Dòng sự kiện:

Bộ Y tế chỉ đạo khẩn để ứng phó với dịch bệnh có diễn biến phức tạp

14:02 15/10/2018
Bộ Y tế vừa có chỉ đạo khẩn về việc ứng phó với bệnh dịch sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết đang có diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây.

Trước tình hình bệnh dịch sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết có số mắc cao, diễn biến phức tạp và gia tăng  ở các tỉnh phía Nam trong thời gian qua, Bộ Y tế yêu cầu Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Cục Quản lý Dược… nhanh chóng phối hợp, tập trung lực lượng để ứng phó trong thời gian tới.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu Cục Y tế Dự phòng tăng cường giám sát, phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch. Đồng thời tăng cường lấy mẫu các trường hợp nghi mắc bệnh đặc biệt các trường hợp nặng, có biến chứng xác định sự lưu hành của týp virus gây bệnh và theo dõi sự biến đổi của virus.

Dự kiến số bệnh nhân đến khám, điều trị tại cơ sở y tế sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại các bệnh viện tuyến cuối, gây nên tình trạng quá tải và nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 62.000 ca mắc bệnh tay chân miệng (Ảnh:ND)

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, Cục đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn khẩn trương vào cuộc, nhằm khống chế dịch bệnh.

Theo đó, Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu các cơ sở y tế phải tổ chức, hướng dẫn khuyến cáo hoặc bắt buộc thực hiện yêu cầu những người bệnh sởi và nghi sởi mang khẩu trang khi đi khám bệnh, đối với trẻ nhỏ (không thể mang khẩu trang) thì người nhà dùng khăn giấy che miệng trẻ khi ho, hắt hơi.

Đối với bệnh tay chân miệng phải rửa tay bằng xà phòng mỗi khi chăm sóc, vệ sinh cho trẻ... Bệnh sốt xuất huyết thì phải phòng, chống muỗi đốt khi nằm viện (muỗi sốt xuất huyết đốt ban ngày, đặc biệt là sáng sớm hoặc buổi chiều tối).

Để tránh lây chéo trong bệnh viện, Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu các bệnh viện phải tổ chức phân luồng, bố trí khu khám riêng để sàng lọc bệnh sởi, nghi sởi.

“Chỉ cho nhập viện điều trị nội trú những ca bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết nặng và đúng tuyến điều trị để tránh quá tải. Đồng thời, cần có tư vấn, hướng dẫn người bệnh biết cách chăm sóc ca bệnh nhẹ tại nhà để giảm chi phí điều trị, tránh lây nhiễm chéo và quá tải bệnh viện.

Đối với những trường hợp bệnh nặng, bệnh viện phải tổ chức hội chẩn khoa, liên khoa, liên bệnh viện theo quy định hoặc xin ý kiến hướng dẫn, trao đổi thông tin, hỗ trợ về chuyên môn với tuyến trên. Các cơ sở y tế cần tăng cường nhân lực nếu bệnh nhân tăng cao, nhất là khu vực điều trị nội trú nhằm giảm quá tải cho nhân viên y tế.

Để giảm áp lực cho tuyến trên, không để các trường hợp nhẹ dồn về như từng xảy ra khi có dịch bệnh, gây hậu quả là quá tải bệnh viện và nhiễm chéo” ông Lương Ngọc Khuê đề nghị.

Trẻ bị bệnh tay chân miệng gia tăng tại các tỉnh phía Nam (ảnh: Lao động)

Ngoài ra, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng yêu cầu các bệnh viện tuyến cuối phải chú trọng công tác chỉ đạo tuyến. Sẵn sàng hội chẩn, góp ý, chỉ đạo chuyên môn qua đường dây nóng. Nếu thay đổi số điện thoại đường dây nóng hoặc người phụ trách thì phải thông báo kịp thời với cơ sở khám chữa bệnh và cá nhân liên quan. Công tác thường trực các đội cấp cứu cơ động, hỗ trợ tuyến dưới luôn sẵn sàng.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, để đảm bảo cung ứng thuốc phòng, điều trị bệnh tay chân miệng, ngày 11/10, Cục Quản lý Dược cũng đã có công văn khẩn yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ đạo về dự trữ, cung ứng thuốc. Đồng thời, báo cáo về Bộ Y tế trong trường hợp có nguy cơ thiếu thuốc phục vụ công tác phòng và điều trị bệnh tay chân miệng.

Cục Quản lý Dược cũng chỉ đạo các viện, bệnh viện chủ động lập kế hoạch mua sắm thuốc, cập nhật số lượng và tình trạng các ca mắc tay chân miệng để kịp thời liên hệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc để bảo đảm đủ thuốc cho công tác phòng và điều trị bệnh.

Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc phải chuẩn bị sẵn nguồn thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý để ưu tiên cung ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Nguồn: Gia đình Việt Nam