Dòng sự kiện:

Các triệu chứng của ngộ độc methanol khiến nhiều người nhập viện

11:02 11/03/2017
Methanol là chất không màu, không mùi, không vị, nhưng chỉ một lượng rất nhỏ cũng có thể gây ngộ độc, thậm chí chết người.

Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vừa cho biết trong ngày 10/3 đã có thêm 7 người ngộ độc methanol vào trung tâm.
Cả 7 người đều quê ở Gia Lai, đang là sinh viên Cao đẳng Sư phạm Hải Dương (cơ sở tại Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội); độ tuổi 21-27.

Nhóm bạn này đã mua khoảng 1,5 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ (không có nhãn mác) về phòng trọ để liên hoan, ăn uống từ trưa đến 24h ngày 8/3. Đến sáng 9/3, một số người đau đầu, mờ mắt và nôn ra máu nên được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 198 và sau đó chuyển đến Trung tâm Chống độc vào sáng hôm sau.

Methanol là chất không màu, không mùi, không vị, nhưng chỉ một lượng rất nhỏ cũng có thể gây ngộ độc, thậm chí chết người. Ảnh: Dân Việt

Tính chung từ 22-2 đến nay, riêng khu vực Hà Nội đã có 21 người ngộ độc methanol vào Trung tâm chống độc, trong đó có 1 người tử vong.

Theo các chuyên gia chống độc, mặc dù các phương tiện truyền thông đại chúng đã liên tục cảnh báo về tình trạng ngộ độc rượu chứa methanol trên thị trường; nhưng đáng tiếc, gần đây vẫn có nhiều bệnh nhân ngộ độc methanol phải vào viện. Đa số các ca bệnh đều do uống rượu trắng không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, các nhà sản xuất ham lợi nhuận đã pha cồn công nghiệp vào rượu để bán thu lời.

Methanol là chất không màu, không mùi, không vị, nhưng chỉ một lượng rất nhỏ cũng có thể gây ngộ độc, thậm chí chết người.

Dấu hiệu đầu tiên của ngộ độc methanol khó phân biệt với chứng say rượu thông thường. Có thể có các triệu chứng nhẹ trong vòng chừng một tiếng sau khi uống như nôn mửa, đau dạ dày, tương tự như ngộ độc rượu.

Sau chừng 12-24 tiếng, các triệu chứng rõ ràng hơn xuất hiện như đau đầu, chóng mặt, choáng váng, mắt mờ. Đây là khoảng thời gian rất nguy hiểm vì thường mọi người đã đi ngủ, bỏ mặc các dấu hiệu này và chẩn đoán bệnh chậm trễ.

Nếu mắt đã mờ đến mức khó có thể nhìn vào ánh sáng chói, đây đã là lúc nguy hiểm cần cấp cứu gấp.

Nếu cảm thấy có những triệu chứng bất thường sau khi uống rượu, mọi người nên lập tức khi khám. Tại bệnh viện, bác sĩ có thể chữa ngộ độc methanol bằng ethanol ngăn chặn quá trình hình thành axit formic. Họ cũng có thể sử dụng các loại thuốc như fomepizole ức chế methanol chuyển thành các độc chất vào cơ thể, hemodialysis làm sạch methanol trong máu…

Mai Nguyên (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam