Dòng sự kiện:

Cách giao tiếp của bố mẹ giúp trẻ dù bướng cách mấy cũng nghe lời răm rắp

Theo PNN
07:57 30/09/2017
Để con bướng bỉnh trở nên nghe lời "răm rắp", đồng thời cũng giúp bạn trở thành những người cha, người mẹ tốt trong mắt con cái, bạn cần biết các mẹo giao tiếp cùng trẻ dưới đây!

Nhẹ nhàng

Đối diện với những đứa trẻ bướng bỉnh, không biết nghe lời, nhiều cha mẹ dùng cách la hét mà không biết điều này không hề tốt cho trẻ chút nào, thậm chí chúng còn có xu hướng đi ngược lại với những điều mà cha mẹ nói nữa. Do đó, để dạy con ngoan, biết nghe lời, cha mẹ luôn phải giữ cho mình một tâm thái bình tĩnh, nhẹ nhàng, nói từ từ một cách ân cần cho con hiểu vấn đề cha mẹ muốn truyền đạt.

Đôi khi sự la hét, tức giận của cha mẹ chỉ làm trẻ ngày càng bướng hơn mà thôi. Còn những lời nói từ tốn, nhẹ nhàng sẽ là một sự lựa chọn tuyệt vời trong phương pháp dạy con này, bởi lúc đấy, những trẻ đang mất bình tình nghe lời nói nhẹ nhàng sẽ tập trung hơn vào điều cha mẹ nói, bỗng chốc lời nói của cha mẹ sẽ trở nên có trọng lượng rõ rệt. Do đó, dạy con đừng nóng vội, không phải ngày một ngày hai mà thành, hãy từ từ, chậm rãi, luôn cân nhắc và đặc biệt hãy cho trẻ có thời gian lắng nghe, hiểu dần những lời hay ý đẹp mà cha mẹ dạy, như thế trẻ dần sẽ ngoan ngoãn, biết nghe lời.

Chủ động

Để trẻ có thể tập trung lắng nghe điều cha mẹ nói một cách nghiêm túc, bạn cũng phải biết cách khiến cho điều mình muốn nói trở nên quan trọng và thật sự nghiêm túc. Do đó, bạn hãy nhẹ nhàng đến bên con, cuối xuống và thậm chí là ngồi xuống cho ngang tầm với con, bởi nếu bạn giữ khoảng cách gần gũi con nhất có thể, trẻ sẽ dễ dàng tập trung lắng nghe bạn hơn. Khi đó, bé cũng sẽ cảm giác được bố mẹ đang rất yêu thương và nhẹ nhàng với mình, việc trẻ sẽ dễ nghe lời hơn là lẽ đương nhiên.

Thể hiện sự mong đợi

Thay vì ra lệnh, bạn hãy tập thói quen dùng lời nói của mình thể hiện sự mong muốn đối phương thực hiện một cách nhẹ nhàng, như thế bé sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc bố mẹ mong mình làm, nếu không bố mẹ sẽ buồn, nếu không mình sẽ không phải là một đứa trẻ ngoan. Thí dụ, thay vì nói: Con ăn nhanh lên! Thì hãy nói: Mẹ cần con ăn nhanh hơn. Thế nhưng không phải trong trường hợp nào áp dụng dạng này cũng thành công, do đó, mẹ cũng cần phải thật cẩn thận, lựa lời mà nói với trẻ, để tránh tình trạng con đáp trả bằng câu nói không mấy lễ phép: Con không làm thì sao?

Là người biết lắng nghe

Để dạy trẻ nghe mình, trước hết, những người cha người mẹ phải là người biết lắng nghe. Do đó, cha mẹ nên dành nhiều thời gian bên con, tâm sự và lắng nghe con. Việc lắng nghe của cha mẹ sẽ giúp con có cơ hội được nói lên suy nghĩ, cảm xúc trong lòng mình, từ đó cha mẹ mới hiểu được vấn đề và đề ra cách giải quyết tốt nhất. Đừng là một người cha người mẹ chỉ biết áp đặt, hãy trở thành những người bạn để con cảm giác được sẻ chia, và để những lời cha mẹ nói trở thành những lời khuyên hết sức nhẹ nhàng để giúp trẻ ngày một ngoan ngoãn hơn.

Chúc các bậc cha mẹ thành công trong cách nuôi dạy con mình!

Nguồn: Gia đình Việt Nam