Dòng sự kiện:

Bí quyết giúp trẻ vượt qua "thất bại đầu đời"

17:04 01/07/2015
Mỗi khi trẻ thất bại, nhất là những lần đầu trong cuộc đời, cha mẹ nên để ý tâm trạng của trẻ giúp con vượt qua vấp ngã đầu đời. Một số những gợi ý hữu ích mà nhiều cặp cha mẹ sử dụng đã thành công để giải tỏa tâm trạng cho bé yêu.

Không ai trong chúng ta thích cảm giác thất bại bất cứ một việc gì đó. Với trẻ em cũng vậy, mỗi khi trẻ thất bại, nhất là những lần đầu trong cuộc đời, cha mẹ nên để ý tâm trạng của trẻ giúp con vượt qua vấp ngã đầu đời. Một số những gợi ý hữu ích mà nhiều cặp cha mẹ sử dụng đã thành công để giải tỏa tâm trạng cho bé yêu.

Ba mẹ cũng từng thất bại rất nhiều con ạ!

Hãy an ủi bé yêu bằng câu chuyện của chính cha mẹ.

Bạn rất ngại nói về điều này vị sợ trẻ sẽ xem thường mình, nhưng trên thực tế, trẻ con lại tỏ ra thích thú với những trải nghiệm của ba mẹ. Đó có thể là kỷ niệm lúc bằng tuổi con, bạn đã bị điểm 4 môn Toán chỉ vì làm bài cẩu thả hoặc bạn đã từng thi rớt đại học… Bạn hãy để trẻ nhận ra rằng thất bại là chuyện bình thường của cuộc sống, quan trọng là cách chúng ta đối mặt với chúng như thế nào. Thay vì lên một hình ảnhh hoàn hảo về bản thân, bắt con phải noi gương theo thì những câu chuyện thực tế của ba mẹ sẽ giúp trẻ có thêm can đảm và mạnh mẽ.

Con cần rút kinh nghiệm ở chỗ…

Khi con gặp thất bại, chúng ta cần bình tĩnh để tìm ra nguyên nhân. Có thể điều đó nằm ở tính cách của con, có thể do những yếu tố bên ngoài. Nếu như, đó là tính cách của con thì chúng ta cũng không nên quá lo lắng, vì đó không phải là việc không thể sửa chữa được vì bất cứ tính cách nào cũng có những ưu/khuyết điểm. Chỉ cần chúng ta biết tìm ra được ưu điểm dù có khi rất ít, để phát triển lên thì con sẽ dần dần đạt được những kết quả tốt hơn mà chính khi việc thất bại lại là một động lực để thúc đẩy con biết cố gắng hơn.

Dù con có thể rất đau lòng, nhưng mọi chuyện sẽ là những bài học đáng quý.

Nếu như đó là những yếu tố bên ngoài thì có khi con thất bại lại là một điều may mắn, vì qua đó chúng ta co dịp để nhìn lại những yếu tố bất lợi trong môi trường của con, để có được những biện pháp khắc phục hay thích nghi phù hợp, tránh được những thất bại nặng nề hơn trong tương lai.

Thay vì an ủi con bằng cách đổ lỗi cho cái này cái nọ, bạn nên phân tích cho con hiểu nguyên nhân của những thất bại đã qua. Nếu sai lầm đó xuất phát từ trẻ thì hãy để trẻ tự nhận lỗi và rút bài học cho mình. Dần dần, trẻ sẽ trưởng thành và bớt va vấp hơn trong những việc tương tự.
Con thất bại và cách giúp con vượt qua, Con thất bại và cách giúp con vượt qua1

Hãy thoải mái sáng tạo con nhé.

