Dòng sự kiện:

Hướng dẫn mẹ cách nêm gia vị chuẩn vào thức ăn của trẻ theo từng độ tuổi

15:00 22/10/2016
Nêm gia vị như thế nào mới chuẩn là thắc mắc của rất nhiều ông bố bà mẹ khi nấu ăn cho trẻ. Dưới đây xin hướng dẫn các mẹ về mức nêm gia vị chuẩn theo độ tuổi để giúp trẻ ăn ngon miệng và đảm bảo sức khỏe.

Tác hại khi mẹ nêm gia vị quá mặn, quá ngọt cho trẻ

Ở giai đoạn từ 6 tháng đến 3 tuổi (tính từ lúc trẻ bắt đầu ăn dặm), vị giác của trẻ sẽ học cách nhận biết và phân biệt các mùi vị khác nhau. Do đó, vị giác của trẻ rất nhạy cảm. Nghiên cứu cho thấy, ở trẻ dưới 3 tuổi có khoảng 10000 chồi vị giác, trong khi người lớn chỉ có khoảng 5000 vị giác. Điều này có nghĩa là, nếu bố mẹ cảm thấy vị mặn vừa miệng thì đối với trẻ sẽ là rất mặn. Chính vì thế, việc mẹ dùng lưỡi của mình để thử vị cho thức ăn của trẻ là không chính xác. Thói quen này dễ dẫn tới tình trạng rối loạn vị giác và là một trong những nguyên nhân gây chứng biếng ăn ở trẻ.

Bên cạnh đó, ở những năm đầu đời, nhu cầu về muối và đường của cơ thể trẻ rất nhỏ. Nếu mẹ nêm nếm thức ăn quá mặn, quá ngọt hay quá cay, dùng quá nhiều gia vị có thể gây tích tụ muối trong cơ thể, gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm sau này như gan, thận, huyết áp, tim mạch, đái tháo đường…

Mức nêm gia vị chuẩn cho trẻ theo độ tuổi

Trẻ dưới 1 tuổi

Đây là giai đoạn mẹ không nên nêm bất kì loại gia vị nào vào thức ăn của trẻ. Khi trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm (từ 6 tháng tuổi trở lên), trẻ sẽ tập làm quen với các món luộc, cháo, súp. Tốt nhất mẹ nên chế biến các món ăn và giữ nguyên hương vị sẵn có của chúng. Điều này vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ, vừa tốt cho sự phát triển thị giác. 

Nếu trẻ sử dụng bột ăn dặm, mẹ cũng không nên cho thêm muối, bột ngọt hoặc nước mắm vào món ăn của trẻ vì trong những sản phẩm này đã được tính toán lượng muối phù hợp với nhu cầu của trẻ. 

Trẻ từ 1 - 3 tuổi

Ở giai đoạn này, chức năng thận và vị giác của trẻ đã được hoàn thiện đáng kể, do đó mẹ có thể nêm thêm gia vị vào thức ăn của con để tăng thêm khẩu vị. Tuy nhiên, trong đồ ăn của trẻ vẫn nên hạn chế đường, mắm, muối để giảm thiểu các nguy cơ bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường…

Trẻ trên 3 tuổi

Với những trẻ trên 3 tuổi, mẹ có thể cho con ăn theo khẩu vị của gia đình. Theo đó, mẹ có thể nêm 1,9g muối/ngày cho trẻ từ 4 - 8 tuổi và trẻ từ 9 - 18 tuổi nêm 2,2 - 2,3g muối /ngày

Có nên nêm muối i-ốt vào cháo/bột ăn dặm?

Một số mẹ cho rằng, để bổ sung i - ốt cho trẻ cần phải nêm muối i - ốt vào thức ăn. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng vì bản thân các loại tôm, cua biển, mực, trứng, gan heo, thịt bò, rong tảo, phô mai, bột mì, mì sợi, đậu phộng, rau xanh... đều chứa lượng muối i - ốt nhất định. Nếu mẹ nêm thêm i - ốt vô tình khiến con thừa i - ốt. Tốt nhất, các mẹ nên bổ sung muối i - ốt thông qua thực phẩm tự nhiên thay vì nêm muối có chứa thành phần i - ốt cho trẻ nhỏ.

Sức khỏe Cộng đồng