Dòng sự kiện:

Cảnh báo nguy cơ sốc nhiệt tổn thương não khi nắng nóng kéo dài

19:55 06/07/2017
Nắng nóng kéo dài đang diễn ra trong những ngày hè là nguy cơ của hàng loạt bệnh như say nắng, sốc nhiệt...

Sốc nhiệt, say nắng là hiện tượng thường gặp nhưng nếu không biết cách xử lý sẽ dẫn đến những hậu quả không mong muốn như rối loạn ý thức, buồn nôn, co giật, mê sảng, hôn mê thậm chí là tử vong

Tử vong vì nắng nóng kỷ lục

Vào khoảng 10h ngày 5/6 vừa qua một bà cụ ở Xã Đàn (Hà Nội) đã đột tử khi đang đi giữa trời nắng nóng kỷ lục. Theo một số người dân có mặt tại hiện trường, vào thời điểm trên, cụ bà khoảng 70 tuổi điều khiển xe máy đi theo hướng Xã Đàn ra ngã tư Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, TP. Hà Nội). Khi đến khu vực đoạn  giữa phố Xã Đàn, bỗng dưng cụ bà có biểu hiện chóng mặt và ghé vào bên đường rồi gục xuống. Thấy vậy, người dân khu vực đã nhanh chóng sơ cứu và gọi cấp cứu. Tuy nhiên, sau ít phút lực lượng 115 có mặt nhưng xác định nạn nhân đã tắt thở.

Cũng theo ghi nhận, vào thời điểm xảy ra sự việc, thời tiết nóng đến đỉnh điểm. Nhiều người dân khu vực bàn tán và cho rằng, rất có thể thời tiết nắng nóng là nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng. Trước đó, vào khoảng 15h ngày 3/6, tại tuyến đường thôn Lễ Pháp, thị trấn Đông Anh, Hà Nội, người dân phát hiện một người đàn ông trung tuổi gục bên gốc cây nhiều giờ. Thấy vậy, người dân đã tiến lại kiểm tra thì phát hiện nạn nhân đã tử vong. Theo lãnh đạo thị trấn Đông Anh cho biết, nguyên nhân khiến nạn nhân tử vong có thể là do nắng nóng.

Nói về tình trạng sốc nhiệt dẫn đến tử vong do nắng nóng, bác sĩ Lương Quốc Chính, công tác tại Khoa Cấp cứu BV Bạch Mai cho biết sốc nhiệt cũng còn gọi là say nắng là hình thái nghiêm trọng nhất của tổn thương do nhiệt. “Sốc nhiệt có thể gây tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể. Các triệu chứng thường gặp bao gồm: buồn nôn, co giật, lú lẫn, mất định hướng, và đôi khi mất ý thức hoặc hôn mê.

Đồng quan điểm, PGS-TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi T.Ư cũng cho biết, say nắng là bệnh nghiêm trọng nhất do nắng nóng. Ở trẻ em, say nắng xuất hiện khi cơ thể không còn khả năng kiểm soát nhiệt độ: thân nhiệt gia tăng nhanh chóng, ra mồ hôi không đủ để giải tỏa nhiệt, cơ thể không thể tự làm mát. Thân nhiệt có thể lên tới 39,5 độ C hoặc cao hơn chỉ trong vòng 10 - 15 phút. Say nắng có thể dẫn tới tử vong hoặc tàn phế vĩnh viễn nếu không được điều trị cấp cứu kịp thời. Bác sĩ Hải cho hay, nguy cơ mắc bệnh do nắng nóng thường tăng cao ở nhóm trẻ dưới 4 tuổi.

Cũng theo các chuyên gia, sốc nhiệt có liên quan chặt chẽ với chỉ số nhiệt. Chỉ số nhiệt là một đại lượng đo lường bạn cảm thấy nóng như thế nào khi chịu ảnh hưởng từ độ ẩm tương đối kết hợp với nhiệt độ không khí. Độ ẩm không khí trên 60% làm cản trở việc bài tiết mồ hôi, do đó làm cản trở khả năng tự làm mát của cơ thể.

 

Đối tượng dễ bị đột tử và cách phòng tránh

Theo các chuyên gia, nắng nóng kỷ lục kỷ lục là nguyên nhân dẫn đến tình trạng say nắng, sốc nhiệt. Đối tượng thường bị tình trạng này ảnh hưởng nhất đó là người già, trẻ em, những người sống khu dân cư, những người uống không đủ nước hoặc có bệnh mạn tính hoặc uống quá nhiều bia rượu.  Ngoài ra đối với những người mắc các bệnh lý tim, phổi hoặc thận, béo phì, thiếu cân, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tâm thần, bệnh hồng cầu hình liềm, nghiện rượu, bỏng nắng và bất cứ tình trạng nào gây sốt... đều rất dễ bị tổn thương do nhiệt.

