Dòng sự kiện:

Biên kịch phim 'Sống chung với mẹ chồng' nhiều lần ứa nước mắt khi làm dâu Hàn Quốc

Ngoisao.net
12:23 13/07/2017
Đặng Thiếu Ngân cho biết, ngay từ đầu, mẹ chồng cô đã không thích con trai lấy vợ nước ngoài.

Không sống chung với mẹ chồng mà tôi vẫn stress

- Trước khi trở về Việt Nam sinh sống và làm việc, chị từng có một khoảng thời gian dài làm dâu Hàn Quốc. Những ngày 'sống chung với mẹ chồng' đó của chị diễn ra như thế nào?

- Nếu so sánh mẹ chồng tôi với một số bà mẹ Hàn Quốc của các bạn thì quả thật, mẹ chồng tôi cũng khó tính hơn. Lý do một phần bởi tính cách, nhưng có lẽ mẹ tôi tốt nghiệp chuyên ngành Nội trợ - Làm vợ tại Lee Hwa, trường Đại học nữ danh tiếng nhất Hàn Quốc nên bà hoàn hảo, chu toàn trong mọi vấn đề. Bên cạnh đó, hoàn cảnh cũng tạo thêm cho bà sự nghiêm khắc, có những yêu cầu cao hơn với gia đình, trong đó có cả yêu cầu cho con dâu.

Mẹ chồng tôi dạy con trai rất nghiêm khắc, không cưng chiều bằng 2 chị gái. Khi tôi về làm dâu, tôi còn là "thuộc cấp" của chồng nên những tình huống mới lạ dành cho tôi khiến tôi cũng hơi choáng váng. Nhưng tôi nghĩ chắc ai lấy chồng cũng bị bỡ ngỡ, cần thời gian thích nghi nên tôi vui vẻ đón nhận, rồi vượt qua. Độ "kinh dị" đến đâu thì nếu có dịp viết kịch bản Sống chung với mẹ chồng Hàn tôi sẽ kể…

- Sự khắt khe này của bà với chị thay đổi như thế nào từ khi anh chị đang yêu tới lúc đã thành vợ chồng?

- Khi chồng tôi giới thiệu với mẹ rằng tôi là bạn gái và muốn cưới tôi, mẹ chồng tôi "ờ ờ", nhưng bà chỉ nghĩ là "nói vui". Mẹ chồng tôi không hề thích tôi, không chê gì cụ thể, vì bà không có nhu cầu tìm hiểu về cô gái Việt Nam - là tôi, hay tìm hiểu về chuyện tình yêu của con trai, bà chỉ quan tâm đến tương lai con mình, nghĩ rằng "không nên lấy vợ nước ngoài".

Rồi khi con trai nhất định xin cưới, bà đành sang Việt Nam hỏi vợ cho con trai trong tâm trạng rất thất vọng về con, nhìn tôi rất thiếu thiện cảm. Rồi một năm, 2 năm, 5 năm trôi qua, mẹ chồng tôi luôn tạo điều kiện cho tôi, tôn trọng cuộc sống riêng của chúng tôi, dạy tôi về nấu nướng, chia sẻ với tôi việc "chê con trai mình"... Tôi cũng không biết mẹ có thiện cảm với tôi nhiều không, nhưng bà chưa khi nào phản đối tôi về cách dạy con, chăm sóc gia đình hay đưa ra yêu sách cụ thể buộc tôi phải lựa chọn.

Đặng Thiếu Ngân không chiếm được thiện cảm của mẹ chồng trong lần gặp đầu tiên, bà sang Việt Nam hỏi vợ cho con trai với tâm trạng rất thất vọng...

- Hoàn cảnh gia đình chồng chị thuộc hàng 'trâm anh thế phiệt'. Liệu đó có phải là một lý do khiến mẹ chồng khó khăn hơn khi chọn con dâu - là chị?

- Thật ra tôi và chồng tôi là bạn lâu năm, ngày mới quen thì gia đình chồng tôi ở một thành phố khác, sau này khi tôi quyết định trở thành bạn gái của anh ấy, tôi cũng không hề biết nhà "ông này" đã chuyển về ngay sát trường tôi theo học... Tôi chẳng hề biết gì về điều kiện gia đình chồng, chẳng hề hỏi mẹ anh làm gì, chỉ biết bà hàng ngày đi chơi, đi bơi...

Nhưng đó là từ phía tôi, chồng tôi hiểu vậy còn với mẹ chồng, chắc cũng thoáng nghĩ tôi lấy con trai bà vì mê điều kiện của anh ấy, mẹ nào chẳng nghĩ con trai mình là nhất. Nhưng chỉ sau đám cưới khoảng vài tháng, cụ thể là một năm sau thì cả nhà chồng tôi ghi nhận tôi không hề biết gì và chờ gì từ sự hậu thuẫn của gia đình chồng tôi.

