Dòng sự kiện:

Bí quyết dạy con tập nói cực kì hiệu quả

20:52 08/07/2015
Các chuyên gia tin rằng cha mẹ tăng cường trò chuyện với con là một trong những cách hiệu quả nhất để dành cho bé sự khởi đầu tốt đẹp trong cuộc sống.

“Học ăn, học nói, học gói, học mở” là 4 cái học đầu tiên và quan trọng của cuộc đời con người. Để có kỹ năng ngôn ngữ tốt, các bậc cha mẹ cần biết được những cách dạy trẻ tập nói hiệu quả dưới đây:

Bắt đầu từ sớm

Trò chuyện với bé vừa chào đời có vẻ vô nghĩa, nhưng tai của trẻ và phần não phản ứng với âm thanh đã được kích hoạt từ khi chưa sinh. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nhi khoa Mỹ, càng nhiều từ bé sinh non nghe được khi ở trong phòng chăm sóc đặc biệt, bé càng phản ứng nhiều hơn với âm thanh của mình. Điều này cho thấy trò chuyện với bé sinh non có thể khuyến khích sự phát triển ngôn ngữ. Cách này cũng có lợi với bất cứ trẻ nào. "Nói càng nhiều càng tốt cho bé. Bé hấp thụ nhiều hơn bạn nhận ra", tác giả nghiên cứu tiến sĩ Melinda Caskey, giáo sư nhi khoa ở Đại học Brown (Mỹ) nói.

Để ý các tín hiệu

Khi bạn làm hàng loạt các việc như cho ăn, thay tã, dỗ con, rất dễ dàng để những câu chuyện nhỏ của bạn xoay quanh những thói quen của bé (chẳng hạn "Đã đến giờ đi ngủ rồi con yêu"...). Mặc dù điều này là hữu ích, những việc khác thậm chí còn giúp thúc đẩy nhiều hơn kỹ năng ngôn ngữ của bé. "Hãy để ý hướng nhìn của bé để xem cái gì làm bé hứng thú và đáp lại sự quan tâm của con", tiến sĩ Kathryn Hirsh-Pasek, giám đốc phòng thực nghiệm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tại Đại học Temple ở Ambler, Pennsylvania (Mỹ) đề nghị.


Cùng xem sách

Trong những tháng đầu đời, đọc sách cho con nghe không phải là để bé hiểu cốt truyện hay những trải nghiệm trong đó. Khi bạn cùng xem sách với con, nói về những bức tranh theo bất cứ cách nào bạn thích, không cần phải gắn với câu chuyện (ví dụ: Nhìn con gấu đáng yêu này...).

Dù bạn chọn một cuốn sách nước ngoài hay một cuốn truyện yêu thích, đọc cho bé có thể truyền cảm hứng cho việc sử dụng vốn từ phong phú hơn và cung cấp các chủ đề thú vị mà bạn không thể tự nghĩ ra.

Tạo ra các cuộc hội thoại

Bé sẽ nhanh chóng tạo ra những "bài nói" một chiều, vì thế hãy dành cho con cơ hội để trả lời ngay từ khi bé chưa biết nói. Chẳng hạn, hỏi con "Con có thấy con chó kia không?", khi bé đáp lại bằng những tiếng "gư gư...", hãy nói "Đúng rồi, nó đang ăn bữa tối đấy".). Tương tự như vậy, hãy trả lời con khi bé bập bẹ về thứ gì đó quan tâm.

Tắt TV

Bạn có thể cho rằng bé hưởng lợi từ tất cả các dạng lời nói, nhưng dán mắt lên màn hình TV và nghe các bài hát, hội thoại phát ra từ nó thì thực sự có hại. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington, ở Seattle (Mỹ) phát hiện những trẻ 8-16 tháng biết ít hơn 6-8 từ vựng mỗi giờ trong một ngày nếu chúng xem các DVD dành cho trẻ nhỏ. Vì sao vậy? Sự tuần tự tới lui và tương tác xã hội là cần thiết để phát triển ngôn ngữ. Một nhân vật trong TV không phản ứng với bé, nhưng khi bạn mỉm cười và đáp lại con, bé biết bé đã làm điều đúng và được khuyến khích làm tiếp.

“Trả lời” trẻ

Bé sẽ học giao tiếp thông qua tín hiệu khóc. Trong năm đầu đời, khóc là phương tiện giao tiếp quan trọng ở bé. Bé khóc có thể do mệt mỏi, bị đói, muốn được mẹ chú ý, thích được ra ngoài chơi… do đó, mẹ hãy tích cực phản hồi lại tiếng khóc của bé nhé! Đó cũng là một cách dạy trẻ tập nói mà các mẹ có thể chưa biết.

Kiên nhẫn nếu trẻ chưa làm được như mong muốn

Cha mẹ cũng đừng nên quá đà trong việc tạo ra những trải nghiệm thú vị cho con, chỉ cần bạn thường xuyên nói chuyện và kiên nhẫn. Theo thời gian khi con bạn nghe được nhiều hơn nghĩa là vốn từ sẽ “giàu” hơn.

Các chuyên gia nói nói rằng, cách mà trẻ tiếp xúc với ngôn ngữ không quan trọng bằng số lượng từ mà trẻ thu nhận được. Số từ mà một trẻ 3 tuổi nghe được sẽ bằng với sự thành công sau này của trẻ.

 “Học nói” cùng trẻ

Dù bé mới bập bẹ, ê a… thì cha mẹ vẫn nên nói chuyện liên tục cùng bé. Khi còn nhỏ, việc bé tăng vốn từ vựng và dần biết nói sẽ thông qua một cách duy nhất là lắng nghe người lớn nói chuyện với nhau.

Giao tiếp với bé đôi khi giống như độc thoại bởi bé chưa nói được, vốn từ còn quá ít nên phản ứng với những câu hỏi của cha mẹ thường bị chậm. Nhưng chỉ cần có niềm tin rằng nói chuyện nhiều bé sẽ nhanh biết nói, cha mẹ/người thân sẽ có động lực để ‘tám’ với bé nhiều hơn. Đôi khi chỉ một câu nói bâng quơ, phiếm chỉ: “Để mẹ bế con nào” hay “Con yêu mẹ không?”… cũng có tác dụng lớn với khả năng ngôn ngữ của bé.

Hát và kể chuyện cho bé

Đây được coi là hoạt động quan trọng trong quá trình phát triển ngôn ngữ ở bé. Bởi vì, hát và kể chuyện là công việc lặp lại nhiều lần, thông qua đó, bé sẽ ghi nhớ và tập “ê, a” theo. Nếu bé đã đến tuổi biết vỗ tay và nhún nhảy, mẹ nên kết hợp việc cho bé nghe mẹ hát với hoạt động thể chất là vỗ tay hoặc nhún nhảy sẽ là cách dạy trẻ tập nói hay nhất.

VŨ NGA (Tổng hợp)/Theo ĐSPL