Dòng sự kiện:

Cách nhận biết các loại nấm độc để tránh ngộ độc nguy hiểm

08:57 29/03/2017
Việc phân biệt nấm độc với nấm lành không phải dễ, kể cả với nhà chuyên môn.

Mới đây thông tin 3 nạn nhân trong một gia đình ở Chi Lăng, Lạng Sơn nguy kịch vì nhiễm độc nấm khiến nhiều người xót xa.

Trước đó, chiều 22/3, ba bệnh nhân này được chuyển đến Trung tâm Chống độc trong tình trạng nặng do ăn phải nấm độc. Xét nghiệm cho thấy các bệnh nhân bị tổn thương gan nặng và suy gan, suy thận cấp. Các bệnh nhân được chỉ định lọc máu để hấp phụ và giải trừ chất độc; điều trị suy thận…

Sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân Chu Văn Vinh, 30 tuổi (con trai) vẫn không tiến triển, tình trạng xấu nên gia đình đã xin về vào chiều 27/3. Còn người bố là Chu Văn Mai hiện vẫn đang trong tình trạng nặng, đe dọa tính mạng. Chỉ có người mẹ là Hà Thị Cúc thì tiến triển tốt, bác sĩ khẳng định 90% đã thoát khỏi cửa tử.

Nấm ô tán trắng phiến xanh cũng là một loại nấm độc, nhiều người dễ hái ăn nhầm. Nguồn Trung tâm Chống độc.

Chia sẻ trên báo VnExpress, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội) cho biết, hiện nay nhiều người cho rằng nấm độc có màu sắc sặc sỡ là không đúng. Trung tâm tiếp nhận cấp cứu nhiều người ăn loại nấm trắng rất ngọt, mềm nhưng lại là loại nấm cực độc. Kể cả côn trùng ăn nấm độc, người ăn côn trùng này cũng có thể bị ngộ độc.

Theo tiến sĩ Dũng, nhiều người sai lầm trong cách nhận diện nấm độc. Ví dụ như gà, chó… ăn nấm trước, nếu sau 1- 2 giờ không chết hoặc không bị ngộ độc thì kết luận là nấm không độc. Thật ra cách này chỉ đúng với một số loại nấm có tác dụng nhanh. Nấm gây chết người thường có tác dụng chậm, sau 12-24 giờ mới có triệu chứng đầu tiên, động vật chỉ chết sau 4-5 ngày. Một số người thử nấm bằng thìa, đũa, dây chuyền… bạc, nếu bạc đổi màu xám đen thì nấm độc. Cách này hoàn toàn sai bởi các loại độc tố của nấm không tác dụng đối với bạc nên không gây đổi màu.

Việc phân biệt nấm độc với nấm lành không phải dễ, kể cả với nhà chuyên môn. Tại Cao Bằng, các chuyên gia đã tìm thấy 13 loại nấm độc.

hạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên lên rừng hái nấm hoang dại ăn kể cả nấm màu trắng, nấm có đầy đủ các phần của thể quả… Chú ý không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo, khó nhận dạng.

Nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi hay dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc. Không ăn nấm đã bị thối rữa ôi thiu.

Mai Nguyên (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam