Dòng sự kiện:

Bệnh viêm cầu thận ở trẻ em nguy hiểm thế nào?

08:55 23/02/2017
Viêm cầu thận cấp có thể khỏi hoàn toàn từ 90 - 95%, nếu phát hiện và điều trị sớm, tuy nhiên, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra biến chứng.

Mới đây, vụ việc 20 em học sinh ở Nghệ An nghi mắc bệnh viêm cầu thận cấp, trong đó có 2 em tử vong khiến nhiều người bàng hoàng. Ngày 21/2, Sở Y tế tỉnh Nghệ An họp hội đồng chuyên môn để đánh giá tình hình 20 học sinh này ở xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong. 

Giữa tháng 11/2016 một em bé 8 tuổi thuộc trường Tiểu học - Trung học cơ sở xã Hạnh Dịch nhập viện do phù, đái ít, nước tiểu sẫm màu. Tính đến ngày 20/2 có 20 cháu cùng học tại trường này nhập viện với các triệu chứng tương tự, trong đó 16 bé ăn bán trú ở trường, 4 cháu ăn ở nhà. Hiện 8 bệnh nhân đã ra viện. 

Khi trẻ bị viêm họng, cần đưa đi khám để bác sĩ phát hiện chính xác bệnh và điều trị kịp thời. Ảnh: SK&ĐS

Viêm cầu thận cấp tính là tình trạng viêm lan tỏa không nung mủ tất cả các đơn vị thận của hai thận. Bệnh viêm cầu thận cấp có tỷ lệ mắc phải cao sau vài ngày xuất hiện tình trạng viêm họng, viêm tai hoặc viêm da mủ do nhiễm khuẩn liên cầu khuẩn beta  tan máu nhóm A. Vì thế không nên chủ quan khi nghĩ là viêm họng, hay viêm da là bệnh nhẹ có thể tự chữa trị mà không đến bác sĩ thăm khám cẩn thận. Ngoài liên cầu khuẩn, viêm cầu thận cấp có thể mắc phải sau viêm phổi do phế cầu khuẩn, viêm màng trong tim chậm osler, nhiễm khuẩn huyết, quai bị, thủy đậu, Lupus ban đỏ, nhiễm nấm, ký sinh trùng nhưng ít gặp hơn.

Điều nguy hiểm là, bệnh viêm cầu thận cấp thường diễn tiến một cách thầm lặng, kín đáo, không có triệu chứng lâm sàng, nên người bệnh không biết mình bị bệnh. Chỉ đến khi tình cờ đi khám bệnh khác, hoặc qua kiểm tra máu, nước tiểu tại cơ sở y tế thấy có hồng cầu niệu vi thể và protein niệu mới phát hiện bệnh. Tuy thế, trong nhiều trường hợp bệnh cũng có thể phát triển hết sức rầm rộ.

Viêm cầu thận cấp có thể khỏi hoàn toàn từ 90 - 95%, nếu phát hiện và điều trị sớm, tuy nhiên, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra biến chứng. Sau một thời gian, có thể xuất hiện tăng huyết áp (cả tối đa, cả tối thiểu), nguy hiểm nhất là tăng huyết áp một cách đột ngột có thể gây biến chứng đột quỵ. Biến chứng nguy hiểm nhất trong giai đoạn viêm cầu thận cấp là suy thận cấp, suy tim cấp hoặc suy tim gây phù phổi cấp. Suy thận cấp gây thiểu niệu hoặc vô niệu. Suy tim cấp gây khó thở, tím tái, gan to, tĩnh mạch cổ nổi. Phù phổi cấp xảy ra ở giai đoạn muộn. Viêm cầu thận cấp cũng có thể gây phù não cấp hay bệnh não huyết áp cao, biểu hiện nhức đầu, buồn nôn, nôn, chóng mặt, mờ mắt và có thể co giật toàn thân, hôn mê…

 Viêm cầu thận cấp do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó do nhiễm khuẩn đóng vai trò đáng kể. Viêm cầu thận cấp có liên quan mật thiết với một số vi sinh vật gây bệnh, điển hình là vi khuẩn liên cầu nhóm A (S. pyogenes). Ngoài ra, có thể do tụ cầu (Staphylococcus) hoặc phế cầu (S. pneumoniae) hoặc một số virút như: viêm gan B, quai bị, sởi, thủy đậu hoặc do ký sinh trùng (một số nấm gây bệnh, ký sinh trùng sốt rét) nhưng tỉ lệ thấp. Viêm cầu thận cấp cũng có thể do một số bệnh về cấu tạo keo như: luput hệ thống, viêm quanh các vi mao mạch hoặc có thể viêm cầu thận cấp do ngộ độc muối kim loại nặng hoặc quá mẫn cảm với một số thuốc như: penicilline, sulfamides.

Theo lời khuyên của BS. Nguyễn Thông Tuyết trên báo SK&ĐS, nếu bệnh viêm cầu thận cấp được phát hiện sớm và điều trị tích cực, tỷ lệ hồi phục có thể rất cao, người bệnh có thể phục hồi hoàn toàn. Bệnh nhân nhỏ tuổi, tỷ lệ phục hồi cao hơn bệnh nhân lớn tuổi. Khi protein niệu kéo dài trên 6 tháng, bệnh không còn khả năng tự phục hồi, viêm cầu thận cấp tính trở thành viêm cầu thận mạn tính với những hậu quả nguy hiểm. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ từ 3-8 tuổi, trẻ trai hay mắc phải hơn trẻ gái với tỷ lệ là 2/1. Vì thế cha mẹ, người lớn trong nhà không nên chủ quan khi trẻ nhỏ bị ốm. Khi có biểu hiện của nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm khuẩn da hay các biểu hiện của viêm cầu thận nên tới các cơ sở y tế khám, tuân thủ điều trị để bệnh nhanh khỏi. 

Mai Nguyên(Tổng hợp) 

Nguồn: Gia đình Việt Nam