Dòng sự kiện:

Cách cha mẹ dạy con quản lý tiền bạc từ nhỏ

Theo aklc/Phununews
15:02 08/08/2018
Một kỹ năng sống quan trọng cần dạy cho trẻ là việc quản lý tiền bạc một cách hợp lý. Hãy bắt đầu bằng việc đưa ra trợ cấp cho con bạn, và dạy chúng chi tiêu thông minh và tiết kiệm.

Biết cách tiêu tiền, biết quý trọng giá trị đồng tiền, biết quản lý tiền bạc là những bài học, những thói quen tốt đóng vai trò vô cùng quan trọng để trẻ lớn lên có thể trưởng thành, vững vàng, bản lĩnh hơn trong cuộc sống. Không bao giờ là quá sớm để dạy trẻ về những vấn đề này, hy vọng với cách dạy trẻ cách quản lý tiền hợp lý ngay từ nhỏ dưới đây sẽ giúp bố mẹ có thêm kiến thức, kinh nghiệm, định hướng trong việc chăm sóc, dạy dỗ các bé yêu hàng ngày.

Ảnh: Internet

1. Giai đoạn thứ nhất: Nhận biết tiền

Khi con còn đang bi bô tập nói, các bậc cha mẹ dạy chúng phân biệt tiền xu và tiền giấy, để cho chúng hiểu “tiền bạc có thể mua được bất cứ thứ gì chúng muốn”, quan trọng hơn là “tiền ở đâu mà có”.

2. Giai đoạn thứ hai: Kỹ năng cầm tiền

Vào lần đầu tiên khi con cái giữ nhiều tiền, phụ huynh sẽ kịp thời hướng dẫn con em mình cách chi dùng thỏa đáng. Nếu phụ huynh phát hiện ra con mình mua sắm linh tinh, họ sẽ trao đổi với trẻ rằng: Con cần giữ lại một số tiền nhất định trong tài khoản, rồi cùng con lập kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm ngắn hạn. Đến lúc đó, nếu con vẫn chưa thể kháng lại sức hấp dẫn của những thứ khác, thì buộc chúng phải chịu trách nhiệm trước hoạt động tiêu xài không hợp lý của mình. Cách làm này có ưu điểm là giúp trẻ biết “liệu cơm gắp mắm” ngay từ nhỏ, biết cân nhắc đến các khoản chi tiêu sắp tới và kế hoạch chi tiêu lâu dài.

Bạn cần nói cho trẻ hiểu tầm quan trọng và ý nghĩa, giá trị của việc tiết kiệm tiền, cần phải cho chúng hiểu việc tiết kiệm tốt chính là cái gốc cơ bản của sự ổn định và giàu có.
Tuy nhiên, bố mẹ cần có phương pháp chỉ bảo, phân tích cho trẻ phù hợp để chúng hiểu thế nào là tiết kiệm, mục đích của việc tiết kiệm và phân biệt được tiết kiệm khác hoàn toàn với keo kiệt, ki bo nhé, nếu không chúng sẽ bị lệch hướng ngay đấy.

3. Giai đoạn thứ ba: Kỹ năng kiếm tiền

Dạy trẻ nỗ lực kiếm thứ mình muốn: Bởi điều này sẽ cho trẻ hiểu rằng mọi thứ không dễ dàng gì mà có được, tất cả đều phải trải qua quá trình lao động vất vả, cực nhọc. Do đó, ngay khi trẻ còn nhỏ, bố mẹ không nên thỏa mãn mọi yêu cầu của trẻ, hãy giúp trẻ nhận biết được giá trị của những món đồ và buộc chúng phải cố gắng để có được điều đó.

Khi trẻ muốn mua một món đồ chơi mà chúng yêu thích, bạn đừng vội mua ngay cho chúng mà hãy cùng trẻ phân tích xem món đồ đó giá trị bao nhiêu, phải tiết kiệm trong khoảng thời gian bao lâu và trong thời gian tiết kiệm trẻ sẽ không được tiêu vặt nhiều, không được mua những món đồ chơi khác,… lúc ấy trẻ sẽ cảm nhận được để có được một điều gì đó dù nhỏ cũng phải nỗ lực, cố gắng như thế nào, chắc chắn các bé sẽ vô cùng vui sướng và biết trân trọng, giữ gìn món đồ mà chúng có được do chính bản thân chúng tiết kiệm, nỗ lực, cố gắng.

4. Giai đoạn thứ tư: Tri thức quản lý tài sản

Ngoài việc dạy con chi tiêu hợp lý, kiếm tiền hiệu quả ra, phụ huynh có thể nói cho con biết những tri thức quản lý tài sản cơ bản, hướng dẫn chúng một vài cuộc đầu tư nhỏ.

Bạn cũng có thể cho bé biết giá trị các mặt hàng và có sự quy đổi cụ thể ví dụ như để mua cho bé chiếc xe đạp, bố mẹ phải làm vất vả trong bao nhiều ngày, bạn cũng có thể cho bé một số tiền tương ứng với món đồ bé cần mua trong khi nó không thật cần thiết để bé tiết kiệm và sử dụng vào những việc lớn hơn, ý nghĩa hơn,… cứ như thế bé sẽ hiểu và biết quý trọng giá trị, ý nghĩa của tiền bạc trong cuộc sống.

5. Giai đoạn thứ năm: Châm ngôn quản lý tài sản

Bồi dưỡng kỹ năng quản lý tài sản cho con không nhằm mục đích biến trẻ thành cái máy kiếm tiền hay thần giữ của. Ngược lại, họ coi “giáo dục quản lý tài sản” cũng là một cách “giáo dục đạo đức” hay “giáo dục nhân cách”. Mục đích của việc làm cho trẻ hiểu được luân lý lao động, biết đầu tư và quản lý tài sản, không chỉ đơn thuần là truyền bá tri thức và rèn luyện kỹ năng sinh tồn, mà ý nghĩa sâu xa là giúp con trẻ trang bị những hiểu biết cần thiết và nhân sinh quan đúng đắn của cuộc đời.

Nguồn: Gia đình Việt Nam