáo thời gian vàng để bắt đầu điều trị là 4-6 tháng tuổi. Đến 12 tháng tuổi thì hiệu quả điều trị sẽ giảm. Sau 12 tháng hiệu quả giảm dần, tới 18 tháng tuổi thì không can thiệp được.

Nguồn: Gia đình Việt Nam