Dòng sự kiện:

Bệnh viêm não Nhật Bản, cách phòng ngừa và chăm sóc?

14:22 02/06/2019
PGS.TS. Trịnh Hoàng Hà, Giám đốc Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ về cách phòng ngừa cũng như điều trị bệnh Viêm não Nhật Bản

Theo Sở Y tế Hà Nội, trường hợp đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản trong năm 2019 là một bệnh nhi 4 tuổi ở huyện Chương Mỹ. Cháu bé 4 tuổi được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 20/5, trong tình trạng sốt cao, li bì, co giật. Sau khi được các bác sỹ tích cực điều trị, hiện sức khỏe của bé tiến triển khả quan.

PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua muỗi đốt. Bệnh thường gây viêm não, màng não ở trẻ em, có tỷ lệ thiệt mạng và di chứng cao từ 25 đến 35%.

Giai đoạn cao điểm của bệnh viêm não Nhật Bản thường diễn ra từ tháng 5 đến tháng 8. Bệnh thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu rất giống với những viêm nhiễm khác. Đến ngày thứ hai hay thứ ba của bệnh thì triệu chứng biểu hiện rõ dần như sốt cao đột ngột, buồn nôn, nôn khan, đau đầu, phản ứng lờ đờ, chậm chạp…

 

Đáng lưu ý, bệnh viêm não Nhật Bản diễn biến nhanh, có thể sau 3 ngày, thậm chí 1 ngày, bệnh nhân đã có biểu hiện co giật, rơi vào hôn mê, phải thở máy. Chỉ 1 - 2 ngày là trẻ có thể thiệt mạng. Nguy hiểm hơn, bệnh để lại những di chứng thần kinh về sau.

Mặc dù những năm gần đây số ca mắc viêm não Nhật Bản đã có chiều hướng giảm, tuy nhiên bệnh này thường tăng mạnh vào mùa hè, người dân cần để chủ động phòng chống bệnh viêm não virus, trong đó có Viêm não Nhật Bản.

 

Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:

1. Đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và và đúng lịch.

2. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, chuồng gia súc phải xa nhà, diệt muỗi tại các chuồng trại gia súc, loại bỏ các ổ bọ gậy.

3. Nằm màn kể cả ban ngày và ban đêm, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc.

4. Thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín.

5. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.

6. Nếu có các dấu hiệu: sốt cao và kèm theo những rối loạn ở hệ thống thần kinh trung ương (co giật, rối loạn vận động, lơ mơ, hôn mê…) phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Trao đổi với phóng viên Báo GĐVN về vấn đề này, PGS.TS. Trịnh Hoàng Hà, Giám đốc Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết Viêm não Nhật Bản là bệnh nguy hiểm nhưng chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa bằng cách tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đúng và đầy đủ.

Empty

 PGS.TS. Trịnh Hoàng Hà, Giám đốc Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội

Hiện tại, Phòng tiêm chủng 182 Lương Thế Vinh, Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội đang có 2 loại vắc xin phòng Viêm não Nhật Bản là vắc xin Jevax và vắc xin Imojev. Ngoài việc tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp, bao gồm việc phòng chống tại các ổ dịch và vùng ven bằng cách phun thuốc diệt bọ gậy, giải quyết nước ứ đọng, phân, rác.

Về phương diện cá nhân, cần tránh muỗi đốt bằng cách ngủ màn, sử dụng hương diệt muỗi hoặc thuốc xịt ngoài da chống muỗi đốt, gắn lưới cho tất cả các cửa nhà, cửa sổ. Khi sinh hoạt bên ngoài vào ban đêm, phải mặc quần áo dài, đi tất. Cần thông quang hoặc lấp các cống rãnh, ao vũng tù đọng quanh nhà.

Nguồn: Gia đình Việt Nam