Tôi nghĩ, phụ nữ Việt Nam trong mắt mẹ chồng tôi hồi ấy giống như bây giờ có công tử Hà thành về xin phép cưới một cô gái ngơ ngác ở vùng dân tộc nào đó xa xa, kiểu Mù căng chải thôi…

- Bản thân chị cũng cho rằng mẹ chồng nghĩ chị mê điều kiện nhà anh ấy, vậy chị thấy thế nào với phát ngôn gần đây của một ca sĩ cho rằng 'Phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc chỉ vì tiền'?

- Vấn đề này đang gây khó chịu trong cộng đồng cô dâu Việt tại Hàn. Tôi nghĩ nếu ai nói câu này thì cũng có phần đúng, nhưng không phải với tất cả các cô dâu Việt lấy chồng Hàn.

Sự thật có rất nhiều cuộc tuyển vợ, những mong được đổi đời nhờ chồng Hàn, nhưng nhìn xã hội Hàn Quốc bây giờ thì thấy ngay, các cô dâu Việt rất chăm chỉ, khéo tay, không nề hà bất cứ việc gì, họ giúp chồng một cách say sưa, thậm chí so sánh giữa vợ Hàn và vợ Việt thì vợ Việt nhiều người tốt nhịn, tích cực hơn, nói ít, đòi hỏi ít hơn... Lấy vợ Việt, tôi thấy ít bạn kêu khổ trong khi các anh Hàn có vợ Hàn lại hay ôm đầu than mệt... Chắc xung quanh tôi chỉ có những người đàn ông Hàn may mắn nên được hạnh phúc không phải mua bằng tiền.

Nữ biên kịch "Sống chung với mẹ chồng" thừa nhận, chuyện làm dâu của chị còn "kinh dị" hơn trên phim...

- Trở lại câu chuyện trong gia đình riêng của chị, nếu có mâu thuẫn giữa chị và mẹ chồng thì cách xử lý của chị như thế nào?

- Tôi chưa từng có mâu thuẫn với mẹ chồng. Trong mọi tình huống, nếu mẹ không hài lòng, tôi lập tức xin lỗi và tự thấy mình chưa hoàn hảo. Chưa làm mẹ chồng ưng ý, tức là lỗi ở tôi, tôi sẽ tự cố gắng để làm vừa ý mẹ hơn.

Chồng tôi không bao giờ bị gây khó dễ vì sự bất hoà mẹ chồng nàng dâu, vì tôi quan điểm, một người đàn ông không yêu mẹ mình, thì sẽ không thể yêu người phụ nữ khác. Và mối "tình tay ba" này, là "cuộc chiến không cân sức", mình cứ xin giơ cờ trắng và đừng bắt chồng tham chiến. Bên cạnh đó, chồng tôi còn là tư vấn viên kiêm điệp báo viên, hướng dẫn viên... giúp tôi hiểu hơn về cá tính, sở thích của mẹ chồng.

- Sống chung với mẹ chồng nhiều năm nhưng chưa từng có mâu thuẫn. Bí quyết 'nịnh' mẹ chồng của chị là gì?

- Tôi miệt mài nịnh mẹ chồng tôi, từ khi bước chân về làm dâu cho đến lúc không có điều kiện gặp mẹ nữa, tôi đều nỗ lực để "đổi lấy nụ cười" của mẹ chồng. Thật sự rất nhiều lần tôi ứa nước mắt khi thấy mình "lăn xả tìm kiếm sự hài lòng" của mẹ chồng hơn hẳn số lần mình thể hiện tình cảm bằng hành động với mẹ đẻ.

Bố mẹ dạy tôi cách nhường nhịn và mẹ cũng nhường nhịn, chưa khi nào tỏ vẻ chạnh lòng nếu thấy tôi nỗ lực làm hài lòng mẹ chồng. Chẳng có bí quyết gì đặc biệt, tôi chỉ tâm niệm, người ta vất vả đẻ ra một cậu con trai, nuôi ăn học đàng hoàng, đủ tài năng phẩm chất để giờ mình hưởng thành quả, thì mình phải biết ơn, và mình là... người đến sau.

"Nhiều lần tôi ứa nước mắt khi thấy mình "lăn xả tìm kiếm sự hài lòng" của mẹ chồng hơn hẳn số lần mình thể hiện tình cảm bằng hành động với mẹ đẻ

Nguồn: Gia đình Việt Nam