Dòng sự kiện:

Cẩn thận với 5 hành vi khiến thính lực của trẻ bị tổn thương và giảm sút

Theo Phunusuckhoe
14:08 20/01/2019
Các giác quan ở trẻ cần được đảm bảo điều kiện phát triển tốt nhất. Trong đó, nhiều người dễ mắc sai lầm hoặc do bất cẩn trong chăm sóc làm tổn thương thính lực của trẻ.

Tình trạng phát triển thính lực ở từng độ tuổi của trẻ không giống nhau

Trẻ sơ sinh: Những tiếng gọi bên tai hoặc các âm thanh khác sẽ thu hút trẻ sinh ra một loạt các phản ứng tương thích như mở to mắt, nhắm mắt, giật mình, thở nhanh hoặc chậm v.v…

Trẻ từ 1 đến 3 tháng tuổi: Khi nghe giọng của mẹ, thường trẻ sẽ mỉm cười và sẽ xoay đầu về hướng có phát ra tiếng động nào đó.

Trẻ từ 4 đến 7 tháng tuổi: Trẻ bắt đầu có phản ứng với tên của mình, khi nghe ai gọi tên, trẻ sẽ phát ra âm thanh hồi đáp lại dù lúc này trẻ chưa biết nói. Ngoài ra, trẻ cũng sẽ dùng giọng ư a của mình để bày tỏ tâm trạng đang vui hay khó chịu.

Trẻ ở từng độ tuổi khác nhau sẽ có những phản ứng thú vị với âm thanh xung quanh - Ảnh minh họa: Internet

Trẻ từ 8 đến 12 tháng tuổi: Khả năng chú ý đối với lời nói của người khác được nâng cao. Trẻ cũng biết phản ứng lại theo vài câu mệnh lệnh đơn giản, thậm chí còn có thể huơ tay theo giai điệu nhạc.

 

Trẻ được 1,5 tuổi: Trẻ có thể tìm kiếm tiếng động ở bên kia bức tường và biết biểu thị nhu cầu của mình một cách đơn giản.

Trẻ từ 2 đến 3 tuổi: Cơ bản trẻ đã có thể nghe hiểu lời của người lớn và cũng biết làm theo yêu cầu của người khác. Trẻ còn biết hát và những câu chuyện ngắn.

Trẻ từ 4 đến 5 tuổi: Giai đoạn này, trẻ đã phân biệt được và có thể miêu tả các loại âm thanh khác nhau. Các bác sĩ chuyên khoa có thể dùng âm thanh với các mức sóng âm để kiểm tra thính lực của trẻ.

Bố mẹ hãy cẩn thận kẻo làm 5 điều này sẽ gây hại cho thính lực của trẻ

Cho trẻ mang giày có nhạc

Hiện nay trên thị trường có vô số các kiểu giày được thiết kế ánh sáng và phát ra âm thanh cho trẻ nhỏ. Trẻ con mang vào và bước đi sẽ cảm thấy thích thú, người lớn xung quanh cũng vì vậy mà vui vẻ hơn khi trông trẻ.

Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe trẻ em lại khuyến cáo mẹ không nên cho trẻ mang loại giày này. Chất lượng giày thường không đảm bảo, tần số âm thanh phát ra có thể cao quá mức tiêu chuẩn, gây tổn thương cho thính giác của trẻ.

Các món đồ chơi có âm thanh cần được lựa chọn kỹ để không kích thích màng nhĩ của trẻ
Các món đồ chơi có âm thanh cần được lựa chọn kỹ để không kích thích màng nhĩ của trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Mua cho trẻ các món đồ chơi phát ra âm thanh

Đồ chơi có nhạc hay âm thanh càng phong phú hơn so với giày dép của trẻ. Nếu trẻ thường xuyên tiếp xúc nhiều loại tiếng động không hợp quy cách ở cự ly gần sẽ rất dễ ảnh hưởng sự phát triển thính lực. Vì vậy, khi chọn mua đồ chơi cho trẻ, bố mẹ nên cẩn thận hơn về tiêu chuẩn âm thanh.

Mang trẻ đi cùng đến phòng karaoke, rạp chiếu phim

Cho trẻ đi xem phim không phải là vấn đề lớn nhưng bạn nên để trẻ lớn hơn một chút và lựa chọn những bộ phim phù hợp. Tuy vậy, nếu không cần thiết thì tốt nhất không nên đưa trẻ đến rạp chiếu phim và phòng karaoke.

Âm thanh ở những nơi này thường rất lớn, chói tai và đủ các loại tạp âm. Nó hoàn toàn bất lợi cho thính lực còn non yếu của trẻ nhỏ.

Tốt nhất không nên cho trẻ đến các phòng karaoke
Tốt nhất không nên cho trẻ đến các phòng karaoke - Ảnh minh họa: Internet

Cho trẻ đeo tai nghe

Các chuyên gia Nhi khoa Canada đã nhắc nhở các bậc phụ huynh không nên cho trẻ dưới 9 tuổi đeo tai nghe như người lớn. Các tổ chức của cơ quan thính giác ở trẻ còn rất yếu, khi đeo tai nghe lại vô tình khiến áp lực âm thanh trực tiếp truyền vào màng nhĩ mỏng manh, gây kích thích và tổn thương thính lực một cách nghiêm trọng.

Ngoáy lỗ tai cho trẻ thường xuyên

Ngoáy tai thường xuyên có thể làm tổn thương thính giác của trẻ
Ngoáy tai thường xuyên có thể làm tổn thương thính giác của trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Thói quen của bố mẹ là hễ thấy có ráy tai hay dị vật trong tai trẻ là phải tích cực “chọc ngoáy” để lấy nó ra. Bạn nghĩ như vậy là giữ vệ sinh và sức khỏe cho trẻ. Nhưng hành vi này nếu quá thường xuyên và không thực hiện đúng cách sẽ rất dễ làm tổn thương sâu bên trong tai của trẻ.

Trong tình huống bình thường thì ráy tai sẽ tự rơi ra, bố mẹ chỉ cần dùng khăn thấm nước vắt khô để lau chùi tai cho trẻ, nếu thấy ráy tai nằm gần sát ngoài thì có thể nhẹ nhàng “khều” ra.

Chú ý: Ngoài 5 hành vi cần tránh nói trên, để bảo vệ thính lực tốt nhất cho trẻ, bố mẹ cũng cần cẩn thận khi tắm không nên để nước vào tai trẻ. Đồng thời, tư thế cho trẻ bú cũng phải đảm bảo để tránh tình trạng trẻ sặc sữa, có thể gây viêm tai mãn tính.

Nguồn: Gia đình Việt Nam