Dòng sự kiện:

Bố mẹ cứ cư xử kiểu này đừng than thân trách phận nếu cuộc đời con sau này thất bại

Theo Trí thức trẻ
15:00 15/09/2017
Đây cũng chính là những sai lầm thường gặp trong cách dạy con mà ngay cả nhiều bố mẹ cũng không nhận thấy mình đang mắc phải.

Mỗi bậc cha mẹ có thể sẽ có nhiều cách dạy dỗ con cái khác nhau tùy vào từng tính cách của đứa trẻ cũng như quan niệm của mỗi nhà. Tuy nhiên có những điều bố mẹ tuyệt đối cần phải tránh vì có thể ảnh hưởng lớn đến sự trưởng thành và tương lai của con sau này.

Bố mẹ hay chỉ trích kịch liệt mỗi lần con làm sai, làm chưa tốt. Những lời trách mắng, miệt thị gây tổn thương đến tâm hồn đứa trẻ, làm cho chúng cảm thấy mình vô dụng, vô giá trị. Lâu dần có thể tích tụ thành sự giận dữ khi bố mẹ không tôn trọng con hoặc khiến cho trẻ mất tự tin, thậm chí tự khinh thường giá trị của mình.

Mãi mãi con trong mắt bố mẹ cũng không bằng “con người ta”. Mỗi người có những ưu khuyết điểm riêng, nếu bố mẹ cứ so sánh như vậy không chỉ tạo áp lực, khiến con căng thẳng tinh thần mà còn làm cho con có cảm giác kém cỏi. Cách so sánh này không có tác dụng làm con tiến bộ hơn mà chỉ phá vỡ niềm tin và lòng tự trọng của con.

Cha mẹ nuôi con không tính tháng tính ngày… đừng đem những công sức của mình suốt ngày kể lể với con, trách móc vì cho con mà bố mẹ không thể thực hiện được ước mơ, bố mẹ phải hy sinh thế này thế nọ... làm cho con nặng nề như một tội nhân. Gánh nặng tội lỗi đặt lên vai một đứa trẻ sẽ khiến chúng dễ từ bỏ ước mơ và mục tiêu trong cuộc sống.

Bố mẹ luôn xem mình là bề trên, lời nói của mình là đúng và con nhỏ thì luôn sai. Bố mẹ thường xuyên nói chuyện với con rất độc đoán và áp đặt. Với suy nghĩ như vậy, bố mẹ sẽ chẳng bao giờ có thể hiểu được con, lại còn dễ tạo ra những áp lực, khiến cho con trở nên rụt rè, không dám bộc lộ bản thân, không dám giao tiếp với mọi người.

Bố mẹ tự động quyết định tất cả mọi thứ cho con bởi vì họ cho rằng mình có kinh nghiệm và mình biết cái gì tốt nhất. Bố mẹ này luôn theo dõi con rất sát sao, không bao giờ chấp nhận con mắc sai lầm nên luôn dự trù trước mọi tình huống dùm con. Cũng chính vì vậy, đứa bé lớn lên sẽ luôn nhút nhát, ỷ lại, e sợ thử thách và không dám đối mặt với rủi ro. Trẻ lớn lên cũng khó chấp nhận thất bại, chúng dễ dàng mất niềm tin vào bản thân và có thể hủy hoại mình nếu như mọi chuyện không theo ý muốn.

Bố mẹ trút giận quát mắng con khi có một ngày làm việc mệt mỏi hoặc gặp chuyện không suôn sẻ. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực lên lòng tự trọng của trẻ và gây hậu quả nghiêm trọng đối với sự phát triển tâm lý và hành vi của trẻ về sau.

Bố mẹ mắng con xơi xơi trước mặt nhiều người, bạn bè, nơi công cộng… tệ hơn là còn đánh hay trừng phạt con. Đây là hành vi có thể khiến lòng tự trọng của con tổn hại một cách sâu sắc, khiến con xấu hổ về bản thân, cảm giác không được thương yêu và tôn trọng. Những suy nghĩ tiêu cực về bản thân làm cho con trở nên rụt rè, thiếu tự tin trong xã hội và hoài khi về giá trị của bản thân mình.

Trẻ con thật sự là một tờ giấy trắng, đẹp hay xấu, tinh tươm hay nhàu nhĩ đều có một phần rất lớn từ sự uốn nắn và giáo dục từ gia đình. Đối với trẻ, sự khích lệ, động viên, tôn trọng và tình yêu thương của bố mẹ chính chìa khóa để giúp chúng phát triển được bản thân mình tốt nhất. Dựa vào tinh thần đó, bố mẹ hãy tìm ra cách giáo dục con cho đúng đắn và phù hợp. Đừng để những cách cư xử tiêu cực của mình mà làm ảnh hưởng đến cả tương lai phía trước của con. 

Nguồn: Gia đình Việt Nam