Dòng sự kiện:

Cách khắc phục khi trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày

Trào ngược dạ dày là tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh. Theo thống kê, có đến hơn 80% trẻ sơ sinh gặp phải tình trạng này trong 2 tháng đầu đời.

Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày

Triệu chứng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh xảy ra khi thức ăn bị đẩy ngược từ dạ dày về thực quản gây nên tình trạng nôn, trớ. 

Giải thích về nguyên nhân trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày, bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương, Giảng viên bộ môn Nhi Đại học Y dược TP.HCM, cho biết trào ngược dạ dày là hiện tượng sinh lý thường gặp. Ở các bé, phần cơ vòng thực quản dưới chưa hoàn thiện nên giãn ra thường xuyên trong khi dạ dày có kích thước rất nhỏ, bé thường bú sữa khi nằm nên khi bú quá no rất dễ xảy ra hiện tượng trào ngược.

Ảnh: Internet

Triệu chứng phổ biến của trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh là nôn, trớ. Nôn là hiện tượng phun mạnh sữa, thức ăn ra miệng. Khi có hiện tượng nôn, cha mẹ sẽ thấy bụng trẻ co thắt mạnh vì có sự tham gia của cơ bụng.

Trong khi đó, trớ (hay còn gọi là ợ) là hiện tượng trào sữa hoặc thức ăn ra miệng, không do gắng sức nên chảy ra nhẹ nhàng, cha mẹ sẽ không thấy bụng bé co thắt. Hiện tượng này xảy ra bất ngờ, không có sự báo trước như hiện tượng nôn.

Theo bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương, trào ngược dạ dày có thể xảy ra nhiều lần trong ngày, chủ yếu vào thời điểm sau khi trẻ bú mẹ và không gây ra triệu chứng nào khác. Hiện tượng này không phải là bệnh. 

Cần làm gì khi trẻ bị trào ngược dạ dày?

"Theo thống kê, có khoảng 70 – 85% trẻ sơ sinh có hiện tượng nôn trớ trong 2 tháng đầu đời. Tình trạng này có thể được cải thiện nhờ vào sự chăm sóc cẩn thận của cha mẹ", bác sĩ Thùy Dương thông tin.

Trường hợp trào ngược dạ dày thực quản không biến chứng, cha mẹ không cần can thiệp quá mức. Sau khi cho trẻ sơ sinh bú, mẹ nên vỗ lưng cho con ợ hơi rồi cho nằm với vị trí đầu cao hơn người trong khoảng 30 phút. Cha mẹ cũng có thể sử dụng các loại gối chống trào ngược mà không làm gập cổ trẻ.

Nếu bé nôn trớ nhiều, mẹ có thể chia nhỏ cữ bú, cho trẻ bú nhiều lần lơn để lượng sữa tiêu hóa mỗi lần ít hơn. Bác sĩ Thùy Dương khuyên các bậc cha mẹ không nên quấn tã quá chặt, không xốc mạnh bé sau cữ bú nhằm giảm tình trạng trào ngược dạ dày.

"Hiện tượng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh sẽ trở thành bệnh khi chúng xảy ra thường xuyên với tần suất dày đặc làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hoặc làm nặng thêm các bệnh sẵn có như: Chậm tăng cân, rối loạn giấc ngủ, viêm thực quản, nôn ra máu, viêm phổi tái đi tái lại; nhiều trường hợp gây nên tình trạng ngừng thở, đột tử ở trẻ sơ sinh. Thấy con có những biểu hiện này, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám kịp thời", bác sĩ Thùy Dương nhấn mạnh.

Nguồn: Gia đình Việt Nam