Nhiều ba mẹ muốn con có tương lai tốt đẹp nên ngay từ nhỏ đã bắt con phải học cái này, làm cái kia mà không cần biết trẻ có hứng thú hay không. Phải “học giùm”, “thực hiện thay” những ước mơ của ba mẹ nên nếu vấp ngã, trẻ rất sợ ba mẹ trách móc mà chẳng hề quan tâm đến nguyên nhân. Thay vì mắng con khi chúng thua điểm bạn bè, bạn hãy kiên nhẫn lắng nghe tâm tư của trẻ và cố gắng tìm điểm tốt để khen ngợi. Có thể những ước mơ của con bạn rất “trẻ con”, rất “viển vông” nhưng bạn đừng phớt lờ chúng. Bạn có thể tìm ra những tiềm năng của con và động viên trẻ phát huy. Đồng thời, con bạn sẽ rất vui nếu mỗi khi gặp thất bại đều được ba mẹ an ủi: “Đây không phải là kỳ thi/cuộc chơi cuối cùng, còn nhiều cơ hội ở phía trước. Cố gắng con nhé!”.

Con đã rất cố gắng

Thông thường, chúng ta hay đánh giá các hoạt động nhất là trong lĩnh vực học tập qua thành tích sau cùng là điểm số hay thứ hạng. Đây là điều đơn giản, dễ dàng và hợp lý. Tuy nhiên, điều này dễ khiến chúng ta đặt ra những chỉ tiêu, những kỳ vọng cao hơn khả năng thực sự của con, điều này khiến cho việc không đạt được những kết quả tốt nhất có khi trở thành một thảm họa cho con.

Hãy chỉ cho con biết mình đã cố gắng như thế nào!

Vì thế, chúng ta hãy đánh giá những cố gắng trong quá trình học tập để đạt đến những thành tích tốt nhất trong khả năng của con chứ không nên xem vào kết quả cuối cùng, mà không chú ý đến những cách thức mà con đã thực hiện để đạt được điều đó, vì có thể con đã dùng những mánh khóe hay thủ đoạn hơn là những nỗ lực chân chính, và kết quả đạt được không phản ánh một cách trung thực những khả năng thực sự của con. Đây có thể xem như một sự tồi tệ hơn là điều đáng tự hào.

 

Mọi việc sẽ ổn thôi.

Suốt quá trình phát triển của đời người, chúng ta sẽ liên tiếp phải đối mặt với rất nhiều thất bại. Bạn hãy hướng con đến những cái nhìn tích cực hơn của thất bại. Những thất bại này của con chỉ là những thất bại ban đầu và con cần phải tập dượt để vượt qua nó. Đó là một quá trình tập dượt toàn diện, kể cả cảm xúc, tâm lý, tinh thần, khả năng chịu đựng và cả cách đối diện, đứng lên sau vấp ngã.

Hãy trao cho con một cái ấm áp cùng câu nói "mọi chuyện sẽ ổn thôi".

Thất bại không quá tồi tệ, bởi khi chúng ta thành công, nhìn lại, ta sẽ phải cảm ơn những thất bại đã qua. Điều quan trọng là sau mỗi lần thất bại, chúng ta phải biết học hỏi, rút kinh nghiệm, để những lần sau ta không lặp lại những sai lầm, và đó là tiền đề để những bước đi sau của ta vững chắc hơn. Có như vậy thất bại ấy mới ý nghĩa.

Mỗi khi thất bại, trẻ rất hay để ý đến thái độ của bạn bè, người thân, đặc biệt là ba mẹ. Nếu bạn la mắng, giận dữ hay bày tỏ sự thất vọng, trẻ sẽ càng cho rằng “mình thật tệ”, “mình chẳng làm điều gì ra hồn cả”. Trẻ cũng sẽ thấy sai lầm đã qua là hiển nhiên, không cần sửa chữa nếu ba mẹ tỏ ra thờ ơ, không quan tâm đến cảm giác của con cái. Chỉ có những lời động viên đúng mực, thấu đáo của ba mẹ mới là “liều thuốc tinh thần” hữu hiệu giúp trẻ lấy lại cân bằng. Bạn có thể trấn an con bằng những lời khích lệ như: “Lần sau con chỉ cần cố gắng chút nữa là được”, “Mọi việc sẽ ổn thôi con ạ”.

