Dòng sự kiện:

Cách chế biến món ăn thừa ngày Tết thành món khác ngon tuyệt

10:57 15/01/2017
Ngày Tết nhà nào cũng làm mâm cơm đủ các món và việc thức ăn thừa ra là không thể tránh khỏi. Để tránh lãng phí, chúng ta hãy cùng lưu lại những mẹo chế biến món khác

Thịt gà

Nấu cháo hoặc súp

- Phần xương và thịt trắng có thể dùng để nấu súp hoặc cháo đều rất ngon mà còn đổi vị cho cả nhà nữa.

Gà xé nhỏ ướp rang ruốc

Thịt gà thành sợi, ướp với bột nêm và chút nước mắm cho thơm, sau đó cho cả vào chảo, đảo đều với lửa nhỏ, vừa đảo vừa nêm nếm thêm cho vừa miệng.

Theo kinh nghiệm của chị em: “Khi rang ruốc đến lúc nào đó sẽ có ít thịt bị vụn ra dính ở phía đáy của chảo. Lúc đó không nên rang tiếp mà hãy đặt chảo ra 1 mặt phẳng hút nhiệt: ví dụ như sàn nhà bằng gạch, cái bàn bằng sắt… Để ra ngoài như vậy một lúc thì lớp thịt vụn bám trên mặt chảo sẽ bị tróc ra dễ dàng, chỉ cần dùng đũa ấn lớp ruốc ở phía trên di di vài cái là đáy chảo lại láng như lúc đầu.”

Làm nộm gà luộc thừa

Nguyên liệu:

- Thịt lườn gà: 300gr; cà rốt: 1 củ; hành tây: 1 củ nhỏ

- Lạc rang

- Gừng, rau mùi (hoặc rau răm), chanh, ớt, mắm, đường, gia vị, hạt tiêu

Thực hiện:

- Phần lườn gà khi luộc lên ăn thường bị khô nên nhiều người không thích, vì thế có thể tận dụng phần thịt này để làm món nôm gà sẽ dễ ăn hơn và ngon hơn. Lườn gà rửa sạch, đem luộc chín với 1 mẩu gừng đập dập và 1 ít hạt nêm, gia vị.

- Hành tây rửa sạch, thái mỏng, ngâm vào bát nước đá có nhỏ vào 1 thìa cà phê dấm khoảng 30 phút cho hành bớt hăng. Sau vớt hành ra để ráo nước, trộn hành với 1 thìa sữa chua đường, 1 thìa sữa chua gia vị..

- Cà rốt rửa sạch, gọt bỏ vỏ, nạo thành sợi. Bóp cà rốt với 1 thìa sữa chua muối, vắt cho kiệt bớt nước. Thịt gà luộc chín, dùng tay xé nhỏ. Ướp thịt với ½ thìa sữa chua gia vị, vài giọt nước cốt chanh và tí xíu hạt tiêu.

- Pha nước trộn nộm: vắt 1 quả chanh lấy nước cốt, thêm đường vào từ từ, quấy tan đường. Khi thấy nước chanh đường vừa đủ độ chua ngọt theo khẩu vị của bạn. Tiếp theo cho từ từ nước mắm vào cho đến khi thấy gần đủ độ mặn theo khẩu vị là được (nên pha nước mắm nhạt hơn khẩu vị một chút vì các nguyên liệu đều đã được ướp mặn).

- Cho cà rốt, hành tây, thịt gà, rau mùi (hoặc rau răm) thái nhỏ vào. Từ từ đổ nước mắm chua ngọt vào, vừa đổ vừa bóp đều cho đến khi nếm nộm thấy đạt được độ chua ngọt vừa ý thì dừng.

Dùng tay bóp đều để các nguyên liệu ngấm gia vị. Trước khi ăn cho nộm ra đĩa, rắc thêm lạc rang lên trên (lạc có thể để nguyên hạt hoặc dã dập làm 2 – 3 là tùy vào sở thích của mỗi người).

Giò chả và thịt lợn nguội

- Với các món chả lụa, chả bò, thịt nguội, lạp xưởng… bạn có thể mua thêm bánh mì về và làm bữa sáng cho cả nhà. Hoặc bạn có thể làm món gỏi củ kiệu với chả lụa, hay xào với các loại củ như su hào, mộc nhĩ, cà rốt,… Cách khác, bạn có thể dùng chúng để rim với tương đen và ớt làm thành món chính ngon miệng trong bữa cơm trưa.

- Thịt lợn nguội: Bạn có thể đem phần chuối xanh nấu chuối ốc đậu để đổi vị cho bữa cơm gia đình nhé! Vị chua ngon dân dã chắc chắn sẽ xua đi phần ngán ngẩm của mâm cỗ Tết nhiều đạm.

- Làm món nem từ thịt lợn thừa: Ngoài các món như nấu chuối đậu, kho... thì thịt lợn ế có thể băm nhỏ làm món nem ăn nóng ngày Tết cũng rất ngon.

Thịt bò

- Thịt bò cũng là một trong những thực phẩm thừa có thể “bị dư” sau Tết. Bạn có thể kết hợp thịt bò thừa với những củ cà rốt, và ít rượu vang để tạo nên món bò sốt vang lạ miệng, thơm ngon để cùng thưởng thức với mọi người trong nhà.

- Cách khác, bạn có thể bóp thấu với rau muống để làm thành món khai vị cho bữa tối.

Các loại thịt còn lại

Bạn có thể kho mặn chung thịt lợn, thịt gà và giò và rắc thêm chút hạt tiêu thơm lừng, món ăn của bạn vào những ngày trời lạnh sẽ cực kỳ thích hợp đấy.

Canh măng

Nếu bắt “xử lý” hết canh măng ngay sau những ngày Tết thì quả thực quá khó cho mọi người nên bạn hãy bảo quản canh măng vào hộp thực phẩm và để lên ngăn đông, khoảng 1 tháng sau Tết bỏ ra nấu lại chắc chắn lúc đó món canh sẽ rất “đắt hàng”.

Trái cây

Trái cây nhiều không ăn hết bạn có thể chuyển sang làm thạch trái cây hoặc làm hoa quả trộn sữa chua, vừa đẹp da nhuận tràng lại giải quyết hết phần trái cây “ế”.

Nguồn: Gia đình Việt Nam


TAG