Dòng sự kiện:

Cần làm gì khi trẻ lên 5 tò mò hỏi về "chuyện ấy" của bố mẹ?

Theo Gia đình mới
19:41 05/08/2017
Ở lứa tuổi từ 5-8 tuổi, trẻ có một sự tò mò về giới tính nhất định. Hãy nói chuyện với con thật thẳng thắn, chân thành nhưng đừng đi vào quá chi tiết.

Nhiều ông bố bà mẹ vẫn còn rất e dè về giáo dục giới tính cho trẻ. Dưới đây là những lời khuyên để bạn có thể nói chuyện với con về vấn đề tế nhị này, giúp trẻ trang bị những kiến thức giới tính cần thiết và phù hợp với lứa tuổi.

Đừng hoảng hốt như bé nhà bạn hỏi chuyện "tế nhị" 

Đưa ra các quy tắc chung về tôn trọng

Khi đã đến lúc bạn phải nói chuyện với trẻ về giới tính, hãy nhớ bài học đầu tiên bạn cần dạy con là biết tôn trọng:

Tôn trọng cơ thể
Tôn trọng sự kỳ diệu của quá trình sinh sản
Tôn trọng quyền riêng tư của những người xung quanh
Tôn trọng tương lai của bản thân và hiểu rằng quan hệ tình dục có thể ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe và hạnh phúc lâu dài
Tôn trọng hôn nhân và quan hệ tình dục sau hôn nhân.
Điều này về lâu dài còn quan trọng hơn kiến thức chi tiết.

Dạy con tôn trọng cơ thể mình

Trong những năm đầu Tiểu học, hãy bắt đầu bằng việc gọi đúng tên các bộ phận trong cơ thể và biết em bé được sinh ra như thế nào. Sau đó, trước khi bắt đầu tuổi dậy thì, hãy dần dần mô tả đầy đủ về quá trình sinh sản.

Trẻ nhỏ cần gọi đúng tên các bộ phận trên cơ thể và hiểu một cách cơ bản về sự tế nhị của các “cái ấy”. Trẻ cần phải hiểu rằng bộ phận sinh dục không hề “bẩn thỉu” hay “xấu xa”, nhưng chúng cũng không phải cái để phô ra ngoài.

Rất có khả năng trước hoặc sau năm tuổi, con bạn sẽ “khoe” “cái đó” với anh chị em hoặc một đứa trẻ khác. Nếu bạn phát hiện ra điều này, đừng tức giận. Đừng nói với con là bạn rất sốc và xấu hổ về con, hãy nhắc con quy tắc về sự riêng tư tế nhị, tôn trọng bản thân và các bạn khác.

Đừng vòng vo khi trả lời con - Nguồn: Shutterstock

Dạy con phòng tránh xâm hại

Khi trẻ đã qua giai đoạn dùng bỉm, hãy dạy con rằng không ai được sờ vào bộ phận sinh dục của mình, ngoại trừ bác sĩ hoặc y tá khi khám bệnh hoặc bố mẹ khi có lí do cụ thể.

Hãy nói với con là nếu có người cố ý chạm vào bộ phận đó, con phải kêu lên thật to, chạy trốn và kể cho bố mẹ ngay khi có thể. Con phải hiểu rằng nó không hề làm bố mẹ tức giận hoặc buồn bã nếu điều này xảy ra.

Dạy con tôn trọng riêng tư của người khác

Sẽ có lúc, trẻ bước vào phòng tắm lúc bạn đang tắm hoặc vào phòng ngủ lúc không hề thích hợp. Đừng phản ứng thái quá, hãy bình tĩnh nói con ra ngoài. Hãy nói với con rằng những gì nó nhìn thấy không có gì xấu, nhưng đó là riêng tư và con phải gõ cửa trước khi bước vào.

Khi con bắt đầu biết nhận thức, người lớn cần chú ý ăn mặc cả khi ở nhà: Nếu những gì bạn đang mặc là không phù hợp để tiếp khách thì cũng không phù hợp với con.

Dạy con về “chuyện ấy” một cách thẳng thắn

Cùng với việc học tên các bộ phận cơ thể, trẻ cũng có thể sẽ tò mò về quá trình sinh sản, nhất là khi gia đình bạn đang chuẩn bị đón em bé. Đây là cơ hội tốt để nói về quá trình mang thai và sinh nở. Một lời giải thích thẳng thắn và trung thực sẽ thỏa mãn trí tò mò của các bé từ 6-7 tuổi: Em bé lớn lên trong cơ thể mẹ, và khi nào đủ 9 tháng 10 ngày, em bé sẽ chui ra từ “cái đó” của người mẹ.

Nếu trẻ hỏi thêm nhiều câu nữa, ví dụ: “Làm sao để em bé chui ra từ cái lỗ bé tí như vậy? Sinh em bé có đau không? Bố có giúp mẹ sinh em bé không?”, hãy nói sự thật để trẻ không hoang mang: Sinh em bé rất đau, nhưng các bác sĩ sẽ giúp em bé chui ra và cho mẹ uống thuốc để giảm đau.

Rồi sẽ có lúc trẻ hỏi Câu hỏi lớn: “Em bé bắt đầu lớn lên trong cơ thể mẹ như thế nào và tại sao?” Bạn không nên kể một câu chuyện bịa đặt (“Con cò mang con đến đặt trước cửa nhà mình”), hoặc dùng thần học (“Chúa ban em bé xuống cho mẹ”), hoặc nói giảm nói tránh gây hiểu lầm (“Bố mẹ ngủ chung với nhau, thế là có em bé”). Những cách diễn giải này đều khiến trẻ nghĩ rằng mang thai là một việc ngẫu nhiên và không đoán trước được.

Hãy trả lời con một cách đơn giản nhưng thẳng thắn. Bạn có thể nói khi những cái trứng nhỏ tí xíu của mẹ kết hợp với tinh trùng của bố vào thời điểm thích hợp, em bé bắt đầu phát triển.

Khi nói cụ thể hơn về việc làm sao mà tinh trùng và trứng gặp được nhau, hãy nhấn mạnh vào hoàn cảnh: Khi một người đàn ông và một người phụ nữ đã kết hôn và yêu nhau rất nhiều, họ sẽ có một khoảng thời gian đặc biệt chỉ của riêng hai người. Trong khoảng thời gian đó, họ ở gần nhau đến nỗi “cái đó” của hai người ở trong nhau. Sau một lúc, người đàn ông tiết ra tinh trùng ở bên trong cơ thể người phụ nữ.

Trẻ có thể thấy quá trình này thật kỳ quặc. Hãy nhấn mạnh rằng nếu hai người yêu nhau thật nhiều thì họ sẽ thấy vui khi việc này xảy ra.

Bạn cũng cần đặt tên cho hành động này: “Quan hệ” có thể là từ phù hợp nhất mà không tục tĩu; “làm tình” thì hơi mơ hồ; còn “quan hệ tình dục” thì hơi phức tạp, mặc dù đây là từ trẻ sẽ nghe nhiều khi lớn lên.

Khi nói về chuyện đó, hãy nhấn mạnh với con rằng “quan hệ” đúng lúc, với đúng người và trong khuôn khổ hôn nhân là một điều đúng đắn, tốt đẹp và an toàn. Như vậy, con sẽ có cái nhìn tích cực về “chuyện ấy” và coi trọng quan hệ tình dục sau hôn nhân.

Nguồn: Gia đình Việt Nam