Dòng sự kiện:

Bệnh trầm cảm sau sinh: Mẹ không yêu con, luôn nghĩ con đã chết

Theo Trí thức trẻ
13:30 15/06/2017
Sát hại con, tự vẫn... đó là những việc kinh khủng mà người mẹ mắc chứng trầm cảm sau sinh có thể hành động. Thế nhưng, với rất nhiều người, ngay cả những người đã làm mẹ, căn bệnh này vẫn còn là "bệnh đâu đâu".

Nếu như hầu hết phụ nữ đều biết đến khái niệm trầm cảm sau sinh thì cánh đàn ông lại có vẻ "gà mờ" với vấn đề này, có người còn thổ lộ: chưa từng nghe nói đến, người khác thì tự tin quả quyết, vợ mình không hề bị trầm cảm sau sinh.

Chia sẻ, quan điểm về trầm cảm sau sinh và bí quyết chăm sóc sản phụ của những ông chồng, những bà ngoại, bà nội.

Từ những câu chuyện hoàn toàn có thật

Những cú sốc cứ dồn dập kéo đến làm cho một người phụ nữ đã kiệt sức sau sinh không chịu đựng nổi. Lo âu tràn ngập, chị Thu trở nên hoang mang và không ngừng lo lắng. Chị bắt đầu mất ngủ ngay sau đêm sinh con.

Sinh con xong, chị Thu luôn trong tâm trạng lo âu, và đáng sợ nhất, chị bắt đầu mất ngủ ngay từ sau đêm sinh con gái. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Trước đó, chị Thu đã từng bị bệnh hưng trầm cảm và sống chung với nó suốt 13 năm. Tuy nhiên, ở thời điểm bắt đầu mang thai, sức khỏe và tâm lý chị đều ổn. Vậy mà ngay sau sinh, mọi thứ cứ đến từ từ, ngoài sự kiểm soát của chị, chị còn chẳng nhận ra đã bị bệnh lại.

Chị mua sắm vô độ. Chị yêu thương cô bé nhân viên của dịch vụ chăm sóc sau sinh tại nhà, còn mọi người trong nhà, chị đều ghét bỏ hết, kể cả mẹ ruột và chồng.

Chị bắt đầu làm những điều điên khùng: lôi hết quần áo trong tủ ra đổ đống ngoài sân để "bán hàng sida", cắt nát ảnh, quần áo chồng, nằng nặc đòi ly hôn, mặc đồ thật đẹp và đi hết nơi này đến nơi khác, không chăm sóc con mà cứ hết đi internet đến đi lang thang suốt ngày. Thậm chí, chị còn trèo lên cây cao và hú hét như khỉ trên đó.

Chị Thu đã quay lại với cuộc sống và mạnh mẽ chung sống, đối diện với căn bệnh kinh niên với sức mạnh và tình yêu thương của chồng và con gái nhỏ. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Khi được gia đình đưa vào viện tâm thần, các bác sĩ phải dùng tới biện pháp sốc điện chị mới có thể ngủ và giảm bớt tình trạng hưng phấn quá độ. Trong 1 tháng nằm viện, khi đã tỉnh táo hơn, chị Thu chỉ đòi về nhà nhưng chị không hề có cảm giác nhớ con.

Bệnh tình đã làm trí nhớ, khả năng tập trung của chị suy giảm nghiêm trọng. Ngắm nhìn những bức ảnh con gái bé bỏng ở nhà khi mẹ nằm viện, chị đau xót và ám ảnh vô cùng. Nhưng chính nhờ con - nguồn năng lượng và nguồn vui to lớn, chị đã không còn bị trì trệ như trước và vượt qua trầm cảm.

Cứ nghĩ con mình đã chết

Còn chị Nguyễn Thị Anh Phong (42 tuổi, hiện đang sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh, có 2 bé trai) vốn là một người sôi nổi, yêu đời nên chưa bao giờ chị nghĩ mình sẽ rơi vào trầm cảm sau sinh. Chị cứ nghĩ trầm cảm là buồn, trong khi chị có bao giờ buồn đâu.

Ấy thế mà, ngay sau sinh bé đầu 3 ngày, chị đã rơi vào trầm cảm. Suốt 24 tiếng phải nghe tiếng khóc của con khiến chị căng thẳng đến ám ảnh. Tiếp đó là rơi vào trạng thái lo lắng, trong đầu luôn hiện lên câu hỏi "Con bị gì vậy?", "Tại sao khóc hoài?". Rồi có lúc chị cứ ngồi lì trong phòng mà khóc, nghĩ "Con chết mất rồi!". Tự nhiên, chị Phong rất sợ việc bế con, sợ bế sẽ làm rơi con.

Ông xã chị không nhận ra chị bị bệnh, cứ nghĩ mới sinh nên nhiều lo lắng vậy thôi. Có rất nhiều hành động mất kiểm soát mà sau này nghĩ lại mới biết đó là trầm cảm.

Rất may mắn là chị Phong đã nói hết ra những suy nghĩ, lo lắng trong lòng với ông xã. Thế là hai vợ chồng chị bắt đầu lên kế hoạch "giải phóng" chị bằng cách cho chị ra ngoài, tham gia các hội nhóm, thuê y tá đến nhà chăm sóc con buổi sáng... Dần dần chị hiểu ra rằng em bé chỉ là 1 phần trong cuộc sống của mình thôi, không phải là gắn kết 24/24. Phải đến 2 tháng sau chị mới trở về được cuộc sống bình thường, không còn nghe thấy tiếng khóc văng vẳng của con trong tâm trí nữa, có thể tắm và chơi với con.