Đặc biệt, những người đang sử dụng các thuốc kháng histamin, thuốc giảm cân, thuốc lợi tiểu, thuốc an thần, các thuốc kích thích, thuốc chống động kinh, thuốc tim mạch và huyết áp và các thuốc điều trị bệnh tâm thần... làm tăng nguy cơ tổn thương do nhiệt. Ma túy cũng liên quan tới việc tăng nguy cơ bị sốc nhiệt. Tuy nhiên, những người có bệnh đái tháo đường - có nguy cơ cao phải vào cấp cứu, nhập viện và tử vong do các rối loạn liên quan tới nhiệt lại thường đánh giá thấp nguy cơ của họ trong đợt nóng.

Nếu sinh sống ở khu vực đô thị, bạn có thể đặc biệt dễ bị sốc nhiệt trong đợt nóng kéo dài, đặc biệt nếu chất lượng không khí kém và không có gió. Hiện tượng “hiệu ứng đảo nhiệt” (nhựa đường và nhà kho bằng bê tông bị đốt nóng vào ban ngày và chỉ tỏa dần nhiệt vào ban đêm) làm cho nhiệt độ ban đêm cao hơn.

Bác sĩ Lương Quốc Chính khuyến cáo, để phòng các nguy cơ do nắng nóng, khi chuẩn bị cho trẻ hoạt động ngoài trời, cần chú ý đội mũ rộng vành, mặc uần áo thoáng mát, rộng rãi, sáng màu, bôi kem chống nắng 30 phút trước khi ra đường… Cả người lớn và trẻ nhỏ đều phải uống đủ nước, dùng các loại dịch không gây lợi tiểu, ví dụ nước lọc, tránh các loại nước có cồn vì chúng càng làm gia tăng tình trạng mất nước. Khi hoạt động thể lực trong môi trường nóng bức, trẻ có thể uống 0,5 - 1 lít nước mát mỗi giờ.

Dưới đây là một số biện pháp giúp nhận biết và xử lý kịp thời tránh hậu quả về sau. Thứ nhất, nhiệt độ cơ thể tăng đột ngột: Nếu bạn thấy cơ thể dột ngột nóng lên mà không toát mồ hôi thì rất co thể bạn đã bị say nắng. Lúc này bạn cần tìm bóng râm hoặc về nhà nghỉ ngơ và bổ sung nước ngay lập tức.Thứ hai, buồn nôn: Rất nhiều trường hợp khi bị sốc nhiệt bệnh nhân có hiện tượng nôn ói do rối loạn tiêu hóa. Lúc này cần bổ sung nước và đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay lập tức. Thứ ba, da khô, đỏ: Việc di chuyển trong điều kiện nắng gắt từ phòng máy lạnh ra bên ngoài rất dễ khiến cơ thể bị mất nước đột ngột. Nếu không bổ sung nước kịp thời da dễ bị nóng và đỏ lên nhanh chóng. Đối với những người có làn da nhạy cảm thì càng dễ xảy ra hiện tượng này. Vì vậy khi đi ra ngoài trời trong điều kiện nắng nóng cần có biện pháp chống nắng phù hợp như dùng áo chống nắng che kín chân tay, cổ và phần mặt.

Thứ tư, đau đầu, chóng mặt: Nhiệt độ cao thường kéo theo các hiện tượng đau đầu, chóng mặt gây ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất làm việc. Vì cậy cần bố sung 2 lít nước/ ngày đồng thời có không gian làm việc thoáng mát, tránh ngồi quá lâu trong phòng điều hòa. Thứ năm, đồng tử thu nhỏ: Nếu muốn biết ai đó có bị sốc nhiệt hay không hãy kiểm tra đồng tử của họ. Đối với người bị sốc nhiệt, cơ thể thiếu nước sẽ khiến đồng tử bị thu nhỏ lại. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn mắt có thể bị đau nhức liên tục. Thứ sáu, bất tỉnh: Tuy bất tỉnh có thể là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau nhưng nếu bệnh nhân làm việc quá lâu dưới thời tiết nắng nóng thì rất có thể bị bất tỉnh là do sốc nhiệt. Trong trường hợp các trường hợp này cần đưa ngay bệnh nhân vào bóng râm, chườm đa lạnh vào những vùng có nhiều mạch máu như cổ, bẹn và nách góp phần làm giảm sức nóng. Sau đó, nhanh chóng đưa bệnh nhân tới bệnh viện để được điều trị kịp thời.

Theo Gia đình Việt Nam