Dòng sự kiện:

Bi hài khi vợ chồng lộ tẩy quỹ đen

Theo VNE
08:00 12/09/2018
Phát hiện vợ giấu tiền trong chiếc áo cũ, anh Tiến (TP HCM) mang cất, nào ngờ quên nói với vợ, cho đến khi vợ gọi ra tòa.

Anh Tiến (50 tuổi, TP HCM) là cảnh sát biển, đẹp trai, vui tính. Chị Lành, ít hơn chồng 5 tuổi, học chỉ hết cấp hai và làm công nhân may ở khu công nghiệp Củ Chi, dù không xinh nhưng tính tình thật thà, nhân hậu.

Từ lúc kết hôn, anh Tiến đưa hết thu nhập cho vợ vun vén, mua nhà, đối nội, ngoại và tin vợ tuyệt đối. Dù thế, chị Lành lại nghĩ, mình thua kém chồng mọi mặt nên sợ anh ngoại tình, bỏ ba mẹ con. Chị thủ riêng bằng cách khai tăng các khoản chi để mỗi tháng dành riêng 1-3 triệu lập quỹ đen, với mục đích, nếu vợ chồng lục đục còn có cái lo cho con. Tổng cộng, chị góp được hơn 100 triệu trong vòng hơn 9 năm.

Năm ngoái, anh Tiến được nghỉ phép nên giúp vợ dọn nhà thì thấy chiếc áo cũ, phai màu cuộn lại, bên trong là một bọc tiền đủ loại. "Tôi nghĩ, chắc vợ tiết kiệm từ tiền dư khi đi chợ nên mang cất, định sẽ đưa lại mà quên mất", anh Tiến kể.

Ảnh: HuffPost.

Không thấy tiền, chị Lành nghĩ chồng phát hiện và đã tẩu tán nên ấm ức. Cộng thêm mấy tháng sau đó, anh Tiến chỉ đưa một phần lương, còn lại để mua đồ, sửa lại nhà càng làm chị nghĩ chồng ki bo, tính toán và đã có nhân tình nên quyết ly hôn.

Được mời đến tòa, anh Tiến ngỡ ngàng, không hiểu nguyên nhân. Trong buổi hòa giải ở TAND huyện Củ Chi hồi tháng 5 vừa qua, nghe vợ tố mình mang tiền cho nhân tình, anh mới nhớ đến bọc tiền mình đang giữ. "Nhìn lúc ấy cô ấy giận dữ, tôi vừa buồn cười, vừa thấy có lỗi", anh Tiến nói. Được vị thẩm phán phân tích, chị mới thú nhận lập quỹ vì sợ mất chồng và rút đơn.

Quỹ đen của chồng chị Bích (quận 9, TP HCM) bị lộ khi chị vô tình biết lương của cấp dưới của anh. Anh Hoàng là kỹ sư xây dựng. Bình thường, anh chỉ cho vợ biết một nửa thu nhập và đóng góp bằng cách mua đồ cho con hay các vật dụng trong gia đình. Hai năm nay, anh phải trả ngân hàng vì vay mua nhà nên thường than đi uống cà phê hay đám cưới phải mượn bạn, rồi gắng làm thêm để trả.

Một lần nghe anh nói về lương của một người cấp dưới mình, chị thấy cao hơn nên hỏi: "Công ty anh thật kỳ, trả lương cho cấp dưới cao hơn, thôi anh nghỉ ở nhà em nuôi". Bị vợ bóc mẽ, anh mới thừa nhận thu nhập thật và cho biết, làm vậy để thử vợ. Kết quả, anh phải ăn cơm bụi một tuần liền.

Theo một chuyên gia tư vấn tâm lý của tổng đài 1088 từng tư vấn nhiều ca, người lập quỹ đen chủ yếu không tin tưởng vào bạn đời hoặc phòng thân vì sợ hôn nhân tan vỡ. Khi sự việc bị phát giác, nhẹ thì mâu thuẫn như chị Lành và anh Hoàng, nặng thì phải ra tòa chia tay. 

Vị chuyên gia còn nhớ chị Huệ (quận 2, TP HCM) ở nhà giữ con đã quyết định lập quỹ. Chồng làm nghề bán thuốc, thường sẽ để một khoản kha khá làm vốn, vì thế cứ tranh thủ anh không có mặt là chị rút khi 500 ngàn, khi một triệu. Tổng cộng, chị góp được 150 triệu trong hai năm. Sự việc bị anh phát hiện khi chị dùng số tiền để tham gia bán hàng đa cấp và mất trắng. Dù xin lỗi chồng, nhưng chị Huệ đã không thể giữ được gia đình.

Theo nhà tâm lý, lập quỹ đen không xấu, nhưng nếu dùng nó để làm các việc xấu như ngoại tình, cờ bạc... thì sẽ vô tình đẩy mâu thuẫn gia đình trở nên trầm trọng. "Quỹ đen sẽ rất tốt nếu chẳng may có người bạn đời rượu chè, cờ bạc, ngoại tình, mang tiền cung phụng nhân tình, nhưng phải thật khôn khéo", vị chuyên gia nói. 

Đồng ý với ý kiến trên, giáo sư Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Ứng dụng văn hóa Du lịch cho biết, ở các nước tiên tiến, luật pháp cho phép vợ chồng có quỹ riêng bên cạnh quỹ chung bắt buộc, ở đó quy định rất rõ trách nhiệm và bổn phận của chồng và vợ, đặc biệt là đối với người chồng.

Ở Việt Nam hiện nay, do luật pháp chưa có điều luật nào quy định rõ về trách nhiệm tài chính trong gia đình của chồng hoặc vợ nên chủ yếu vấn đề đóng góp hay cất giữ tiền bạc là đều do sự tự thỏa thuận, vì thế quỹ riêng được xem như là quỹ đen và tạo ra nhiều cãi vã xung quanh chuyện tiền anh, tiền tôi và những hệ lụy của nó.

* Tên nhân vật đã thay đổi.

Nguồn: Gia đình Việt Nam