Dòng sự kiện:

Cách tiêu tiền có lợi nhất cho bạn

Theo VNE
10:50 10/05/2018
Mua đồ, hãy trả tiền luôn, chứ đừng trả sau hay trả góp từ từ, nhờ thế bạn sẽ thoát khỏi cảnh 'đau lòng vì mất tiền'.

Dan Ariely là giáo sư kinh tế học hành vi tại trường đại học Duke (Mỹ), tác giả của cuốn Small Change. Trên Business Insider, Ariely cho rằng, một trong những điều thú vị của tiền bạc là tầm quan trọng của thời điểm chúng ta thanh toán tiền. Khi mua một món đồ hay một dịch vụ nào đó, bạn có thể trả hết toàn bộ, trả dần hoặc trả sau khi sử dụng. Trong đó, trả trước là cách tốt nhất giúp bạn có thể trải nghiệm toàn diện về những thứ mình mới mua. 

Dan Ariely - Ảnh: CKGSB Knowledge.

Dan Ariely ví dụ, thử tưởng tượng bạn chuẩn bị đi nghỉ mát, và bạn có thể trả tiền trước, trong hoặc sau chuyến đi. Cách trả tiền ảnh hưởng rất nhiều đến những trải nghiệm trong kỳ nghỉ của bạn.

Nếu bạn trả tiền trước, khi bạn bắt đầu kỳ nghỉ, tất cả mọi chi phí đã được thanh toán và bạn không còn phải băn khoăn về tiền bạc nữa. Việc của bạn chỉ là tận hưởng kỳ nghỉ.

Nếu trả tiền khi kết thúc chuyến đi? Khi mới bắt đầu kỳ nghỉ, bạn không băn khoăn nhiều về tiền bạc, nhưng càng về cuối bạn càng nghi ngại nhiều hơn về tiền và bạn bắt đầu có chút lo lắng.

Tệ nhất là bạn trả tiền dần trong suốt chuyến đi, bởi vì lúc nào bạn cũng phải lo lắng vì tiền, và chất lượng của trải nghiệm sẽ bị giảm nghiêm trọng.

Hay lấy một ví dụ khác như bạn muốn mua một chiếc xe hay một cái điện thoại. Trả hết ngay từ ban đầu, bạn có được cảm giác sử dụng thoải mái nhất. Trong khi trả góp khiến bạn luôn tâm lý mang nợ, dẫn đến sự mệt mỏi trong suốt quá trình trả tiền.

Sự mệt mỏi khi tiêu tiền được gọi bằng thuật ngữ "càng tiêu càng đau" (pain of paying). Thuật ngữ này cơ bản nói rằng, khi tiêu tiền, chúng ta luôn có tâm lý đau đớn khi phải xuất tiền ra. Một số nghiên cứu hình ảnh não bộ đã chỉ ra có cái gì đó giống như đau đớn thể chất khi chúng ta tiêu tiền.

Ariel cũng bổ sung, sự đau đớn đó có thể loại bỏ dễ dàng bằng cách tiêu tiền của người khác. Nếu bạn nhặt được tiền, được cho tiền, hoặc có các voucher miễn phí, bạn không phải cảm nhận nỗi đau đó. Vì thế, người tự kiếm ra tiền bao giờ cũng chi tiêu hợp lý và lâu hơn người được cho tiền để tiêu. Người bỗng dưng có tiền thường chi tiêu bừa bãi, không có kế hoạch vì họ có tâm lý "đó không phải là tiền của mình".

Ariel cho rằng, điều thú vị của tâm lý càng tiêu càng đau là nó thay đổi cách chúng ta thưởng thức một thứ gì đó. Đó chính là lý do vì sao nếu muốn mua một thứ gì, bạn nên tiết kiệm đủ tiền để có nó, thay vì mua trả góp sẽ mang thêm "những nỗi đau trả tiền'.

Giáo sư Dan Ariely cho rằng, khi đã qua trải nghiệm càng tiêu càng đau, bạn sẽ biết cách chi tiêu hợp lý hơn, tiết kiệm được tiền, đồng thời cũng có được trải nghiệm sử dụng thoải mái nhất.

Nguồn: Gia đình Việt Nam