Dòng sự kiện:

Cách dạy con phép lịch sự như thế nào cho hiệu quả?

Một học trò lịch sự nơi trường học sẽ là người lịch sự và được tôn trọng, yêu mến ở mọi nơi. Làm sao để dạy con phép lịch sự?

Uống xong chai nước, ăn xong chiếc bánh bao, một em học sinh lớp 3 vứt luôn vỏ chai, hộp đựng bánh xuống ngay cổng trường. Tôi chưa kịp nhờ, cậu con trai đã tự gom rác bỏ vào thùng nhưng cũng không quên “dằn mặt” đàn chị bằng câu quen thuộc mẹ đã dạy: “Vứt rác lung tung là không lịch sự đâu. Bạn phải bỏ rác vào thùng, nhớ chưa”! Vứt rác lung tung là một trong những hành vi chưa lịch sự thường thấy ở nhiều học sinh nơi trường học.

Để con dạy con phép lịch sự, bạn có thể áp dụng bí quyết “5 xin, 7 luôn, 10 không” sau đây. Đừng quên giải thích cho con tại sao phải làm điều đó bởi khi trẻ hiểu sẽ nhớ lâu và làm theo một cách vui vẻ, tự giác.

5 XIN

– Xin chào: Lời chào là cách dễ nhất để khởi xướng tương tác với người khác. Sau “xin chào”, con sẽ có một cuộc nói chuyện, kết bạn dễ dàng hơn. Lời chào cũng là cách con thể hiện sự tôn trọng người khác. Con có thể nói: “Con chào cô”, “mình chào bạn”…

– Xin lỗi: Xin lỗi khi mình có lỗi cho thấy con là người đủ thông minh và nhạy cảm để biết nhận lỗi và có trách nhiệm với lỗi của mình.

– Xin phép: Khi muốn đề nghị việc gì với người lớn, con nên “xin phép”. Nó chứng tỏ con ngoan ngoãn, nề nếp, nhã nhặn, tôn trọng người lớn. Đây là hai từ ngọt ngào khiến người nghe cảm thấy dễ chịu và nhờ thế dễ dàng chấp nhận đề nghị của con.

– Xin cám ơn: Cảm ơn khi ai đó giúp mình bất cứ việc nào là cách ghi nhận công lao, bày tỏ sự cảm kích, biết ơn người đã giúp mình.

– Xin mời: Trước khi ăn, con nên mời người lớn trước rồi mời bạn bè xung quanh (nếu ở trường). Đấy là biểu hiện của đứa trẻ lễ phép, ngoan ngoãn, ai ai cũng mến yêu. Đây là một thói quen tốt khi trưởng thành.

Dạy con phép lịch sự phải kiên nhẫn và đi từ những điều rất nhỏ.

7 LUÔN

– Luôn nhìn vào mắt người đối diện:

Nhìn vào mắt người khác, con có cảm giác tự tin hơn, bớt lúng túng, bớt sợ. Đôi mắt ấm áp, nhiệt tình của con cũng “truyền lửa” cho người đối diện, khiến họ cảm thấy được tôn trọng, được lắng nghe và chú ý. Họ cũng cảm thấy người trò chuyện cùng mình thân thiện, dễ gần và đáng tin cậy nên sẽ cởi mở hơn trong giao tiếp.

– Luôn lắng nghe người khác nói:

Khi ai nói bất cứ chuyện gì với con, hãy lắng nghe hết điều họ nói. Không cắt ngang lời, bởi như thế con sẽ không hiểu đúng điều người ấy muốn truyền đạt, có thể dẫn đến những mâu thuẫn và hiểu nhầm đáng tiếc.

– Luôn bỏ rác vào thùng:

Dù không phải rác do con thải ra, con cũng nên nhặt rác bỏ vào thùng. Đó là con đang gìn giữ ngôi trường của mình sạch, đẹp, bảo vệ môi trường mình đang sống và làm gương tốt cho các bạn khác.

– Luôn tươi cười, thân thiện:

Cười đem đến niềm vui, sự ấm áp cho người đối diện và cũng giúp con trở nên dễ gần, vui vẻ, hạnh phúc và tự tin hơn.

– Luôn giúp đỡ, chia sẻ:

Khi con biết sẻ chia, giúp đỡ, mọi người ngợi khen con là người tốt bụng. Vì con tốt bụng nên khi con gặp bất cứ chuyện gì cũng luôn có người sẵn sàng giúp đỡ con. Giúp đỡ người khác là giúp chính mình.

– Luôn giữ gìn nhà vệ sinh sạch sẽ:

Dù đi nặng hay nhẹ con cũng đừng quên xả nước. Giấy phải bỏ vào thùng và không đi dép leo lên bồn cầu. Giữ nhà vệ sinh sạch sẽ là giúp bạn vào sau không dính bẩn, cô tạp vụ đỡ vất vả, nhà vệ sinh bớt hôi và phá hủy môi trường sống của vi khuẩn, làm chúng không thể khiến con hay các bạn khác nhiễm bệnh.

– Luôn tạm biệt khi chia tay:

Nếu xin chào là lời mở đầu khi gặp gỡ thì tạm biệt là lời chào lúc chia tay. Lời tạm biệt thể hiện sự thân mật và khát khao gặp lại. Người lịch sự và tôn trọng người khác luôn biết nói tạm biệt khi chia tay. Con có muốn làm người lịch sự không?

Dạy con phép lịch sự là một việc cần làm liên tục, mỗi ngày và mang tính kỷ luật.

Dạy con phép lịch sự với 10 KHÔNG

– Không xô đẩy, chen lấn: Ra vào lớp, con đừng xô đẩy, chen lấn. Đấy là một người văn minh, có văn hóa.

– Không văng tục, chửi bậy: Nói tục, chửi bậy, chửi thề là không ngoan, không được mọi người quý mến.

– Không lấy hay sử dụng đồ của người khác khi chưa được phép: Con có giận khi người khác tự ý lấy đồ của con không? Nếu có, con đừng lấy đồ của người khác vì sẽ làm bạn giận, không muốn chơi với mình nữa.

– Không chê bai, nói xấu bạn khác: Nếu nghe được, các bạn sẽ buồn và rất giận con. Con tôn trọng bạn, bạn cũng tôn trọng con.

–  Không nói quá to: Vì nói quá to là làm phiền người khác, khiến họ khó chịu, mất tập trung.

– Không nói trổng: Nói trổng là bất lịch sự, không tôn trọng người khác, khiến người nghe khó chịu. Nói với ai cũng phải có chủ ngữ con nhé.

– Không chỉ tay vào mặt bạn bè khi giận dữ. Đó là “ngòi nổ” của những cuộc ẩu đả nơi trường học.

– Không mách lẻo: Mách lẻo khiến bạn xem thường con. Bạn có lỗi gì, tốt nhất con nên tìm cách tế nhị để góp ý trực tiếp với bạn!

– Không trêu chọc những bạn yếu đuối hoặc nhỏ tuổi hơn:Kẻ bắt nạt đã xấu. Bắt nạt người yếu thế hơn mình lại càng xấu. Đó là người tàn nhẫn.

Không ho, hỉ mũi trước mặt người khác. Nó khiến người khác cho rằng con ở dơ, ở bẩn. Chỉ cần dùng tay hoặc khăn che miệng, mũi, con đã trở thành người lịch sự.

Dạy con phép lịch sự, bạn phải nghiêm khắc và cũng đừng nên làm con quá căng thẳng, sợ hãi, sẽ phản tác dụng.

Nguồn: Gia đình Việt Nam