Một số dấu hiệu, cách thức để cha mẹ gần gũi với con giúp trẻ vượt qua áp lực đầu đời:

- Các dấu hiệu nhận biết trẻ đang bị áp lực: Hàm răng nghiến chặt, cơ thể căng thẳng, nhịp thở tăng... Nếu đã nhận ra những biểu hiện đó, hãy giúp loại bỏ chúng khỏi con bạn. Hãy hợp tác cùng con để giải quyết vấn đề. Hãy nhớ rằng thất bại sẽ là bài học rất tốt cho trẻ nếu như bố mẹ biết cách xử lý.

- Đừng trách mắng khi con thất bại vì chính các em đang đau khổ lắm rồi. Thay vào đó, hãy tìm cách an ủi và giúp con nhận ra sai lầm của mình.

- Có thể đưa con đi tìm những cách để giảm căng thẳng, áp lực như đi chơi núi, học bơi, thể thao...

- Hãy nói cho con hiểu rằng ai cũng rất mệt khi leo núi, đến lưng chừng đã muốn nghỉ và đi xuống. Nhưng quang cảnh nhìn từ trên núi xuống là phần thưởng chỉ dành cho những người đã leo đến đích. Từ đó hãy cổ vũ, khuyến khích trẻ leo núi và tận hưởng cảm giác chiến thắng.

- Tôn trọng trẻ ngay cả khi chúng không tốt: Nếu bạn vẫn tôn trọng bé kể cả trong thời điểm bé có cư xử không tốt, con bạn sẽ biết những hành vi mà bạn mong đợi từ bé. Điều này cũng sẽ củng cố hành vi tích cực. Ngay cả ở trường, giáo viên có thể sử dụng kỹ thuật này bằng cách nhận xét như: 'Con hôm qua rất ngoan, chắc hôm nay con hơi mệt thôi'.

- Trẻ em thường làm theo gương của cha mẹ. Nếu bạn bị mất kiểm soát khi tức giận và bắt đầu la hét hoặc đánh người, thì con bạn cũng sẽ 'sao y bản chính'. Bạn không thể mong đợi bé thay đổi hành vi của mình nếu bạn tự mình 'nổ' mỗi khi bị áp lực.

- Gần gũi: Một trong những sai lầm lớn nhất cha mẹ mắc phải là tự tách mình ra khỏi con cái khi chúng đang lớn lên. Nếu biết quan tâm đến những gì bé đang làm, bạn có thể giúp làm dịu cơn giận của con. Hầu hết đứa trẻ tức giận hoặc cư xử không thích hợp thường ít được bố mẹ chú ý. Đừng khó chịu nếu con bạn muốn cùng bạn tham gia một số hoạt động, hãy xem đây là cơ hội vàng để gắn bó với chúng.

- Thiết lập giới hạn khi còn nhỏ: Nếu bạn quá nuông chiều con trong những năm đầu đời thì sau này bé sẽ đòi bạn đáp ứng tất cả nhu cầu cao hơn. Nếu bạn từ chối yêu cầu, bé sẽ nổi giận, nhưng bạn cần phải nói "Không" với con trong những trường hợp nhất định, để bé biết rõ ràng về các giới hạn.

- Dạy cho trẻ cách giao tiếp hiệu quả sẽ có tác dụng rất lớn trong việc đối phó với cơn giận giữ của chúng sau này. Cố gắng dạy cho bé cách thể hiện tình cảm thái độ bằng lời nói thay vì chửi bậy. Chúng cần được biết rằng để chứng minh một điều gì đó không nhất thiết phải sử dụng những lời lẽ thô tục, có thể giúp bé hiểu bằng trường hợp cụ thể.

- Không nên áp dụng hình phạt thể chất. Một hình phạt tốt sẽ giúp cho sự phát triển của trẻ, bạn có thể sử dụng những cách khác nhau thay vì đánh, mắng trẻ. Hãy nhớ rằng cách bạn cư xử với con khi đang tức giận sẽ đặt nền móng cho sự tức giận của bé sau này.

- Tâm sự: Khi cha mẹ tạo một mối quan hệ thân tình với con cái như bạn bè, trẻ sẽ tin tưởng thổ lộ những vui buồn của chúng để cha mẹ có lời khuyên kịp thời với những bức xúc chúng gặp trong đời.

 

PHƯƠNG MAI (Tổng hợp)