Khi sinh bé thứ hai, chị Phong lại trải qua tâm trạng hoàn toàn khác: luôn thấy cuộc sống hụt hẫng, vô nghĩa "Tại sao mọi thứ đảo lộn"... Từ kinh nghiệm bản thân, chị nhắn nhủ các bác mẹ:"Cách giải tỏa duy nhất là phải mở lòng ra, nói chuyện với gia đình, đi ra ngoài, tham gia các hội nhóm... dần dần mình sẽ trở về được với cuộc sống bình thường".

"Bị trầm cảm sau sinh, tôi từng có cảm giác không yêu con"

Cũng là một người mẹ từng bị trầm cảm sau sinh nhưng đã vượt qua được là chị Đỗ Thị Thu Trang (sinh năm 1992, Hà Nội).

Sinh nở đúng vào thời điểm mẹ đẻ phải phẫu thuật, gặp một số vấn đề về sức khỏe, bối rối trong việc chăm sóc con, cộng với chế độ kiêng cữ ngặt nghèo đã khiến người mẹ trẻ trở nên cáu kỉnh. Đáng sợ hơn, trái ngược với niềm hân hoan và tâm lý sẵn sàng đón chào "thiên thần nhỏ" ra đời, chị Trang không hề có cảm xúc yêu thương, gắn bó với con. Người mẹ trẻ tâm sự, nhiều lúc, cô cảm thấy bé Bim như "ở đâu tự dưng rơi xuống cuộc đời mình".

Những vấn đề sức khỏe của bé Bim trong những ngày đầu chào đời như có ghèn ở mắt, nghi ngờ bị vàng da... khiến người mẹ trẻ cảm thấy lo lắng, tự trách mình đã không chăm sóc con cẩn thận. Thêm vào đó, việc chưa có một công việc ổn định để san sẻ gánh nặng kinh tế cho chồng cũng khiến Trang thêm suy nghĩ. Những cảm xúc tiêu cực quấn lấy Trang, khiến cô nhiều đêm mất ngủ, suy nghĩ mông lung.

"Trong giai đoạn bị trầm cảm sau sinh, tôi vẫn chăm sóc con, vẫn ôm ấp và cho con bú theo bản năng".

Tuy nhiên, người mẹ trẻ lại ngần ngại, không dám chia sẻ những cảm xúc, trạng thái tâm lý bất thường này với chồng.

Nhưng rồi, chị đã giải tỏa được tâm trạng trầm cảm nhờ những lời chia sẻ, tư vấn các vấn đề chăm sóc em bé và chăm sóc sản phụ, hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ của những người bạn "ảo" qua Facebook. 1 tháng sau khi sinh con, Thu Trang đã thoát khỏi trạng thái tâm lý tiêu cực, nặng nề đó, cô thấy yêu con hơn bao giờ hết.

Chồng chính là bác sĩ chữa bệnh trầm cảm sau sinh cho vợ

Trải qua thai kỳ căng thẳng do chứng tiểu đường thai kỳ và những cơn đau khủng khiếp sau sinh mổ, ngay lần đầu tiên cho con bú, chị Huyền Trang (sinh năm 1987, Hà Nội) đã nhận ra mình có dấu hiệu bị trầm cảm sau sinh.

Câu chuyện vượt qua trầm cảm sau sinh đầy yêu thương của vợ chồng Minh - Trang có thể sẽ giúp bạn hiểu hơn về vai trò quan trọng của những người thân, đặc biệt là người chồng đối với các mẹ đang phải đối diện và vượt qua trầm cảm sau sinh.

Tự tin vào sức khỏe và mong sẽ được đón con đầu lòng bằng phương pháp sinh thường, nhưng khi nghe bác sĩ thông báo chị bị tiểu đường thai kỳ và yêu cầu chị áp dụng một chế độ ăn kiêng ngặt nghèo, chị Huyền Trang không khỏi lo lắng, căng thẳng. Trước khi sinh 2 tuần, chị lại được bác sĩ khuyên nên sinh mổ vì thai nhi có cân nặng lớn.

Những áp lực này tưởng chừng tan biến khi chị có được niềm hạnh phúc chào đón cô con gái - bé Mèo. Thế nhưng, vui sướng khi đón con bao nhiêu, chị lại càng mệt mỏi bấy nhiêu khi phải "đánh vật" với những vấn đề mới mẻ của một người mẹ có con lần đầu như không biết cách bế con, không biết cách cho con bú hiệu quả. Con bị vàng da, gần như không lên cân trong 1 tháng đầu, mẹ lại tắc sữa, cộng thêm chế độ kiêng cữ truyền thống quá ngặt nghèo, bị "cách ly" với thế giới bên ngoài khiến chị bị trầm cảm sau sinh nặng nề và kéo dài.

Chị Huyền Trang đã từng vượt qua trầm cảm sau sinh nhờ sự giúp đỡ đắc lực của chồng.

Những suy nghĩ tiêu cực, nhìn cuộc sống toàn màu đen, những đêm khóc lóc, thậm chí cảm giác muốn chấm dứt cuộc sống có thể đã khiến người mẹ trẻ gục ngã, nếu như không có sự hỗ trợ kịp thời, kiên nhẫn và đầy yêu thương của chồng chị, anh Nguyễn Trung Minh.

Sát cánh cùng vợ trong hai "cao trào" khó khăn: giúp vợ chăm sóc con và thuyết phục ông bà ngoại bé Mèo chăm sóc vợ đúng cách, anh Minh đã trở thành chỗ dựa vững chắc để giúp vợ vượt qua trầm cảm sau sinh thành công.

Nguồn: Gia đình Việt Nam