Dòng sự kiện:

Cách xử trí khi con trẻ đánh bạn ở trường

07:05 28/03/2019
Thường thì hầu hết phụ huynh sẽ nổi giận khi biết con đánh bạn ở trường. Thế nhưng đây có phải là cách dạy con đúng đắn?

Quát mắng khi trẻ đánh bạn là cách cư xử thiếu công bằng với con trẻ

Cha mẹ cần bình tĩnh khi thấy trẻ đánh bạn, đừng vội quát mắng (Ảnh minh họa: Internet)

Thực tế mà nói, trẻ con chơi với nhau và đôi khi không kiểm soát được hành động, hoặc do trêu đùa quá trớn mà đánh nhau đều hoàn toàn có thể xảy ra. Chúng ta có thể dạy các bé biết chơi tinh tế hơn, có trách nhiệm hơn, biết quan tâm đến người khác hơn, biết lường trước rủi ro hơn,... nhưng nếu chúng ta quát mắng thậm tệ, và đổ hoàn toàn lỗi cho trẻ nhỏ khi có sự cố xảy ra, dường như cách cư xử đó chưa công bằng với đứa trẻ.

Tìm hiểu lý do trẻ đánh bạn

Đầu tiên, hãy hỏi rõ cô giáo sự việc bắt đầu như thế nào, diễn biến ra sao và hậu quả có nghiêm trọng không. Bạn cũng có thể hỏi thêm 1-2 cô giáo khác để chắc chắn về sự việc. Việc bạn hiểu rõ chuyện gì đã xảy ra sẽ giúp bạn biết lí do khiến bé hành xử như thế, phải biết lí do thì sau đó mới giải quyết được. Nếu sự việc để lại hậu quả nghiêm trọng như bạn kia bị sưng to, chảy máu….thì bạn nên liên lạc với phụ huynh của bé kia để hỏi han, tỏ ý xin lỗi và đáng tiếc về vấn đề của trẻ.

Có những phụ huynh sẽ hợp tác và bình tĩnh vì hiểu trẻ con không cố tình thì hai bên có thể nói chuyện vui vẻ. Nhưng cũng có những phụ huynh sẽ trút cơn giận dữ lên bạn, bạn chỉ cần nói ngắn gọn hỏi thăm trẻ kia và tỏ ý đáng tiếc vì những hành vi của trẻ nhà mình là được, không cần phải quá dài dòng. Còn nếu chỉ là xô xát nhỏ xước xác, bầm tím thì bạn không cần phải nói chuyện với bố mẹ bé kia ngay, có thể hôm sau tiện gặp thì trò chuyện và thể hiện quan điểm của mình về chuyện của trẻ mà thôi.

Không phủ định cảm xúc của trẻ khi tìm hiểu nguyên nhân trẻ đánh bạn

Khi con trẻ đánh bạn, bạn nên lắng nghe con thay vì phủ định mọi cảm xúc của con. Đừng nói với con: "Có thế mà cũng bực mình?", "Có thế mà cũng phải đánh à?", "Việc đấy thì có gì đâu?" Thay vào đó, ôm con vào lòng để con cảm thấy yên tâm, biết mình được yêu thương vô điều kiện, từ đó sẵn sàng mở lòng và bình tĩnh đối thoại. Thông cảm cho trạng thái cảm xúc của con, ví dụ nói: "Mẹ hiểu rồi."

Nếu lời nói của con có mâu thuẫn với lời cô giáo kể thì bạn cần bình tĩnh phán đoán và hỏi lại bé những chi tiết xung quanh. Khi bạn tỏ một thái độ lắng nghe và bĩnh tĩnh, thường xuyên tôn trọng con thì khả năng bé nói dối, bịa chuyện là rất thấp.

Dạy con cách giải quyết vấn đề thay vì đánh nhau

Khi trẻ đánh nhau có nghĩa là trước đó có một vấn đề mà trẻ không biết dùng cách nào để giải quyết nên đã dùng đến cách xô xát. Để giải quyết dứt điểm thì bé cần biết "Vì sao không nên đánh nhau" và "Những cách để giải quyết vấn đề mà không đánh nhau".

Với các bé 1-2 tuổi, nhiều khi chưa trả lời được câu hỏi "Tại sao", nhưng ít nhất các bé nhìn vào thái độ của mình, đủ hiểu là đó là hành động không được khuyến khích, mà bị dừng lại, bị ngăn cản.

Khi bé khoảng 2.5 tuổi trở lên, bé bắt đầu biết cách giải thích cho hành động của mình, ví dụ: "vì bạn lấy đồ chơi của con", "vì bạn nhìn con", "vì bạn không cho con chơi"...

Đưa cho con giải pháp thay thế, giúp con diễn đạt ra bằng lời các cảm xúc, suy nghĩ, mong muốn của mình. Càng cụ thể, chi tiết càng tốt. Ví dụ mẹ nói với bé: "Mình bảo bạn là: Bạn ơi, tớ đang chơi đồ chơi đó, bạn cho tớ xin lại nhé. Tý nữa tớ chơi xong, tớ đưa cho bạn nhé.", hoặc "Con bảo bạn là: Bạn đừng nhìn tớ như thế, tớ không thích đâu."

Việc đánh mắng, kỷ luật trẻ bằng bạo lực hoặc hình phạt chỉ giúp người lớn khẳng định thế thượng phong, làm cho trẻ thấy sợ hãi và ngày càng tìm cách tinh vi hơn để đối phó, chứ không bao giờ có tác dụng giáo dục thực sự, không giúp trẻ thay đổi nhận thức và hành vi.

Nguồn: Gia đình Việt Nam