Dòng sự kiện:

Bé trai sống sót thần kỳ sau 12 tiếng mắc kẹt do sóng thần ở Indonesia

15:44 24/12/2018
Khoảnh khắc kỳ diệu xảy ra khi một cậu bé năm tuổi sống sót sau khi được đưa khỏi đống đổ nát hơn 12 tiếng sau khi sóng thần tấn công ven biển Indonesia tối 22/12.

Hơn 222 người thiệt mạng và 800 người bị thương sau khi ngọn núi lửa nổi tiếng Anak Krakatau (Đứa con của Krakatoa) phun trào và gây ra cơn sóng thần cao tới 6m ập vào các bãi biển quanh eo biển Sunda của Indonesia tối 22/12.

Cơn sóng thần tấn công khu vực nằm giữa các đảo Java và Sumatra vào khoảng 9h30 tối giờ địa phương, phá hủy 500 ngôi nhà, 9 khách sạn, 60 quầy hàng thực phẩm và 350 tàu thuyền. 

Chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ quy mô lớn đã được triển khai vào sáng 23/12, nhằm tìm kiếm những người sống sót và thi thể các nạn nhân.

Hàng chục người vẫn còn mất tích ở phía tây đảo Java và bờ đông đảo Sumatra, dự kiến số thương vong sẽ tiếp tục tăng một khi giới hữu trách đến được các khu vực bị tàn phá nặng nề nhất.

Một trong số những người may mắn sống sót sau thảm họa này là cậu bé tên Ali. Em đã được đưa khỏi một chiếc ô tô bị kẹt dưới cây đổ. Một cảnh sát đã nghe thấy tiếng khóc của cậu bé và nhanh chóng tới hiện trường để dọn đống đổ nát đang nằm đè lên chiếc xe. Sau đó anh lấy đuốc rọi vào bên trong và nhìn thấy khuôn mặt nhỏ bé của Ali. Cậu bé sau đó được đưa ra khỏi xe một cách an toàn. Em bé khóc khi ôm lấy viên sĩ quan trước sự sững sờ của những người có mặt gần hiện trường. Hiện không rõ liệu có ai khác ở trong xe cùng cậu bé Ali và họ còn sống sót hay không.

Bé trai 5 tuổi được cứu sống khỏi đống đổ nát sau 12 giờ mắc kẹt do sóng thần tại Indonesia (Ảnh: Instagram)

Theo NBC, hầu hết sóng thần diễn ra khi có dấu hiệu địa chấn trước đó, giúp các nhà khoa học có thể đưa ra cảnh báo. Nhưng cơn sóng thần ngày 22/12 được tạo ra bởi hoạt động của Anak Krakatau, ngọn núi lửa đã phun trào trở lại vào hồi tháng 6, thay vì một trận động đất như thường thấy.

Hai giả thuyết được đưa ra để giải thích cho cơn sóng thần: hoặc là đã diễn ra một trận lở đất dưới đáy biển, hoặc là một lượng lớn nham thạch phun trào đã tạo ra hiện tượng này. Các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng cơn sóng được hình thành từ một trận lở đất.

Giám đốc Viện nghiên cứu sóng thần của Đại học Nam California (USC), ông Costas Synolakis nhận định: "Đây không phải là một cơn sóng bình thường". Chuyên gia này cho biết đây là một cơn sóng thần núi lửa, nó không dâng cao đến mức tạo ra cảnh báo, vì vậy các trung tâm cảnh báo sóng thần sẽ không nhận được tín hiệu nào.

Nguồn: Gia đình Việt Nam