Dòng sự kiện:

Cách tạo lãi ròng từ số tiền đầu tư nhỏ

Theo PNVN
09:02 14/05/2017
Khái niệm “nhà đầu tư” thường được gắn với những người có khoản tiền lớn, đầu tư vào các dự án lớn. Tuy nhiên, chuyên gia tài chính cho rằng, những người chỉ nắm trong tay một khoản tiền nhàn rỗi không quá lớn vẫn có thể tham gia đầu tư một cách hiệu quả.

Vợ chồng chị Thu Trang, ngụ tại quận 2, TPHCM, đều là người làm công ăn lương. Sau thời gian dành dụm, họ có được 200 triệu đồng để làm vốn. Tuy nhiên, suy nghĩ, bàn tính mãi mà họ vẫn không tìm được hướng làm ăn hiệu quả, vì khoản tiền đó khá nhỏ để có thể sinh lợi trong thời gian ngắn mà không “xâm lấn” quỹ thời gian cho công việc chính.

May mắn cho họ là giữa lúc đang bế tắc về hướng làm ăn, thì có một người bạn thân cần vốn để đầu tư một cơ sở dịch vụ với tổng nhu cầu vốn khoảng 3 tỉ đồng. Người bạn này cho biết, anh có thể huy động từ nhiều nguồn, chấp nhận cả những khoản đầu tư không quá lớn và đảm bảo lợi nhuận ở mức cao 5-7%/tháng. Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về cách thức làm ăn, tính toán một cách kỹ lưỡng về khả năng sinh lợi tối thiểu, vợ chồng chị Trang nhận thấy đó là hướng làm ăn khả thi và an toàn.

Ảnh minh họa

Hiện giờ, cơ sở dịch vụ đó đã đi vào hoạt động, anh chị tham gia với vai trò đồng sở hữu và hưởng nguồn thu đều đặn 12-14 triệu đồng/tháng. “Với điều kiện như hiện nay, tỉ suất lợi nhuận như vậy là rất cao, nhiều loại hình đầu tư khác khó lòng đạt được. Theo đề án ban đầu, cơ sở dịch vụ này sẽ hoạt động liên tục khoảng 40 tháng rồi mới tính đến chuyện tái đầu tư nhằm nâng cấp. Khi ấy, mình không những đã hoàn vốn mà còn có một khoản “lãi ròng” đáng kể, hoàn toàn có thể tiếp tục tham gia tái đầu tư trong giai đoạn sau”, chị Trang nhận định.

Thời kỳ nhiều cơ sở dịch vụ nở rộ, có khả năng “ăn nên làm ra”, trong khi có khá nhiều chủ dự án mặc dù đã xây dựng được phương hướng phát triển giàu triển vọng nhưng lại thiếu vốn đầu tư. Việc góp vốn là những khoản tiền vừa phải (từ 100 triệu đồng trở lên) để trở thành những nhà đầu tư tại các “dự án” có quy mô không quá lớn là ý tưởng không tồi.

Tốt nhất là hãy nhờ những người có kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh thẩm định dự án trước khi quyết định góp vốn. Ảnh minh họa Tuy nhiên, sẽ vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro nếu như những “nhà đầu tư nghiệp dư” thiếu kinh nghiệm và kỹ năng để đánh giá về tiềm năng của dự án, tính toán một cách chính xác khả năng sinh lợi, dự liệu trước những tình huống xấu có thể xảy ra…

Một số người có kinh nghiệm tư vấn rằng, thứ nhất, việc góp vốn nhỏ (với tỉ lệ khoảng 1-5% tổng vốn dự án) để hưởng lợi nhuận phát sinh chỉ nên thực hiện một khi chủ dự án là những người thật sự thân thiết, đáng tin cậy. Bởi nếu gửi vốn vào những chỗ không đáng tin cậy thì người quản lý tiền (chủ dự án) sẽ có vô số lý do để “hô biến” khoản tiền của các “nhà đầu tư” mà không hề bị “vướng” về luật.

Điều cần lưu ý thứ 2, đó là “chất lượng” của dự án. Chỉ nên góp vốn vào những dự án gần như chắc chắn có khả năng sinh lợi - trừ những rủi ro bất khả kháng. Tốt nhất là hãy nhờ những người có kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh thẩm định dự án trước khi quyết định góp vốn.

Cuối cùng, nếu đã thực sự chọn được dự án an toàn và đảm bảo khả năng sinh lợi, thì bạn cũng cần tính tới việc sử dụng tiền từ lợi nhuận một cách họp lý. Cần phải duy trì vị thế “nhà đầu tư” của mình một cách bền vững bằng chính nguồn tài chính thu được - bao gồm cả vốn gốc và lợi nhuận. Bởi dự án nào cũng có “vòng đời” nhất định, sau một thời gian cần phải tái đầu tư, nâng cấp. Lợi nhuận sau mỗi lần tái đầu tư cũng thường sẽ tăng lên. Có sẵn vốn để tái đầu tư là một cách để giữ cơ hội làm ăn vẫn nằm gọn trong tay mình.

Nguồn: Gia đình Việt Nam